(VOV5) - Đây chính là một động lực để anh vững niềm tin rằng, làm việc ở môi trường khó sẽ tôi luyện ý chí, nghị lực cho bản thân.
Sau thời gian học tập nghiên cứu và hoàn thành xuất sắc chương trình tiến sĩ ở Đài Loan (Trung Quốc), Nguyễn Duy Đạt quyết định trở về Việt Nam làm việc, với mong muốn đem kiến thức cùng những nghiên cứu về kiểm soát ô nhiễm không khí góp phần giải quyết bài toán về môi trường ở Việt Nam. Hiện nay, tiến sĩ Nguyễn Duy Đạt đang là giảng viên bộ môn Công nghê Môi trường, Công nghệ Hóa học & Thực phẩm, ĐHSP Kỹ thuật TP.HCM.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tại Diễn đàn trí thức trẻ toàn cầu 2019, bài thuyết trình của một chàng trai đến từ thành phố Hồ Chí Minh có tên Nguyễn Duy Đạt đã gây ấn tượng khi đề cập một vấn đề đang được xã hội quan tâm. Đó là mức độ ô nhiễm không khí ở Việt Nam.
Nguyễn Duy Đạt ( thứ 4, từ phải) vàcác bạn tại Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019 tại Hà Nội. |
Được biết, đề tài “Nghiên cứu sự phân bố, nguồn thải và bước đầu đánh giá nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người của các hợp chất hữu cơ bền (Nafosted) của Duy Đạt cùng cộng sự đang được Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm, bởi nó đánh giá được mức độ ô nhiễm, đặc điểm của các loại chất độc bền trong không khí ở TP Hồ Chí Minh, qua đó đánh giá khả năng mức độ gây ảnh hướng của chúng đến sức khỏe con người, từ đó đề xuất các biện pháp giảm thiểu phát thải.
“Đề tài của tôi chủ yếu là kiểm soát những chất sinh ra trong quá trình đốt ở nhiệt độ cao. Quá trình đốt khi nhiệt độ lên tới 900 độ C thì Dioxin bị phân hủy nhưng khi giảm nhiệt độ Dioxin hình thành. Tôi nghiên cứu một chất mới trong đó phát triển phương pháp phân tích để coi thử xem trong nguồn đốt đó, nồng độ chất đó là bao nhiêu, rồi trước và sau xử lý nồng độ đó thay đổi như thế nào”. Duy Đạt cho biết,
Sau khi hoàn thành xuất sắc chương trình thạc sĩ tại ĐH Bách Khoa TP.HCM với đề tài xử lý nước thải bệnh viện bằng công nghệ sinh học màng (MBR), Nguyễn Duy Đạt về công tác tại bộ môn Công nghệ Môi trường, tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Nhận thấy nhân lực chuyên ngành hẹp ô nhiễm không khí và xử lý khí thải ở Việt Nam còn khá mỏng nên chàng trai quê gốc Bình Thuận này quyết định chuyển sang nghiên cứu và tìm học bổng nước ngoài từ Lab mạnh về nghiên cứu ô nhiễm không khí và xử lý khí thải tại Đài Loan, Trung Quốc.
Duy Đat ( áo xanh) và giáo sư Chang cùng những đồng nghiệp tại Lab ở Đài Loan ( Trung Quốc). - Ảnh nhân vật cung cấp |
Duy Đạt kể có duyên gặp Giáo sư Moo Been Chang Đại của ĐH Quốc Lập Trung Ương Đài Loan (National Centre) hướng dẫn nghiên cứu. Tại Lab của GS Chang, Duy Đạt được tiếp xúc với nhiều kỹ thuật phân tích hiện đại, các công nghệ xử lý khí thải tiên tiến nhất trên thế giới. Duy Đạt được tham gia nhiều dự án của GS Chang, tham gia các hội nghị chuyên ngành. Với thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, Nguyễn Duy Đạt liên tục giành được học bổng của trường đại học, có gần chục công trình nghiên cứu được đăng báo. Trải nghiệm cuộc sống ở Đài Loan giúp Đạt tích lũy nhiều kiến thức hữu ích, đủ tự tin để xin dự án, thực hiện các nghiên cứu về mảng ô nhiễm không khí và xử lý chất thải rắn:
“Ở Đài Loan, người ta xử lý hơn 90% chất thải rắn bằng phương pháp đốt và họ kiểm soát rất kỹ việc đó. Ở Việt Nam mình trong tương lai, tôi tin rằng vấn đề chất thải rắn chắc chắn sẽ sử dụng phương pháp đốt. Hiện giờ, mình đang theo cách làm chôn lấp. Cho nên, đây sẽ là một vấn đề rất được quan tâm trong thời gian tới”. - Duy Đạt nói,
Nguyễn Duy Đạt tại phòng thí nghiệm ở Đài Loan. - Ảnh nhân vật cung cấp. |
Nhận thấy tiềm năng rất lớn về ứng dụng xử lý chất thải rắn theo phương pháp đốt ít gây tổn hại môi trường ở Việt Nam, Duy Đạt quyết định trở về măc dù cậu có rất nhiều cơ hội việc làm tốt ở Đài Loan. “Về Việt Nam, tôi bắt đầu nghiên cứu về không khí xung quanh trước và muốn xác định nguồn chất độc hại nào đang gây nên tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam. Nghiên cứu sơ khởi này tôi đang làm được hơn 1 năm, phân tích các chất độc gây ung thư như dioxin, PAH và nhóm chất khác. Tôi phát hiện ra rằng, có một hệ thống hấp thu để xử lý SO trong nguồn đốt chất thải rắn tăng. Tôi đang cố giải thích cơ chế đó để ra rằng, công nghệ nào được sử dụng phù hợp cho xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt đó.”
Duy Đạt tại một hội nghị năm 2019 về xử lý Dioxin trong không khí tại Nhật Bản. - Ảnh nhân vật cung cấp |
Tại Việt Nam, Duy Đạt thấy rằng có rất ít nghiên cứu về lĩnh vực ô nhiễm không khí. Lý do là bởi chuyên ngành này rất phức tạp trong khi thiết thị cho phòng thí nghiệm lại (lab) vô cùng đắt tiền. Vì thế, từ khi trở về, Duy Đạt và cộng sự phải cùng lúc làm rất nhiều việc. Khó khăn lớn nhất với anh là thiếu thiết bị máy móc hiện đại cho nghiên cứu, chi phí hóa chất rất cao. Tuy nhiên, quyết tâm theo đuổi đến cùng, Duy Đạt và cộng sự phải tự tìm mọi cách để xin tài trợ, xoay sở trang thiết bị, máy móc để thử nghiệm ý tưởng mới.
Đối với những thiết bị hiện đại, Duy Đạt nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà khoa học, trí thức ở trong và ngoài nước: “Tôi đang cố gắng tận dụng mọi nguồn tài trợ để xây dựng lab, sẽ tìm mọi cách connect các bạn ở Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ hợp tác theo từng mảng. Như vừa rồi, không khí ở Việt Nam bị ô nhiễm không khí tăng cao đột biến, tôi nhờ các bạn có chuyên môn truy cập vào hệ thống của NASA xem lý do tại sao.. Trước khi trở về, tôi quan niệm sẽ xây dựng một cộng đồng như này để cùng hỗ trợ lnhau. Về lĩnh vực này, ở Việt Nam mình còn thiếu thốn về mọi thứ, nên mình phải kết nối nhiều nhất có thể”.
Duy Đạt luôn tin rằng ở đâu có khó khăn ở đó sẽ có cơ hội. - Ảnh nhân vật cung cấp |
Nguyễn Duy Đạt cho rằng, việc giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Việt Nam chưa thể thực hiện trong một sớm một chiều, tuy nhiên Việt Nam đang đi đúng hướng trong giải quyết bài toán về môi trường.
Đây chính là một động lực để anh vững niềm tin rằng, làm việc ở môi trường khó sẽ tôi luyện ý chí, nghị lực cho bản thân. Và ở đâu có khó khăn, ở đó sẽ có cơ hội. Và có khi cơ hội đến từ chính khả năng giải quyết một vấn đề nào đó.