(VOV5) - Vừa gìn giữ ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ cho các con nơi xa xứ, những người phụ nữ cũng quan tâm đến việc hòa nhập tốt với văn hóa của nước sở tại đồng thời không quên bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Bởi các chị em vẫn được coi là người “giữ lửa” trong gia đình và là cầu nối duy trì sự gắn bó của thế hệ trẻ với quê hương đất nước.
Cứ vào dịp lễ Tết, bà con kiều bào lại thu xếp trở về thăm quê hương Việt Nam. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Việc dạy và học tiếng Việt từ lâu đã là một nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Mặc dù hành trình để dạy và học tiếng Việt ở xứ người vô cùng gian nan về địa điểm học tập, kinh phí hoạt động, giáo viên, giáo trình giảng dạy nhưng bà con người Việt vẫn quyết tâm duy trì. Cha mẹ phụ huynh và các giáo viên đã nỗ lực không ngừng để gìn giữ tiếng Việt truyền lại cho lớp trẻ. Với bà Lê Thị Hường ở Nakhon Phanom, là thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên tại Thái Lan, bà rất yêu tiếng Việt. Bà kể, ngay từ nhỏ, bà đã được cha mẹ chỉ bảo và dạy cách nói, cách viết tiếng Việt sao cho đúng. Rồi từ đó, bà trở thành giáo viên dạy tiếng Việt cho những thanh, thiếu niên người Việt chưa biết tiếng: “Bây giờ chúng tôi dạy ở nhà, có phòng riêng, có bảng, có ghế cho các em học. Một tuần có hai buổi dạy cho em từ lớp một đến lớp sáu, lớp bẩy với khoảng 30- 40 em học sinh. Phong trào dạy tiếng Việt này mới khuấy động trở lại bởi vì Đảng và Chính phủ Việt Nam có mời một số giáo viên về tập huấn giảng dạy tiếng Việt. Những giáo viên đó trở lại Thái Lan lại tập huấn lại cho chúng tôi, những người không có điều kiện về học ở trong nước. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau để bàn bạc, truyền cho nhau những kinh nghiệm dạy tiếng Việt”.
Bà Phạm Gia Thịnh, kiều bào CHLB Đức (thứ hai từ trái sang), trồng cây tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Hà Nội. |
Vừa gìn giữ ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ cho các con nơi xa xứ, những người phụ nữ cũng quan tâm đến việc hòa nhập tốt với văn hóa của nước sở tại đồng thời không quên bản sắc văn hóa dân tộc mình. Bà Phạm Gia Thịnh gắn bó với phong trào thiếu niên, nhi đồng của người Việt ở Chemnitz được gần 15 năm. Nhận thấy thế hệ trẻ gốc Việt lớn lên ở xứ người nên có những hiểu biết nhất định về truyền thống văn hóa Việt, bà Gia Thịnh đã bỏ nhiều công sức để dạy các em học múa, học hát các bài hát tiếng Việt. Dịp Tết Nguyên đán và Tết Trung thu, cô trò lại tha thướt trong các tà áo mớ ba mớ bảy biểu diễn các tiết mục văn nghệ cho bà con người Việt ở Chemnitz: “Ngày xưa tôi có các phong trào dạy các cháu hát hò, thì đến bây giờ lớp trẻ lên cũng cứ phát huy dạy dỗ các cháu bằng tiếng Việt, đặc biệt phải hát thật nhiều bài hát tiếng Việt. Và có những điệu múa hoặc những hoạt cảnh về cội nguồn của mình thì nên phát huy. Trước đây, tôi có biên đạo hoạt cảnh múa “Ngày mùa” cho các cháu. Tôi đã về Việt Nam và mua các cái mẹt, quang gánh, đòn gánh, giỏ mang sang Đức để dựng hoạt cảnh cho các cháu. Các hoạt cảnh đó biểu diễn cho các cô, bác, anh, chị, em bên đấy xem vào cuối tuần, rất vui”.
Sống ở nước ngoài, nỗi nhớ quê và niềm mong ước đất nước phát triển cho bằng bè bạn trên thế giới là hai điều song hành của người Việt. Bà Hương Ly có 26 năm sống ở Australia. Là một doanh nhân, bà kinh doanh bất động sản, ngoài ra còn là chủ một công ty sơn. Bà hay về Việt Nam để thăm thân và du lịch bởi tình yêu quê hương luôn giữ trong tim. Khi trở lại xứ sở chuột túi, có dịp gặp gỡ bạn bè hay đối tác nước ngoài, bà Hương Ly thường tranh thủ quảng bá về du lịch của nước mình. Qua đó, nhiều bạn bè của bà đã đến Việt Nam tham quan và nghỉ dưỡng. Bà nói, Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp tự nhiên mà tạo hóa ban cho, nước ta cần có định hướng vừa phát triển theo chiều rộng, vừa phát triển theo chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ để ngành du lịch cất cánh: “Nói về du lịch Việt Nam so sánh với du lịch của thế giới thì nước ta có rất nhiều phong cảnh đẹp. Nhưng để đạt được tiêu chuẩn như nước ngoài thu hút được mình cho mọi người buổi tối tốt lành vui vẻ nhiều hơn thì mình nghĩ rằng về các dịch vụ phải rõ ràng, cụ thể hơn. Thứ hai là, ở nước ngoài người ta thực hiện quy mô hơn nhưng ở nước mình thì quy mô và dịch vụ của mình vẫn chưa đạt tiêu chuẩn lắm. Mình hy vọng rằng nếu khắc phục để đạt được tiêu chuẩn thì ngày càng thu hút nhiều người nước ngoài đến Việt Nam hơn”.
Phụ nữ Việt kiều ra nước ngoài sinh sống phải đối mặt với nhiều rào cản về ngôn ngữ, về hội nhập xã hội sở tại nhưng các bà, các chị vẫn luôn phấn đấu lao động cần cù, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau vượt khó, nâng cao vị thế cộng đồng đồng thời giữ gìn truyền thống văn hóa Việt. Người Việt còn thì tiếng Việt, văn hóa Việt còn. Cốt cách tâm hồn Việt dù ở đâu vẫn không hòa tan mà hội tụ lại để tạo nên một nét độc đáo riêng, khó lẫn.