(VOV5) - Mong muốn trao truyền tiếng Việt cho các thế hệ sau là nguyện vọng của hầu hết phụ nữ Việt Nam sống ở nước ngoài.
Sống ở nước ngoài, hòa nhập và có nhiều đóng góp cho sở tại, nhưng những phụ nữ Việt Nam vẫn luôn tự hào mình là người Việt, mong muốn không chỉ gìn giữ văn hóa dân tộc, mà còn luôn có ý thức quảng bá văn hóa Việt, trao truyền lại cho những thế hệ sau. Ghi chép sau đây của Hân My sẽ phần nào giúp quý vị hiểu được tình cảm với quê hương của những phụ nữ Việt sống xa quê:
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chị Minh Anh, người Việt tại Mỹ, hằng ngày dành thời gian sang nhà chị ruột của mình để chơi và dạy các cháu tiếng Việt. Hai bạn nhỏ, một 4 tuổi và một mới 2 tuổi, đã làm quen với các từ tiếng Việt khi bắt đầu tập nói.
Chị Minh Anh và cháu |
Do bố là người Mỹ, nên hai bạn nhỏ vẫn sử dụng tiếng Anh để giao tiếp ở nhà và khi đến lớp học. Vì vậy, bất kỳ lúc nào, mẹ của cháu và dì lại cố gắng nói tiếng Việt để dạy các cháu. Mong muốn của chị Minh Anh là làm sao các cháu, cho dù sinh và ra lớn lên tại Mỹ, nhưng có thể hiểu và nói được tiếng Việt: Anh rể là người nước ngoài nên vẫn nói tiếng Anh nhiều, Nhưng thời gian gần đây, để các cháu về Việt Nam hiểu và có thể giao tiếp, nên mọi người đang cố gắng để dạy các cháu tiếng Việt. Dạy các cháu nói những từ như mẹ, bà, cụ, xin chào. Gần đây, dạy các bé muốn xin gì, muốn lấy gì thì phải ạ
Mong muốn trao truyền tiếng Việt cho các thế hệ sau là nguyện vọng của hầu hết phụ nữ Việt Nam sống ở nước ngoài. Bởi họ luôn tâm niệm rằng, yêu tiếng Việt sẽ giúp cho các bạn nhỏ yêu văn hóa Việt Nam, yêu đất nước và con người Việt Nam.
Chị Nguyễn Ngọc Thủy, kiều bào tại Đài Loan(TQ) |
Từ đó, các bạn sẽ có tình cảm hướng về cội nguồn và luôn tự tin, tự hào mình là người Việt. Đúng như chị Ngọc Thủy, người Việt tại Đài Loan (Trung Quốc), cũng là một cô giáo dạy tiếng Việt, chia sẻ : chị luôn muốn con gái của mình tự hào khi nói với các bạn rằng, mẹ tôi là người Việt:Mỗi lần tôi nhìn con gái tôi thì tôi phải làm sao để cho khi mà con gái đi học thì tự tin nói với bạn bè rằng mẹ tôi là Việt Nam. Khi mà họ chưa hiểu về Việt nam, thì họ sẽ cảm thấy mẹ bạn đến từ Việt Nam có gì là hay, hoặc Việt Nam chăng là gì cả. Nhưng nếu họ hiểu về Việt Nam thì họ sẽ thấy thích và yêu mến Việt Nam , và khi đó, con gái tôi nói mẹ tôi đến từ Việt Nam sẽ tự tin hơn.
Chị Quỳnh Linh(đứng giữa) cùng những phụ nữ Việt ở nước ngoài trong bộ áo dài truyền thống. Ảnh FB nhân vật |
Văn hóa dân tộc hằng ngày được gìn giữ, thấm đượm vào cuộc sống của những phụ nữ Việt nơi xa xứ. Tình cảm với quê hương được phụ nữ thể hiện trong từng bữa cơm hằng ngày, trong những ngày lễ của dân tộc. Văn hóa Việt còn được dụy trì trong mỗi gia đình nhờ sự chăm chút và vun đắp của mỗi người phụ nữ. Chị Nguyễn Quỳnh Linh, kiều bào tại CHLB Đức, chia sẻ: Với nhà tôi, ngày bình thường cũng nấu cơm như ở Việt Nam. Cũng vẫn nói tiếng Việt, ăn đồ ăn Việt Nam, ngày lễ tết, bạn bè con cái là người nước ngoài hay bạn bè tôi đến thì tôi cũng muốn nấu các món quê hương. Hai cháu sinh ra và lớn lên ở Đức. Thực tế là cháu gái giỏi hơn, có thể nói viết tiếng Việt, cháu trai thì hiểu khoảng 70%
Chị Minh Hạnh ( áo xanh ngoài cùng) cùng những phụ nữ Việt trong sự kiện Tết Việt ở Lyon |
Không chỉ trong từng gia đình, mà mỗi phụ nữ Việt còn là những đại sứ quảng bá cho văn hóa Việt Nam khi các chị là những thành viên tích cực trong các tổ chức Hội, đoàn. Chính nơi đây, phụ nữ lại càng có điều kiện tỏa sáng, mang những kiến thức, mang tình yêu với quê hương để giới thiệu cho bạn bè quốc tế thông qua các sự kiện văn hóa. Chị Nguyễn Minh Hạnh, ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam tại Châu âu, cho biết:Trong các hội đoàn,có các thành viên là phụ nữ. Các chị em đều quan tâm, mong muốn phát triển hình ảnh văn hóa. Có chị em phụ nữ mới có trình diễn áo dài, có phụ nữ mới có các buổi văn nghệ quảng bá Việt Nam, có chị em thì mới có những buổi dạy nấu ăn,dạy tiếng Việt
Quê hương là chùm khế ngọt… ai đi xa cũng nhớ về. Những câu thơ nằm lòng trong mỗi người con Việt nơi xa xứ. Và với những phụ nữ Việt Nam đang sống xa quê, tình cảm đó lúc nào cũng trọn vẹn, cũng luôn được gìn giữ bồi đắp. Không chỉ có phụ nữ ở trong nước, mà ở nước ngoài, trách nhiệm của mỗi phụ nữ trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc từ trong mỗi gia đình đến cộng đồng rất quan trọng. Họ luôn có ý thức và trân trọng mỗi giá trị của dân tộc bởi họ luôn tự hào mình là người con đất Việt.