(VOV5) - Tập thơ Những mùa hoa anh nói với những bài thơ thể hiện một tâm hồn trong trẻo, luôn xao động với cuộc đời.
Lễ ra mắt tập thơ Những mùa hoa anh nói của tác giả Trương Anh Tú (người Việt tại CHLB Đức) diễn ra vào ngày 20/10/2018 tại Hà Nội.
Sự kiện do Công ty văn hóa - truyền thông Liên Việt tổ chức.
Quang cảnh buổi ra mắt tập thơ Những mùa hoa anh nói |
Ngoài các diễn giả như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn, tại buổi ra mắt sách có nhiều nhà văn, nhà thơ, bạn đọc, bạn viết cùng các nhà phê bình văn học khác tham gia giao lưu, tọa đàm.
Trương Anh Tú sinh năm 1967 tại Hà Nội. Anh đã sống và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức gần 30 năm, với công việc tại một hãng sản xuất thiết bị điện trong ô tô. Anh đã sáng tác nhiều ca khúc, đưa tin cộng đồng cho các báo chi, cũng như làm thơ như một nhu cầu tự thân.
Từ trái qua: nhà thơ TRương Anh Tú, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà nghiên cứu phê bình văn học Chu Văn Sơn, nhà văn Di Li |
Các diễn giả có chung một nhận xét những bài thơ thể hiện rõ một tâm hồn trong trẻo, luôn xao động với cuộc đời. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cho rằng: “Thơ là người nên được nghe các bạn dọc và hát thơ của anh- do anh phổ nhạc, ai cũng thấy như được cầm tay người bạn thân quý.”
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến phát biểu tại buổi ra mắt tập thơ. |
Trong bài viết “Một hồn thơ thuần Việt”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận xét: “Người đọc có thể nhận ra ngay, bao trùm toàn bộ không gian thi ca của Trương Anh Tú trong tập thơ này là một hồn thơ thuần Việt. Đây là điều sẽ khiến không ít người bất ngờ khi đọc thơ anh vì ta cứ ngỡ rằng, một người sống và viết ở nước ngoài nhiều năm như Trương Anh Tú thì các trào lưu thi ca đương đại châu Âu sẽ ảnh hưởng tới sự sáng tạo của anh, hoặc chí ít cũng làm thay đổi giọng điệu thơ theo hướng hậu hiện đại. Nhưng không, những chặng thời gian thi ca ở hải ngoại đã không ảnh hưởng, không làm thay đổi không gian thi ca thuần Việt của Trương Anh Tú.”... “Với giọng điệu thơ trong trẻo và hồn nhiên, gương mặt thơ Trương Anh Tú dần hiện ra theo cách: “Ta ngồi bạc áo phong trần/ Mai sau còn lại trong ngần trẻ thơ”.