Tết về nơi nguồn cội

(VOV5) - Sinh ra ở phố cổ Hàng Bạc Hà Nội, Lấy chồng người Nam Bộ nhưng chị Lê Thu Hương và cả gia đình lại sinh sống và lập nghiệp tại thành phố Dusseldorf  thuộc vùng Tây Nam - Cộng hòa Liên Bang Đức. Cũng như những người Việt tha hương, khi mới sang Đức, cuộc sống của gia đình chị Hương cũng khá vất vả, không dễ dàng chút nào, cũng phải lo cơm áo, gạo tiền, rồi học tiếng, lo công việc để định cư. Thời gian thấm thoát thoi đưa, chị  Lê Thu Hương kể: 25 năm rồi thì cuộc sống cũng ổn định. Gia đình tôi mở nhà hành kinh doanh đồ ăn nhanh. Cuộc sống ở Tây Đức khá hòa đồng, không có sự cạnh tranh buôn bán như ở Đông Đức. Ở tỉnh tôi ở chúng tôi có nhiều tổ chức như Hội đồng công giáo, Hội Phật tử, chung quanh tỉnh tôi có 3 ngôi Chùa. Dù xa quê hương nhưng tâm linh, tín ngưỡng của người Việt vẫn được giữ gìn. Ví dụ như Phật giáo thì rằm và mùng 1 vẫn đi lễ Chùa còn Công giáo thì thứ 7 và Chủ nhật vẫn đi nhà thờ. Tôn giáo của ai người nấy giữ, nhưng cũng có những người vẫn đi nhà thờ và cả đi chùa vì họ chỉ muốn đến để cầu bình an.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:





Tính là đã 25 năm sống xa quê, nhưng kể cả những năm đầu khi mới sang Đức lập nghiệp, kinh tế còn khó khăn thì gia đình chị cũng cố gắng thu xếp thời gian vào kỳ nghỉ hè, hay nghỉ đông, các con được nghỉ học để có thể về thăm quê hương cho vợi bớt nỗi nhớ. Chị tâm sự: Thường một năm về một lần. Ngày xưa tôi sống ở thời bao cấp nó khác, nhưng giờ mỗi lần về là một đổi khác. Phố cổ vấn thế, nhưng những con đường như đường Láng thì có nhiều đổi khác hơn xưa. Đấy là sự đổi mới của Hà Nội, người dân mừng lắm. Sài Gòn thì không bắt kịp, mỗi năm một đổi khác, Đà Nẵng cũng vậy. Tôi cũng đi Vịnh Hạ Long, đảo Cất Bà, nơi nào cũng rất đẹp.


Tết về nơi nguồn cội - ảnh 1


So với các nước lân cận như Ukraina, Ba Lan thì con em cộng đồng người Việt ở Đức, nhất là thế hệ thứ 3 học khá giỏi. Hầu hết các em, các cháu đều thi và đạt giả cao trong các kỳ thi. Theo chị Lê Thu Hương thì dường như các cháu dù được sinh ra tại Đức hay sang Đức khi còn nhỏ thì các cháu cũng ý thức được việc phát triển con đường học vấn là vô cùng quan trọng để phát triển sự nghiệp, chứ không thể như bố mẹ ngày trước, vì mưu sinh mà quay ngang sang kinh doanh, buôn bán. Vì thế, dù công việc kinh doanh bận đến mấy thì hầu hết các gia đình người Việt cũng cố gắng giữ gìn những nét truyền thống của người Việt.Chị cho rằng: Tôi có hậu thuẫn rất lớn vì có bố, mẹ, anh, em nhà chồng bên cạnh nên các cháu sử dụng tiếng Việt ở nhà, nói và viết được tiếng Việt chỉ có điều viết yếu hơn một chút, còn các anh chị em khác thì ít có điều kiện hơn vì cũng phải bươn chải kinh doanh nhưng họ cũng vẫn cố gắng để con em nói được tiếng Việt vì không muốn các cháu quên di nguồn cội. Có cái khó vì các cháu sống ở xã hội Tây nên chỉ hiểu được một chút nét truyền thống văn hóa của người Việt, nên tôi thường nói Người Hà Nội có món ăn nào? Con gái Hà Nội phải nói chuyện thanh lịch ra sao? Những thú của Hà Nội như đi xích lô, đi bờ hồ, các quạt mo, coi múa rối các cháu rất thích.


Mặc dù về thăm gia đình, quê hương không đúng vào dịp Tết cổ truyền nhưng với gia đình chị Lê Thu Hương thì đó là một kỳ nghỉ tuyệt vời, vì chỉ có những lúc như thế cả gia đình lớn, gia đình nhỏ mới được đoàn tụ. Ngồi giữa quê hương trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón cái Tết cổ truyền dân tộc, chị Hương không khỏi trạnh lòng nhớ những cái Tết xa quê, mặc dù cộng đồng cũng tổ chức Tết đầy đủ,ấm cúng và đậm hương vị Việt.Chị cho biết: Là người công giáo nên ngày lễ Trọng được cộng đoàn công giáo Việt Nam ở Dusseldorf có nhiều hoạt động cộng đồng, tổ chức Tết cho khoảng 1-2 ngàn người tham dự để cho các cháu nhớ đến quê hương, nhớ đến ngày Lễ, Tết. Tết ta là vui nhất. Các cháu có thể mặc áo dài, khăn đóng, múa Lân. Càng ở nước ngoài lâu càng nhớ nhà, càng thấm sâu, nhất là những dịp Tết. Nhiều khi khóc khi coi chiếu những bộ phim về Việt Nam hay Tết Việt Nam, mọi người gói bánh chưng, nhớ nhà, nhớ Bố Mẹ kinh khủng, chỉ muốn bay về Việt Nam. Nếu có điều ước tôi chỉ mong gia đình mạnh khỏe, các cháu học hành tốt. Tôi mong đất nước phát triển hơn, con người sống được thoải mái hơn.


Ước mong mỗi người có được cuộc sống tốt đẹp, đất nước phồn thịnh không chỉ là mơ ước của riêng chị Lê Thu Hương mà là nguyện ước của tất cả hơn 90 triệu công dân ở trong nước và hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Với sự chung sức, đồng lòng của những con người Việt Nam. Hy vọng xuân mới 2014 sẽ mang theo niềm vui và hạnh phúc đến với tất cả mọi người, và cho toàn dân tộc./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác