Quê hương yêu dấu ở trong lòng

(VOV5) - Những năm gần đây, các chuyến về nguồn hàng năm của đoàn kiều bào do Bộ Ngoại giao tổ chức mang đầy ý nghĩa, để lại ấn tượng tốt đẹp trong mỗi thành viên tham gia đoàn. Năm 2013 này cũng vậy, bà con kiều bào không chỉ được hòa mình tham dự Lễ đón bằng UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà còn đến thăm những địa danh lịch sử ở nơi địa đầu Tổ quốc. Mời quý vị và các bạn cùng dõi theo bước hành hương của những người con xa trở về đất mẹ qua phóng sự: Quê hương yêu dấu ở trong lòng.


Nhấn vào thanh âm thanh để nghe nội dung phóng sự:





Đã thành thông lệ, từ nhiều năm nay, cứ sang xuân, đoàn kiều bào tiêu biểu đại diện cho những người con xa lưu lạc nơi chân trời góc bể, lại hành hương về với đất Tổ, dâng nén tâm hương cúi đầu nhớ về cội rễ. Là một trong 60 kiều bào tiêu biểu từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ về tri ân công đức tổ tiên năm nay, ông Nguyễn Bá Ngọc Dinh, người Việt ở Cộng hòa Séc, cho biết đã tới đền Hùng nhiều lần, nhưng lần nào về với dải đất có núi trăm ngọn mang hồn sông núi, ông đều cảm nhận được sự linh thiêng của nguồn cội: “Đến đền Hùng, cảm nhận đầu tiên là tình cảm của mình về cội nguồn, mặc dù đó là truyền thuyết. Mình có một cội nguồn để trong nước cũng như ngoài nước tập trung về đấy, mọi người vẫn nhớ đến cội nguồn của mình. Nếu không nhớ đến cội nguồn thì chẳng có ý nghĩa gì. Tôi nghĩ Đền Hùng là nơi quy tụ tất cả người Việt Nam trong nước và ngoài nước hành hương về cội gốc của mình, những người không quên cội rễ thì dân tộc ấy sẽ trường tồn”.

Chương trình về nguồn còn có nhiều hoạt động ý nghĩa tại mảnh đất cội nguồn cách mạng Cao Bằng. Đến thăm Đồn Biên phòng Đàm Thủy, bà con được nghe chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng giới thiệu về đường biên giới Cao Bằng - Trung Quốc, quá trình thành lập xây dựng cột mốc biên giới, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ biên phòng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên mốc giới. Đại tá Địch Xuân Thùy, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng cho biết: “Bộ đội biên phòng ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới ra, còn tăng cường xuống các xã biên giới để tăng cường giữ các chức danh bí thư, chủ tịch để củng cố cơ sở của bà con khu vực biên giới. Hoàn thành nhiệm vụ này là nhờ vào sự đùm bọc, yêu thương của đồng bào biên giới. Lực lượng biên phòng hai bên có tổ chức tuần tra song phương”.

Quê hương yêu dấu ở trong lòng - ảnh 1
Tại đồn biên phòng Đàm Thủy


Sau khi nghe nói chuyện về đường biên, mốc giới, ông Trần Xuân Mười, Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Kalasin, Thái Lan bộc bạch: “Trước kia tôi chỉ biết có sự kiện tháng 2 năm 1979, hồi đó tôi chưa 30 tuổi tôi chưa biết rõ đồng bào trong nước bị thiệt hại như thế nào. Nhưng mà khi tôi đến Cao Bằng, lên đồn biên phòng thì bộ đội biên phòng cho biết thông tin về sự hi sinh của đồng bào và chiến sĩ biên phòng để giữ gìn lấy đất nước, không cho ngoại xâm vào xâm chiếm. Tôi rất phục đồng bào trong nước và chiến sĩ biên phòng ở phía bắc đã hi sinh để giữ gìn bờ cõi của đất nước Việt Nam”.

Theo chân các chiến sĩ biên phòng xuống thăm thác bản Giốc, bà con kiều bào ai nấy đều thán phục trước vẻ đẹp hùng vĩ tung bọt trắng xóa của dòng thác. Trăm nghe không bằng một thấy, đến tận nơi, qua lời của hướng dẫn viên là chính các chiến sĩ biên phòng, bà con đã nhìn nhận ra rằng, thác bản Giốc vẫn còn đó, được phân định rất rõ ràng, không như những thông tin sai lệch trước đây mà họ đã từng nghe.


Quê hương yêu dấu ở trong lòng - ảnh 2
Các chiến sĩ biên phòng kiêm hướng dẫn viên giới thiệu về thác bản Giốc



Ông Lê Bá Vũ, Giám đốc Sở Ngoại vụ Cao Bằng chia sẻ: “Đối với đồng bào Việt kiều về thăm Cao Bằng, là tỉnh biên giới, thăm phong cảnh Cao Bằng. Trong đó thăm thác Bản Giốc, nhiều người không hiểu gì cả, có người hiểu thác bản Giốc đã mất rồi. Đồng bào về tận mắt thấy thác vẫn còn đó, một cái thác nằm trên đường biên giới hữu nghị. Cái đó là cái rất tốt cho đồng bào. Đây là điều rất tự hào của người dân Cao Bằng nói riêng và cả nước nói chung. Và kiều bào về cũng có những suy nghĩ tốt”.

Tựa vào cột mốc 836 (2) bằng đá hoa cương khẳng định chủ quyền biên giới của Việt Nam bên triền thác bản Giốc, sự cảm phục các cán bộ, chiến sĩ biên phòng càng dâng lên cao độ. Các anh đã hiến dâng sức trẻ của mình để quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đất chủ quyền của đất nước.


Quê hương yêu dấu ở trong lòng - ảnh 3
Thác bản Giốc hiện ra trong sương mờ


Chia tay các chiến sĩ miền biên viễn, ngược trở ra huyện Hà Quảng, bà con kiều bào còn tới thăm khu di tích Pác Bó, địa điểm đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn về nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài. Bà con thêm một lần xúc động trước phẩm chất cao quý của Bác Hồ.


Quê hương yêu dấu ở trong lòng - ảnh 4
Bàn đá nơi Bác Hồ làm việc trong khu di tích Pác Bó



Trong đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, giọng ông Lê Văn Duyên, 84 tuổi, rưng rưng trước ban thờ Hồ Chủ Tịch: “Hôm nay chúng con và kiều bào trên thế giới  được vinh hạnh đến kính viếng Bác. Bác là người đã sáng lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945. Đất nước được như ngày hôm nay là do sự lãnh đạo sáng suốt của Bác. Bốn chữ: cần, kiệm, liêm, chính của Bác chính con đây là người luôn tuân hành. Tất cả những lời của Bác kính yêu căn dặn, chúng con luôn ghi nhớ. Chúng con lúc  nào cũng kính cẩn hướng về Tổ quốc, luôn luôn hướng về những lời hướng dạy của Bác. Bác luôn luôn ở trong tâm hồn chúng con”.

Hành hương về cội nguồn, thăm lại những khu di tích lịch sử của đất nước, tìm hiểu về một quá trình lịch sử hào hùng của dân tộc, tình yêu đất nước, yêu dân tộc như tuôn chảy mạnh mẽ hơn trong mạch đập con tim của những người con Việt xa xứ. Để khi về lại nơi xa, lại thầm nhắc nhủ hai tiếng quê hương, cội nguồn trong niềm tự hào nồng thắm khôn nguôi./.

Phản hồi

Các tin/bài khác