Đại học Harvard luôn được xem là “giấc mơ” của mọi sinh viên. Ngôi trường có lịch sử 375 năm tuổi này hiện có hơn 20.000 sinh viên theo học. Cùng nghe những sinh viên Việt Nam tại trường chia sẻ về cuộc sống, chuyện học và chuyện tình yêu ở Harvard.
Sống tự do
ĐH Harvard nằm ở phía Đông Bắc nước Mỹ, nơi khí hậu được xem là khá khắc nghiệt, đặc biệt là vào mùa đông. Hiện tại, nhiệt độ ở thành phố Cambridge đã xuống dưới -15 độ C. Các sông hồ đều bị đóng băng, tuyết phủ dầy đặc và gió thổi rất to. Vào dịp này, sinh viên ở Harvard thường lui tới Spangler Hall, ngồi trò chuyện quây quần, đọc sách hoặc thậm chí là nằm dài trên những chiếc ghế sofa màu sôcôla bên cạnh lò sưởi ấm áp.
Các sinh viên năm đầu thường được nhà trường sắp xếp ở trong ký túc xá, mỗi phòng ba người. Dù đến từ nhiều quốc gia khác nhau nhưng đa phần họ đều thoải mái và thân thiện. Thi thoảng, mọi người cũng tổ chức những bữa tiệc nhỏ.
Tuy nhiên, cách hành xử của sinh viên Harvard không “hoang dã” và “điên cuồng” như trong một số bộ phim được trình chiếu ở Việt Nam. Điều đặc biệt là sinh viên Harvard hoàn toàn không bị “giới nghiêm” về giờ giấc, có thể ca hát, chơi bài bạc, hút thuốc… nhưng tuyệt đối không được uống rượu trước 21 tuổi.
Sinh viên Harvard hoàn toàn không bị “giới nghiêm”
Sinh viên di chuyển trong trường chủ yếu bằng xe đạp hoặc đi bộ. Ở Harvard không có dịch vụ trông giữ xe giống như ở Việt Nam. Chỉ có những tấm biển chỉ dẫn khu vực được phép để xe, mọi người xếp vào hàng, có khóa lại nhưng nhìn chung tất cả đều rất ý thức.
Harvard thực sự là một nơi rất đẹp, thơ mộng và cổ kính. Quảng trường Harvard khá “lộn xộn” nhưng đáng yêu. Nó cũng là nơi sinh viên trong trường hay lai vãng tới nhất. Một vài người trong số chúng tôi thích ngồi chơi cờ với anh bạn người Ukraine lầm lì bên cạnh Memorical Church (mặc dù mỗi lần chơi như vậy phải trả cho anh ta hai đô la “thù lao”).
Số khác hứng thú với việc chụp ảnh cùng bức tượng ông John Harvard (người sáng lập ra ĐH Harvard). Riêng tôi thì thích uống cà phê, đọc sách tại một quán nhỏ gần Dinning Hall, nơi mà cố Tổng thống Mỹ John F.Kennedy thường ngồi trước đây.
Harvard không phải là một viện đại học đơn thuần, nó giống một khu vực trung tâm của thành phố hơn. Cuộc sống ở đây đầy đủ và dễ chịu. Một môi trường học thuật tuyệt vời dành cho sinh viên.
Học những điều mình thích
Việc học tập ở Harvard chỉ vất vả ở mức… bình thường. Mỗi kỳ chúng tôi chỉ phải học 4 môn. Cả khóa học cử nhân tại Harvard có tổng cộng 32 môn, trong đó có 8 môn cơ sở chung cho tất cả các ngành (general education), khoảng 10 môn chuyên ngành, còn lại khoảng 14 môn, sinh viên có thể theo học bất cứ thứ gì họ cảm thấy hứng thú.
Đó là lý do tại sao, tới năm thứ ba, sinh viên vẫn có thể đổi ngành học. Không chỉ sinh viên Việt Nam mà sinh viên đến từ các quốc gia-nơi tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính yếu đều gặp khó khăn với các môn đòi hỏi phải viết lách nhiều. Aesthetic (mỹ học) và Culture&belief (văn hóa và tín ngưỡng) là hai trong số những môn “khoai” nhất.
Tại Harvard, sinh viên phải đi học ít và nghỉ rất nhiều
Hệ thống giáo dục Mỹ quan niệm, trường đại học là nơi sinh viên tự do học tập. Bạn có thể học bất cứ điều gì bản thân cảm thấy hứng thú, còn nếu muốn nâng cao chuyên môn thì phải học cao học. Họ luôn chú trọng đào tạo sự toàn diện cho sinh viên. Đó là lý do tại sao sinh viên Mỹ có thể làm được rất nhiều công việc khác nhau sau khi ra trường.
Tại Harvard, nói chung là sinh viên phải đi học ít và nghỉ rất nhiều: nghỉ Hè ba tháng, nghỉ Đông một tháng, nghỉ Xuân một tuần và nghỉ ngày Lễ Tạ ơn một tuần. Trong quãng thời gian này, sinh viên có thể đi nghỉ hoặc tham gia các hoạt động xã hội.
Cũng phải nói thêm rằng, sinh viên Harvard cực kỳ năng động, đa phần đều là thành viên của 3-4 tổ chức hoạt động tình nguyện. Chính vì vậy mà trông mọi người lúc nào cũng có vẻ bận rộn.
Bản thân tôi cũng đang là “phóng viên” của hai tờ báo: Harvard Crimson và The Voice. Chúng tôi không được trả nhuận bút, đây chỉ là cơ hội để mỗi sinh viên tự trau dồi kiến thức và kinh nghiệm làm việc. Tháng 4/2012 tới đây, chúng tôi cũng sẽ tổ chức một Fashion Festival tại sân trường Harvard.
Du học sinh Việt Nam tại Harvard Nguyễn Bích Ngọc chia sẻ: "Với tôi, con người là điều hay ho nhất ở Harvard"
Nguyễn Bích Ngọc (1990, Harvard’13). chia sẻ: "Điều tôi cảm thấy tuyệt vời nhất là giảng viên trường Harvard thực sự rất giỏi và tuyệt vời. Thật hãnh diện và tự hào khi được học tại ngôi trường có tới 47 người đạt giải Nobel".
Cô bạn này còn cho rằng: "Ở đây, có rất nhiều cơ hội cho sinh viên, nơi mà người ta có thể đạt được cái gọi là “giấc mơ Mỹ” (từ không có gì thành có tất cả). Trường thực sự giống như một bước đệm để sinh viên đạt được những điều mình muốn. Với tôi, con người là điều hay ho nhất ở Harvard".
Và không yêu ở Harvard
Ở Harvard, rất ít khi người ta trông thấy những đôi lứa tay trong tay. Không phải bởi vì ở Harvard người ta cấm chuyện yêu đương. Sinh viên Harvard cho rằng: thời gian dành cho người yêu rất tốn (?!).
Họ thường nghĩ là có đáng không khi dành tới hai tiếng đồng hồ để hẹn hò với một người thay vì đi dự một sự kiện, nơi người ta có thể gặp gỡ, học hỏi kiến thức của 15-20 người giỏi, nổi tiếng hơn? Đa số nghĩ là… không đáng!
Có lẽ bởi vậy mà ở Harvard, sinh viên “kháo” nhau rằng, chỉ có 2 “loại” sinh viên: đã yêu nhau từ lâu (cứ như thể họ chỉ đợi ra trường là kết hôn) hoặc không yêu đương gì cho tới khi tốt nghiệp.
Theo Nguyễn Lâm Tùng,VTC