Sông Tô - từ truyền thuyết đến hiện trạng
Sông Tô Lịch là một con sông nhỏ, chảy từ quận Cầu Giấy, qua 6 quận, huyện thành Hà Nội và đổ ra Sông Nhuệ. Tương truyền, sông được đặt theo tên một vị thần tên là Tô Lịch, sống vào thời nhà Tấn đô hộ xứ Giao Chỉ. Là một đường bao của kinh đô Thăng Long xưa, sông Tô Lịch là một cạnh của tứ giác nước Thăng Long, cũng là một nhánh của sông Hồng trước đây. Theo lời kể của những người già, ngày xưa, nước sông trong xanh, cá, tôm sinh trưởng rất nhiều, người dân có thể đi thuyền trên sông ngắm cảnh. Nên có bài thơ viết:
Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh.
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu.
Sông Tô Lịch “nên thơ” sau đợt mưa dài ngày - Nguồn: Internet
|
Với những người sinh ra ở miền Nam, đọc câu thơ trên về Sông Tô Lịch thì cảm thấy thôi thúc muốn ra thăm Hà Nội (HN). Còn đối với những người xa quê hương lâu như tôi, đã đi hết biển… thì muốn về thăm Thủ đô và hy vọng giúp được gì đó cụ thể cho đất nước.
Cuối cùng, chuyện ấy cũng xảy ra. Tôi về làm chuyên gia tư vấn công nghệ thông tin cho một công ty viễn thông ở Hà Nội. Tôi sống trong một khách sạn ở Kim Mã và Công ty ở đường Dương Đình Nghệ. Sáng nào tôi cũng đi qua con sông Tô Lịch đã được sửa sang lại, với những bờ kè đá rất đẹp nhìn từ xa, nhưng khó thể dừng xe chiêm ngưỡng được vì mùi hôi nồng nặc bốc lên, nước đen kịt, sủi bọt, rác đủ loại trôi lềnh bềnh, tôm cá không sống nổi…, khủng khiếp hơn thời tôi còn học ngoại ngữ ở Thanh Xuân hàng chục năm trước.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay trung bình mỗi ngày đêm, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 150.000 m³ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra dòng sông thông qua hơn 300 cống xả thải. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng xả rác xuống dòng sông gây ô nhiễm môi trường nặng nề và mất mỹ quan đô thị. Tình trạng ô nhiễm như thế không chỉ diễn ra ở sông Tô Lịch, mà còn là ở nhiều sông hồ khác của Thủ đô.
Sông Tô Lịch ngày nay - Nguồn: Internet
|
Tôi rất ngạc nhiên và buồn vì bao nhiêu năm rồi, những điều được học từ thời du học ở Hungary vẫn không được áp dụng ở ta. Rồi tìm đọc các thông tin liên quan đến sông Tô Lịch trên internet như năm 2015, thành phố Hà Nội kết nghĩa với Amsterdam và hợp tác trong quản lý nước nhưng không tiến triển gì… Biết được cá chết hàng trăm tấn ở Hồ Tây nhưng không rõ nguyên nhân chính xác và các nhà chức trách phải vào cuộc… Có ý kiến đề nghị dùng nước sông Hồng hay nước Hồ Tây rửa sạch sông Tô Lịch… Các chuyên gia Nhật Bản đang giúp làm sạch nước Sông Tô Lịch bằng phương pháp vi sinh nhưng bị nước Hồ Tây bơm vào, cuốn sạch tất cả… Làm cống ngầm gom nước thải sông Tô Lịch, sâu đến 19m… Mới đây nhất, chuyện Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội bị bắt liên quan đến việc mua hóa chất Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn HN mới biết Thành phố đã tiêu rất nhiều tiền vào hóa chất này nhưng kết quả rất khiêm tốn, chưa kể đến hóa chất giết chết môi sinh trong nước, cá ăn vào, rồi người ăn cá, có thể bị ung thư. Có nhiều cuộc họp, hội thảo, có kiến nghị giải pháp tổng thể của các nhà khoa học với các cơ quan chức năng và các lãnh đạo thành phố, nhưng cuối cùng giải pháp “nhập khẩu hóa chất từ Đức” vẫn được lựa chọn.
Kinh nghiệm của thế giới
Thường ở các nước phát triển khi xây dựng thành phố, người ta đã quy hoạch đường dây điện, ga, nước uống, nước mưa, nước thải… vào các mương, cống dẫn riêng. Các kỹ sư xây dựng thường dùng phần mềm Mô hình số (DTM - Digital Terrain Model) 3D để thiết kế các đường cống dẫn nước thải theo độ dốc nhất định để nước chảy về trung tâm xử lý. Tuy vậy, ở những nước đồng bằng hay có vùng dưới mặt nước biển như Hà Lan người ta chỉ để ống dẫn nước thải thấp hơn nền nhà khoảng 01 mét, chứ không đào sâu để tạo độ nghiêng và dùng máy bơm hút về các nhà máy xử lý nước thải, rác được lọc ra qua các lưới chặn, bùn cát được lắng trong các hồ, nước thải được xử lý bằng nhiều phương pháp: lý học, hóa học, sinh học… trước khi thải nước ra môi trường.
Hai đường ống riêng biệt - Nguồn: Internet
|
Từ hình trên, có thể thấy hai đường dẫn nước riêng biệt: màu đỏ là ống dẫn nước thải, còn màu xanh đậm là đường ống dẫn nước mưa. Ở Hà Lan, để tránh gây ô nhiễm môi trường, việc rửa xe ở nhà bị cấm vì nước chảy ngấm vào đất hay đường ống dẫn nước mưa.
Trước đây, châu Âu thường dùng hệ thống cống hỗn hợp vận chuyển nước thải cùng với nước mưa trong cùng một đường ống đến nhà máy xử lý nước thải. Khi trời mưa nhiều, nước thải do đó bị loãng đi đáng kể. Nếu cống bị đầy trong một trận mưa lớn, nước trong cống hỗn hợp có thể tràn ra, nước thải cũng theo vào các sông hồ. Điều này có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường, và ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm. Ở Hà Lan, 2/3 tổng số hệ thống thoát nước thải là hỗn hợp. Các thành phố cũng đang chuyển đổi dần một phần hoặc hoàn toàn cống hỗn hợp thành cống riêng.
Hệ thống cống hỗn hợp - Nguồn: Internet
|
Có nhiều nơi đã có phần mềm với các thuật toán AI – Trí tuệ nhân tạo, dự đoán mức độ dòng chảy trong thời tiết khô hạn và tải trọng đầu vào cũng như sản xuất bùn. Những dự đoán này có thể hoàn toàn tự động hóa và kiểm soát dòng chảy qua mạng, tối đa hóa việc sử dụng mạng lưới cống và tối ưu hóa đường dẫn bùn, để giảm sự cố ô nhiễm và biến chất thải thành năng lượng tái tạo.
Trung tâm xử lý nước thải thành phố Utrecht - Nguồn: Aquasuite
|
Giải pháp nào cho Hà Nội?
Như đã phân tích ở trên, giải pháp dùng hóa chất khử mùi không giải quyết tận gốc vấn đề nước thải, ảnh hưởng đến môi trường và tốn kém. Dự án gom nước thải xung quanh sông Tô Lịch hay thí nghiệm vi sinh của các chuyên gia Nhật chỉ giải quyết một phần nước thải xung quanh sông Tô Lịch, nhưng những chỗ khác vẫn ô nhiễm. Và nếu gom nước thải cùng với nước mưa chung trong cống hỗn hợp thì cũng gây ô nhiễm khi mưa nhiều. Cho nên, việc áp dụng phương pháp mà thế giới đã làm rồi là cần thiết: đó là thiết kế và xây dựng hệ thống cống gom tất cả nước thải riêng về nhà máy để xử lý, trước khi trả về sông hồ. Việc đầu tư mạng cống dẫn nước thải, nước mưa riêng biệt và nhà máy xử lý nước thải sẽ tốn nhiều tiền, nhưng như tất cả các nước trên thế giới đã làm - người dân phải trả phí xử lý nước thải, tính theo lượng nước sạch dùng theo chỉ số đồng hồ nước. Tất nhiên, Quốc hội cần có luật phạt những người dân ném rác ra môi trường như Vũng Tàu đã làm được rất nghiêm ở Bãi Sau và phạt tù thật nặng các công ty cố tình đổ nước thải ra môi trường cùng với cơ quan chức năng kiểm tra tại khu vực đó.
Tuy vậy, nước thải công nghiệp có thể phải xử lý riêng tùy theo là loại gì, trước khi đẩy vào hệ thống cống thoát nước mưa chung. Bộ Tài nguyên và Môi trường nên có danh sách công khai những công ty có chất thải công nghiệp nguy hại đến môi trường để người dân giúp giám sát và kiểm tra.
Tôi tin nếu lãnh đạo thành phố Hà Nội có quyết tâm chính trị cao và vào cuộc quyết liệt thì sẽ làm được, là tấm gương cho các tỉnh thành khác noi theo, người Hà Nội sẽ cảm ơn các nhà lãnh đạo, thực sự vì chất lượng cuộc sống của người dân, trả lại màu xanh cho sông Tô Lịch huyền thoại một thời và câu “thành ngữ hiện đại”: “bẩn như nước sông Tô Lịch”, không còn đúng nữa.