(VOV5) - Với đồng bào xa xứ, ngoài những lễ tết cổ truyền thì chắc không ai lại không nhớ tết Trung thu. Các ngày lễ xa xứ hình như luôn được tổ chức chậm hơn so với trên đất Mẹ. Kiều bào tại Paris cũng vậy, ngày 20 tháng mười, thì bà con mới tổ chức tết Trung thu cho các em, có lẽ vì muốn đợi các em có thời giờ tập dượt văn nghệ, mỗi tuần một lần, sau ngày nhập học đầu tháng chín.
Số nhà 19 phố Albert trên quận 13 Paris đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của bà con kiều bào Pháp và nhất là Paris và vùng phụ cận. Trời thu mưa lất phất nhưng cũng không ngăn được quan khách, các bậc cha mẹ cùng các cháu vui vẻ nô nức đổ về đây để mừng ngày lễ vui nhất trong năm của các cháu.
Cảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là những đầu kỳ lân, đèn lồng hình con thú đủ loại, kích cỡ khác nhau và những tà áo nho nhỏ xinh xinh được các cháu mặc để chuẩn bị cho buổi biểu diễn. Những câu hát, điệu múa thật vui nhộn dưới tiếng đàn oóc của cô giáo Diệu Thúy. Tôi gặp một cháu bé gái bụ bẫm chừng bốn tuổi, tay níu chặt áo mẹ, chăm chú nhìn và lắng nghe. Khi màn diễn kết thúc, tôi tiến lại gần, hỏi cháu bé có thích không, cháu nói « thích ạ ». Mẹ cháu, một cán bộ sang Pháp làm nghiên cứu sinh cho biết, chị rất thích cho con đến dự các buổi lễ truyền thống Việt Nam : « Tôi muốn cho cháu biết thêm về tết Trung Thu, và đây cũng là cơ hội để cháu giao lưu và tìm hiểu thêm về những gì mà chính bản thân tôi, đôi khi cũng không thể giải thích hết cho cháu hiểu được… »
|
Bác Đoàn Hữu Trung, một kiều bào đã sống ở Pháp gần sáu chục nămcho biết, trước đây đã từng có gần ba chục năm gắn bó với các em thiếu nhi trong các hoạt động chuẩn bị cho chương trình chuẩn bị tết Trung thu, nhưng dẫu vậy, mỗi khi đến dịp này, bác lại thấy hồi hộp. Mỗi năm đến là có những gương mặt mới, các trò chơi mới. « Tôi rất xúc động, và mong các thế hệ cha mẹ kiều bào sau chúng tôi cố gắng duy trì ngày lễ này cho các cháu… »
|
Thành công của ngày lễ Trung thu có sự góp công của các thầy cô giáo Hội Tre xanh nhằm tao một không gian được trang trí đậm bản sắc Việt với mái nhà tranh, cầu ao giếng nước và những chiếc đèn lồng tím đỏ xanh vàng. Chị chị Clarisse, giám đốc nghệ thuật của Tre Xanh cho biết : «Các đèn ông sao là do tôi làm khung, còn phần cắt dán là do các em tự dán và trang trí. Tôi rất vui vì tất cả các em đều tham gia và rất say mê... » Thực hiện công việc này, chị Clarisse cho biết chị không chỉ nhấn mạnh cho các em về sự phát triển trí tuệ, đầu óc tưởng tượng mà còn dạy cho các em tính thủ công, sự kiên nhẫn. Dạy cho các em biết tự tay mình sáng tạo ra những đồ vật thật đẹp từ những thứ vật chất tầm thường, đôi khi tái sử dụng từ những thứ bỏ đi như giấy các tông, các hộp nhỏ… Dạy cho chúng biết tôn trọng sức lao động của mình, những thứ mà chẳng có đồng tiền nào có thể mua được. Dạy cho các em tính tôn trọng sức lao động, cùng lúc qua những con vật và đồ nghề truyền thống của Việt nam, các em hiểu thêm về cội nguồn của chúng. « Sự trả công mà tôi nhận được - chị tâm sự - đó là những ánh mắt thơ ngây trong trẻo, nụ cười sảng khoái, những lời khen ngợi của lũ trẻ dành cho nhau khi sản phẩm của mỗi đứa được hình thành. » Chị Diệu Thúy cô giáo dạy hát thì cho biết : «Năm nay, như chị thấy đấy, lượng các cháu tham gia đã rất đông, gấp ba lần năm trước, và đủ các độ tuổi khác nhau, nên phải chọn bài phù hợp hơn... » « Mệt nhưng vui chị ạ », chị cười tâm sự.
|
Nhìn sự tất tưởi của các bậc cha mẹ « đạo diễn » cho các cháu từng chương trình và sự hồ hởi của quan khách, những tiếng trống, điệu múa lân khiến tôi, cũng như các bậc phụ huynh, như được sống lại thời thơ trẻ của mình xa xưa tại quê nhà, và khiến như đất Mẹ thật như gần gũi đâu đây./.