Tết Việt nơi phương xa

(VOV5) - Tết Việt Nam ở mỗi nơi thực hiện mỗi khác nhưng tựu chung lại tất cả vẫn mong có một cái tết đủ đầy, mang đậm bản sắc Việt để người Việt ở nơi xa vơi đi nỗi nhớ quê nhà và cảm nhận như quê hương đang kề bên.


Tết Việt nơi phương xa - ảnh 1
Các sinh viên đại học, cao học, nghiên cứu sinh từ hai trường EPFL và UNIL, gia đình của các anh chị cựu sinh viên hiện đang sống và làm việc tại Thụy Sỹ, và một số bà con Việt kiều mừng xuân Giáp Ngọ.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Đối với những người Việt xa xứ, cứ khi tết đến, nỗi nhớ quê lại khắc khoải khôn nguôi. Nhớ không khí sắm tết rộn ràng, tấp nập. Nhớ làn khói từ chiếc bánh chưng vừa nhấc ra khỏi nồi bốc lên nghi ngút. Nhớ mùi thơm thoang thoảng của hương bồ kết và lá mùi già tắm gội ngày tất niên. Nhớ đêm giao thừa, cả gia đình ngồi quây quần bên nhau đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Khi không có điều kiện để trở về quê trong dịp Tết đoàn tụ cùng gia đình, ở nước ngoài, bà con ta vẫn hướng lòng về đất mẹ theo nhiều cách khác nhau. TS sinh vật học Trần Thúy Mùi nói mặc dù sống nhiều năm ở Slovakia, gia đình bà vẫn giữ truyền thống của Việt Nam: “Tết hoặc ngày giỗ ông bà hay thế hệ sinh thành đã qua đời từ lâu chúng tôi đều nhớ và cúng giỗ. Gia đình chúng tôi ở bên kia có vợ chồng tôi và vợ chồng con trai, không nhiều người nhưng chúng tôi vẫn giữ truyền thống buổi chiều 30 bữa cơm tất niên, đoàn tụ, đi đâu bận gì vẫn phải về ăn bữa cơm tất niên rồi hưởng lộc. Ngày mùng 1, mùng 2 tết không làm gì, chỉ sum họp gia đình, thăm những người thân trong nước qua điện thoại hoặc thư điện tử tham gia sinh hoạt cộng đồng, tổ chức tết hoặc tổ chức những buổi gặp gỡ tất niên, thấy vui lắm”.

Mặc dù ở nơi xa xứ nhưng ngày tết đối với người Việt cũng không bó hẹp trong phạm vi gia đình mà bà con vẫn cố gắng sắp xếp thời gian tụ họp hàn huyên với nhau thông qua chương trình gặp gỡ của Đại sứ quán hoặc theo từng thành phố, khu vực. Các chị em mặc áo dài truyền thống. Các cháu nhỏ thì tung tăng áo mới. Bà Jean Huỳnh tâm sự về việc chuẩn bị tết dân tộc ở Pháp như thế này: “Ở bên kia cứ Tết đến, chúng tôi cũng chuẩn bị tết, cũng có bàn thờ tết. Con cháu cúi lạy ông bà, chị em sum họp với nhau. Hội người Việt Nam ở Pháp bao giờ cũng tổ chức tế, để bà con ở xa lên Paris gặp nhau. Đôi khi có nhiều người chỉ có thời gian gặp nhau vào dịp Tết thôi”.

Bà Việt Anh đã có 4 nhiệm kỳ trong ban chấp hành Hội người Việt ở Angola kể cứ đến những ngày giáp tết, các chị em trong hội lại tỉ mẩn cắt, dán trang trí cành đào, cành mai rực rỡ cho giống với không khí tết ở quê nhà. Các chị em còn tổ chức nấu các món ăn mang đậm bản sắc Việt: “Bao giờ ban chấp hành chúng tôi cũng tổ chức gặp mặt vào 30 Tết hoặc 1 Tết. Chúng tôi có các món ăn, ẩm thực Việt Nam như bánh chưng, giò chả, nem rán. Trong 4 nhiệm kỳ, tôi luôn phụ trách về đời sống nên tôi luôn muốn đem hết tất cả món ăn Việt Nam để bù đắp cho các cháu những ngày xa nhà thiếu thốn. Cho nên trong những ngày đấy không bao giờ thiếu bánh chưng, giò chả, nem rán”.

Trong lúc chung vui với gia đình và bạn bè ở Angola vào những ngày đầu năm mới, đôi lúc, bà Việt Anh bùi ngùi chạnh nghĩ tới lớp trẻ đang sống xa quê cũng như các em nhỏ vùng cao ở Việt Nam: “Khi nghĩ về đất nước, nghĩ đến bà con đất nước mình dân chúng mình ra làm sao, tôi cũng nghĩ và so sánh đến các cháu còn đang khó khăn. Tôi muốn chia sẻ làm sao các cháu ở bên này thiệt thòi xa nhà xa cửa, sau trở về sẽ được bù đắp lại, sẽ được hưởng thực sự những cái đáng lẽ các cháu phải được hưởng từ bây giờ. Và tôi nghĩ đến những cháu còn khó khăn ở vùng sâu vùng xa, làm sao các cháu có thể sang được nước ngoài để kiếm được tiền về giúp đỡ gia đình”.

Sống ở nơi xa, đôi khi nỗi nhớ quê hương, thương những con người còn đang lam lũ được bày tỏ theo cách một giản dị, mộc mạc và  chân thành như thế. Nhân ngày tết cổ truyền của dân tộc, thông qua làn sóng của Đài TNVN, bà Trần Thúy Mùi nghẹn ngào gửi lời chúc mừng năm mới tới bà con ở quê hương: “Nhân dịp năm mới sắp đến năm 2014 chúng tôi rất xúc động muốn gửi tình cảm thiêng liêng của những người con xa quê hương gửi về đất mẹ những lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc cho toàn thể mọi người trong nước đặc biệt là chị em phụ nữ trong nước khắc phục mọi khó khăn để xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc và phấn đấu để làm thế nào xứng đáng với truyền thống rất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam”.

Những người con Việt có đi lâu đến đâu, có đi xa đến mấy thì đúng vào dịp Tết, ngày lễ thiêng liêng nhất trong năm của mọi người dân Việt, vẫn có những khắc trùng lòng lại nhớ về cố hương và ước không gian được gần lại để họ được hưởng trọn vẹn hương vị tết ngay trên chính quê hương mình. Tết Việt ở xứ người xa mà thật gần trong cách cảm, cách nghĩ của người xa xứ./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác