Dù ở tuổi U90 nhưng ký ức về năm tháng làm việc tại Đài Moskva, vinh dự được dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và gặp gỡ các anh hùng Liên Xô của phát thanh viên - biên dịch viên Nguyễn Thị Quyết Tâm vẫn không hề phai nhạt. Sputnik có cơ hội phỏng vấn PTV, biên dịch viên Nguyễn Thị Quyết Tâm về những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời và sự nghiệp của người phụ nữ này.
Sputnik: Xin bà cho biết cơ duyên nào đã khiến bà "bén duyên" với tiếng Nga và Đài Moskva?
PTV, Biên dịch viên Nguyễn Thị Quyết Tâm: Đối với tôi, những gì liên quan đến nước Nga đều đến với tôi giống như là một định mệnh. Tôi là con gái của nhà lão thành Cách mạng Nguyễn Kim Cương. Những năm 1930-1936, ba tôi cùng bác Phạm Văn Đồng bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Côn Đảo. Tại đây, hai người cùng được đọc và nghiên cứu những tài iệu báo chí về nước Nga và Cách mạng Tháng 10 ở Nga.
Khi được ân xá năm 1936 nhờ ảnh hưởng của Phong trào Cách mạng Bình dân ở Pháp, bác Phạm Văn Đồng và ba tôi đều về hoạt động bán công khai ở Hà Nội tại nhà ông ngoại tôi ở số 37 phố Cầu Gỗ. Sau này, ngôi nhà được ghi biển vàng “Cơ sơ của Phong trào Cách mạng ở Hà Nội từ trước năm 1930”.
Ba tôi lấy mẹ tôi là bà Phạm Thị Hồng. Bác Phạm Văn Đồng lấy em gái mẹ tôi là bà Phạm Thị Cúc. Hai ông vừa là đồng chí, vừa là đồng hao. Khi sinh ra tôi (4/11/1938), bác Đồng đã lấy tên Nina, tên của một nữ chiến sĩ bắn súng máy người Nga rất quả cảm trong bài phóng sự “10 ngày rung chuyển thế giới” của nhà báo Mỹ John Reed, đặt cho tôi.
Từ đấy tôi mang tên Nina, một cái tên rất lạ đối với người Việt Nam lúc bấy giờ. Sau này đi học, sợ các bạn thắc mắc nên tôi bèn tự đổi lại là Quyết Tâm.
Nhưng tôi mãi mãi nhớ Nina, cô gái Nga bắn súng áy dũng cảm trong “10 ngày rung chuyển thế giới” nói về Cách mạng tháng 10 của John Reed.
Lớn lên, sau năm 1954 khi cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam vừa kết thúc thắng lợi sau chiến thắng Điện Biên Phủ, lớp trẻ chúng tôi được chọn đi học tiếng Nga để về làm việc với các chuyên gia Liên Xô lúc ấy sang Việt Nam rất nhiều để giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước trong rất nhiều lĩnh vực như khai thác hầm mỏ, các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, kinh tế, giáo dục, nghệ thuật văn hóa v.v.
Lớp Nga văn của chúng tôi có tấ cả 50 người được tỏa đi khắp các lĩnh vực ấy. Riêng tôi vì có phát âm tiếng Nga tốt nên được đưa về Đài TNVN.
Sputnik: Bà có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ của mình khi công tác tại Đài Moskva, đặc biệt cơ hội được gặp gỡ và làm việc với nữ du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Valentina Vladimirovna Tereshkova và Gherman Titov, anh hùng du hành vũ trụ Liên Xô?
PTV, Biên dịch viên Nguyễn Thị Quyết Tâm: Từ năm 1960, tôi được anh Leonid Krichevsky và chị Nona Nguyễn Tài Cẩn giúp tôi hoàn thiện những bài dịch tiếng Việt sang tiếng Nga để đem về ghi âm, rồi gửi sang Đài Liên Xô (lúc ấy chưa có sóng phát thanh trực tiếp).
Một thời gian sau từ năm 1963, tôi được cử sang làm việc tại Đài phát thanh Moskva, lại được công tác cùng các anh Ognetov, anh N. Soltsev, anh Vanyushkin, chị Aleshina, anh Syunnerberg, bà Alla Philipovna, anh Platon Alexandrovich - một cựu chiến binh từ Việt Nam về - mà chúng tôi vẫn thường gọi là anh Thành.
Tôi học được ở họ những đức tính tốt đẹp của nền giáo dục Xô Viết như tình hữu nghị quốc tế cao cả, tấm lòng chân thành với bạn bè, tính nhân hậu, nhân văn đẹp đẽ của con người.
Biên dịch viên Nguyễn Thị Quyết Tâm |
Năm 1979 sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác ở Đài phát thanh Moskva, tôi trở về Đài TNVN, lại được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mời sang đi dịch cho Đoàn phi công du hành vũ trụ Liên Xô gồm có chị Valetina Tereshkova và anh Valeri Bykovsky là những anh hùng vũ trụ thế hệ đầu tiên của Liên Xô và cũng được tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động của Việt Nam khi sang thăm Việt Nam.
Đoàn cũng vào Lăng viếng Bác Hồ, thăm nơi ở và làm việc của Bác. Tại TPHCM, đoàn được tiếp tại Dinh Độc Lập và được cả hai vị Bí thư và Chủ tịch thành phố Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải tiếp đón rất trang trọng và chân tình.
Đối với chúng tôi, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Nga và Việt Nam hồi ấy là một mối tình quốc tế vô cùng trong sáng và đẹp đẽ do Bác Hồ tạo lập và dày công vun xới. Thế hệ chúng tôi và các thế hệ người Việt Nam sau này sẽ đời đời vun xới và xây đắp cho mối tình ấy ngày càng tươi đẹp và nở hoa kết trái.
Sputnik: Được biết, bà có cơ hội phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đoàn đại biểu Liên Xô thăm Việt Nam. Ấn tượng của bà về Bác như thế nào?
PTV, Biên dịch viên Nguyễn Thị Quyết Tâm: Trong cuộc đời làm việc với tiếng Nga, tôi may mắn được theo Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp xúc với nhà du hành vũ trụ - người được tặng Danh hiệu Anh Hùng lao động của Việt Nam German Titov sang Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán tháng 1/1961 và đi tham quan Vịnh Hạ Long.
Ở đấy đoàn tàu dừng lại bên một vịnh có bãi cát vàng dưới chân một ngọn núi đá, mà đồng chí Titov đã tỏ lòng vô cùng thích thú với thiên nhiên trong làng và biển xanh tươi đẹp của Việt Nam. Hành động đó làm Bác Hồ cảm động, lấy tên của German Titov đặt tên cho ngọn núi và vịnh đảo đó.
Đối với dân tộc Việt Nam , Bác Hồ luôn là một người Cha già, một vị lãnh tụ anh minh, sáng suốt, nhìn xa trông rộng. Khi tiếp xúc với Bác, tôi thấy bác rất gần gũi, quan tâm đến việc nhỏ của mọi người. Tôi thấy rằng, với một vị lãnh tụ như vậy thì dứt khoát dân tộc Việt Nam có thể vượt qua tất cả mọi khó khăn, thử thách.
Sputnik: Từng gắn bó nửa cuộc đời với phát thanh và tiếng Nga, bà có thể chia sẻ mong muốn của mình đối với quan hệ đặc biệt Việt Nam - Liên bang Nga trong tương lai?
PTV, Biên dịch viên Nguyễn Thị Quyết Tâm: Với hàng chục năm dài làm việc của mình trong lĩnh vực tiếng Nga ở hai Đài phát thanh Moskva và Đài TNVN, tôi thầm hiểu một cách sâu sắc rằng, mối tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô cũng như Liên Xô - Việt Nam trước đây và Việt - Nga, Ng-Việt là một mối quan hệ quốc tế tốt đẹp và sẽ mãi mãi bền vững vì nó đã vượt qua mọi sóng gió thử thách và nhiều thác ghềnh.
Vì thế tôi tin rằng, nhân dân Việt Nam và thế hệ trẻ Việt Nam sẽ giữ gìn mói tình hữu nghị đó với một tấm lòng chân thành nhất, trân trọng nhất.
Chúng tôi rất cảm động và sung sướng vì ngay thủ đô Moskva có Quảng trường Hồ Chí Minh và cả một quần thể tượng đài Bác Hồ.
Chúng tôi luôn nhớ về sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô trước đây, cũng như của nhân dân Nga sau này đối với nhân và và đất nước Việt Nam chúng tôi.
Đó là một tình cảm vĩ đại không thể nào quên.
Sputnik: Xin cảm ơn bà vì buổi phỏng vấn thú vị!
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (sinh năm 1938). Trong thời gian công tác ở Đài TNVN, bà đã từng đảm nhiệm chức vụ: Trưởng phòng quan hệ quốc tế (1983), Trưởng phòng các chương trình dạy tiếng nước ngoài (1992). Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đóng góp vào thành công cho chương trình phát thanh tiếng Nga, Đài TNVN từ những buổi đầu. Bà là nữ biên dịch viên đầu tiên được Đài TNVN cử sang công tác tại Đài Moskva.