Tết Việt ở gia đình chị Liên Hương

(VOV5)- Khi đến Đài Loan, một trong những cái tên được cộng đồng người Việt ở đây nhắc tới nhiều là chị Liên Hương, giảng viên tiếng Việt trường Đại học Quốc gia Đài Loan, vì những đóng góp của chị trong hoạt động chung của cộng đồng, cũng như mái ấm Việt – Đài mà anh chị xây dựng nên. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Tết Việt ở gia đình chị Liên Hương - ảnh 1

Hai bé gái sinh đôi Ngô Đình Nghi và Ngô Trinh Nghi đang véo von biểu diễn cho khách từ Việt Nam sang, tiết mục các cháu đã biểu diễn trong đêm nhạc Việt dành cho cộng đồng. 

Dù không khí những ngày cuối năm ngoài trời se lạnh, trong căn nhà của chị Nguyễn Liên Hương - ở một khu chung cư của Đài Bắc xây bằng gạch đỏ, có kiểu dáng cổ điển như căn hộ của những nước Châu Âu những năm 40 - không khí thật ấm áp. Vì có khách từ Việt Nam sang, hôm nay gia đình chị Liên Hương đón Tết sớm cùng khách. 

Chị Liên Hương nói: "Về Tết của Đài Loan thì, tuy là lấy chồng nước ngoài nhưng có lẽ mình có may mắn hơn các bạn ở phương tây, Châu Âu...vì giống Việt Nam,Trung Quốc đại lục…Đài Loan cũng ăn Tết Nguyên đán. Tất cả lễ tết Đài Loan chung với Việt Nam, họ ăn Tết nên mình có cảm giác được ăn Tết, không có sự cách biệt lớn giữa hai bên, mà khi họ nghỉ Tết bên mình cũng được nghỉ Tết. Trong một năm nhớ đến Việt Nam nhiều nhất là mỗi cái Tết nguyên đán. Chỉ cần nhắc đến Tết thôi mọi người bắt đầu rưng rưng. Hoặc chỉ nhìn thấy một cái gì đó gợi nhớ Tết, như một cành đào, hay cành mai tự dưng lâng lâng không làm được việc gì cả và cứ nghĩ giá như mình được về nhà. Không phải là một cái gì cụ thể, mà chỉ một hình ảnh nào đó của Tết cũng làm cho những người xa nhà rất nhớ Tết."

Tết Việt ở gia đình chị Liên Hương - ảnh 2
Chị Liên Hương bên bức tranh phong cảnh làng quê của một họa sĩ Việt Nam mà anh chị đều rất yêu thích

Chị Liên Hương từng làm ở Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, sau đó đi du học ở Bắc Kinh, rồi Đài Loan. Chị gặp anh Ngô Chí Vỹ khi trở lại làm việc ở Việt Nam, là người Đài Loan đang theo học ngành Văn hóa Việt Nam tại ĐH KHXH và Nhân văn.

Anh học văn hóa Việt Nam, chị lại học văn hóa Đài Loan, Trung Quốc, sự hòa hợp hai nền văn hóa trong gia đình tự nhiên rất nhuần nhuyễn. Khi về Đài Loan, hai người cố gắng dùng tiếng Việt để anh không quên. 

Tết Việt ở gia đình chị Liên Hương - ảnh 3
Một số sách dạy tiếng Việt của Đài Loan mà chị Hương có tham gia biên soạn

Hiện chị giảng dạy tiếng Việt trong đại học, cho cộng đồng. Anh cùng tham gia những hoạt động của chị: biên soạn sách tiếng Việt, dịch truyện song ngữ Việt – Đài…Trước khi đi ngủ chị thường kể chuyện cho con. Chị tham gia xuất bản tập truyện cổ tích Việt Nam song ngữ Việt - Đài, anh Vỹ đã dịch sang tiếng Hoa để cháu lớn đi kể chuyện ở trường và đọat giải. 

Gia đình nhỏ hạnh phúc của họ có 3 đứa trẻ: cậu con trai lớn Ngô Thừa Hạo, và hai cô gái nhỏ sinh đôi mới lên 4 tuổi: ": Mình nghĩ muốn cho con hiểu thêm Tết Việt, cụ thể mình phải chuẩn bị một cái gì đó để các cháu nhìn vào là biết Tết của mẹ như thế nào: đó là đào (ở đây rất khó kiếm), quất...Mình thường cố gắng đi mua hoa đào, hoặc quất, và chuẩn bị các đồ ăn cũng rất gợi nhớ đến Tết (như mua bánh chưng, hay cùng các cháu gói bánh chưng). Cộng đồng người Việt ở đây người Miền Nam nhiều nên họ bán bánh tét rất nhiều. Âm nhạc Việt Nam cũng gợi nhớ Tết rất nhiều. Một bài hát làm mình gợi nhớ Tết nhiều là bài Gửi người em gái miền Nam"

Tết Việt ở gia đình chị Liên Hương - ảnh 4
Ngô Thừa Hạo vừa đi học về, được mẹ mặc áo truyền thống để đón Tết sớm cùng gia đình

Ngày Tết, những người xa quê không còn quá cách biệt như ngày xưa, công nghệ internet đã kéo họ gần hơn với gia đình. Hầu như ngày nào cũng liên lạc, nhưng giáp Tết, chị vẫn thường nói chuyện với mẹ: "chỉ nghe qua cách mẹ nói chuyện mình cảm giác cũng được tham gia vào không khí đó, rồi hình dung ra được đi chợ mua măng miến, đi mua hành với mẹ".

Chị Liên Hương bảo, những người xa quê, cứ nhắc đến hai chữ “sắm Tết”, là rất muốn được hòa mình vào không khí đó. Người Đài Loan không ăn bánh chưng. Chị từng kể sự tích bánh chưng bánh dày cho con, hàng năm chuẩn bị bánh chưng, bánh tét để các cháu thấy đó là Tết:

Từ năm 1994 anh Ngô Chí Vỹ đã ở Hà Nội, học tiếng Việt. Anh được chị và gia đình vợ hướng dẫn nhiều về văn hóa Việt – bố mẹ vợ anh là hai nhà nghiên cứu sử học của Việt Nam. 

Anh Vỹ nói, anh rất cảm ơn Việt Nam, vì Việt Nam không chỉ đã giúp anh làm luận án thạc sĩ, mà đã cho anh một người vợ, một gia đình hạnh phúc: Hồi Vỹ học ở  ở Việt Nam, thì không khí ăn Tết rất là sôi nổi, còn mấy năm trở lại đây thì không khí ăn Tết trầm đi, nhẹ đi rồi. Nhưng ở Việt Nam, Vỹ còn nhớ năm đầu tiên Vỹ ăn Tết ở Hà Nội, dạo qua phố phường, ấn tượng nhất là hoa đào. Hai bên vỉa hè đường Láng Hạ nhiều quất, đào, có cảm giác rất thiên nhiên, tự nhiên, vừa có không khí Tết. Bố mẹ Hương giới thiệu mua quất lá, quả...phải như thế nào. Vỹ thích nhất bánh chưng Có hai cách ăn: Ăn trực tiếp hoặc rán qua chấm nước mắm.  Trong Tết Việt cũng có nhiều cái hay như  đi hái lộc.

Vỹ không quan niệm chị là người nước ngoài, vì anh chị có quan niệm sống giống nhau, chị cư xử với bố mẹ anh rất tốt và hiếu thảo. Anh chị thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, cho các cháu tham gia các chương trình giao lưu của người Việt để các cháu có ý thức về tiếng Việt. Hai cô con gái nhỏ vừa tham gia chương trình giao lưu của ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Cao Thái Sơn với cộng đồng người Việt ở Đài Loan.

Tết Việt ở gia đình chị Liên Hương - ảnh 5
Hạo biểu diễn khoe một giai điệu mà cậu mới được học

Cậu con trai rất tự hào về mẹ, vì mẹ được mời tới nói chuyện ở trường. Trường ĐH Thế Tân tổ chức thi phóng sự cho lớp “phóng viên nhỏ” là con những người di dân. Ngô Thừa Hạo tham gia làm clip về bà ngoại và đoạt giải. Khi clip được chiếu trong trường, các thầy cô giáo, truyền thông Đài Loan xem đều xúc động.

Ngày Tết sớm trong gia đình chị Liên Hương, cũng là ngày sinh nhật của cậu trai nhỏ Ngô Thừa Hạo. Vì thế, cùng cha mẹ, tự cắt bánh chưng, Hạo hớn hở bảo với những người khách tới chơi nhà: Hạo thích Tết!/.

Phản hồi

Các tin/bài khác