(VOV5) - Với mỗi người con xa xứ, Tết thực sự là thời điểm vô cùng ý nghĩa. Người việt ở khắp nơi tụ họp, chờ đợi phút giao thừa và hướng lòng về quê hương
Mỗi dịp Tết đến xuân về, được trở về quê hương dịp Tết hay ăn Tết ở nơi xa, người Việt ở khắp nơi vẫn cùng tụ họp nhau, trò chuyện, chờ đợi phút thiêng liêng và cùng hướng lòng về quê nhà. Với mỗi người con xa xứ, Tết thực sự là thời điểm vô cùng ý nghĩa. Mời quý vị nghe những cảm nhận của những người con xa quê qua để thấy Tết Việt luôn trong lòng người Việt:
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thế là một mùa xuân mới đã về. Mùi hương của mùa xuân vương đây đó khắp nơi, cây cối đâm chồi nảy lộc và lòng người dường như cũng vui cùng khoảnh khắc của những ngày cận kệ bước sang năm mới. Trong cái lạnh và mưa phùn lây phây của Hà Nội, những người con xa quê lại trở về, về với quê hương, với gia đình và về với Tết cổ truyền dân tộc. Nhìn những người con xa quê nô nức dự chương trình Xuân quê hương mới thấy hết, Tết Việt có ý nghĩa như thế nào trong lòng của họ.
Thủ tướng gặp mặt kiều bào về dự Xuân quê hương. Ảnh: VGP |
Niềm vui, sự phấn chấn, hạnh phúc được trở về ánh trên từng khuôn mặt, ánh mắt của những người con xa xứ bởi Tết là thời khắc thực sự thiêng liêng, là truyền thống từ bao đời của người Việt. Anh Phùng Bình Phong, từ Caliphoocnia, Mỹ trở về chia sẻ:Thật ra về quê mình có đặc trưng hơn, bên kia cũng tổ chức Tết nhưng mà không thể như bên mình được. Cảm nhận quê hương của mình là bản sắc dân tộc. Cũng có món ăn của Việt Nam. Người Việt ngồi cùng nhau tất cả ngồi đón giao thừa, đón Tết thôi
Dù cho cộng đồng người Việt ở khắp nơi cũng cố gắng tổ chức Tết, để mỗi người con xa xứ có được những phút giây, những hồi ức về với Tết ở quê nhà, nhưng nhiều nét đặc trưng thì chỉ ở Việt Nam mới có. Có lẽ vậy mà cứ dịp này, bà con từ khắp nơi lại tụ hội về với quê , nhất là với những người con sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Văn Dương Đức Sơn, việt kiều tại Thụy Điển là người hiểu rõ về điều này: “Cảm giác cảm nhận vui vì được về VN vào dịp Tết. Tết là ngày lễ quan trọng và gia đình. Cộng đồng ở bên kia cũng tổ chức Tết. Năm mới, Noel ở Thụy Điển may ra mới bằng Tết ở Việt Nam”.
Bà Trần Ngọc Tuyết, kiều bào tại Mỹ |
Khó có thể diễn ra hết Tết mang ý nghĩa thiêng liêng như thế nào trong đời sống của người Việt. Chỉ biết rằng, được đón Tết trên mảnh đất quê hương là ước mơ, mong muốn của rất nhiều người. Bà Trần Ngọc Tuyết, mấy chục năm sống ở Mỹ nhưng cứ đến Tết thì bà lại trở về Việt Nam. Bà cho biết:Mình ra đây cũng hào hứng đón Tết. Bà con ở khắp nơi trên thế giới đều tập trung về vui xuân. Với người con xa xứ, đấy là thời khắc nghĩ nhiều nhất. Đi làm suốt và đến lúc ngày tết nghĩ đến ngày hội ngộ gia đình thì thúc đẩy mình trở về.
Những nghi lễ truyền thống trong dịp Tết đều được bà con cố gắng gìn giữ ở nơi xa. Cho dù không đầy đủ, không giống hệt như ở Việt Nam, nhưng bà con vẫn cảm nhận được phần nào không khí Tết của quê hương qua sự cố gắng tổ chức để có được những ngày Tết cổ truyền vui vẻ. Ông Trần Quang Hiển, việt kiều tại Thái Lan chia sẻ:“Đôi gia đình cũng trở về làng ăn Tết, chúc cha mẹ, tổ tiên, lỳ xì cũng có, giống như là làm bánh chưng, có đi các nơi mua về cho con cháu. Bên đó có bánh chưng, bánh tày, bánh chưng là nhất. Vui mừng, cảm xúc rất hào hứng đến ngày Tết đấy đến với mình”.
Và những phong tục như lì xì, chúc sức khỏe, cũng được người Việt ở khắp nơi gìn giữ bởi những điều này đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con Việt đúng như chị Trần Xuân Hảo, người Việt tại LB Nga bộc bạch: “Người Việt Nam mà. Cái đấy ăn sâu vào tiềm thức rồi. Em bé chúc bố mẹ, bố mẹ chúc các bác. Cũng có bánh chưng, giò, đủ tất nhưng không có hoa đào chứ hoa bên ý đẹp lắm. Ở đó cũng có niệm phật đường để cho bà con cộng đồng có một nơi để về bên tín ngưỡng”.
Hai vợ chồng Kim Juna, kiều bào tại Hàn Quốc |
Tết thì phải vui, nhưng người Việt đón Tết ở nơi xa lại tâm trạng buồn vì nhớ nhà, nhớ quê hương. Vì thế, Tết là thời điểm để người Việt tụ lại cùng nhau tâm sự, chia sẻ, nhớ về những cái Tết ở quê nhà để xoa đi nỗi nhớ. Kim Juna, kiều bào tại Hàn Quốc tâm sự: Bà con đón Tết cũng giống như VN, bà con tụ lại và đại sứ quán tổ chức Tết. Cúng có bánh chưng, các món ăn Tết ba miền. Anh chị em ở nhiều vùng nên món ăn đa dạng. Cảm xúc buồn, xa quê hương.
Cảm xúc đan xen khác nhau, vui có, buồn có. Về với quê hương dịp Têt là hạnh phúc và còn nhiều những người con xa chưa có dịp trở về chỉ đón Tết trong hoài niệm, trong nỗi nhớ nhung và cùng hướng lòng về Tổ quốc. Thời khắc sắp bước sang năm mới, phút giao thừa đã cân kệ, trong lòng những người con Việt luôn thầm cùng chúc nhau một mùa xuân mới hạnh phúc:
Trước thềm năm mới, chúc bà con có một mùa xuân ấm cúng, đời sống lên cao, bà con ăn Tết vui vẻ hơn
Năm mới, sang năm 2020, mong muốn tất cả bà con cộng đồng, trong nước và nước ngoài đón năm mới an lạc, cát tường an khang thịnh vượng
Năm mới, chúc tất cả người Việt, giống nòi Việt Nam trên toàn thế giới sức khỏe, phối hợp chặt chẽ từ trong nước cho đến các nước, các phương.
Cảm xúc của chúng tôi cũng thật đặc biệt khi chia tay, ông Trần Quang Hiển đã nhắc tới câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi gặp mặt đoàn kiều bào tiêu biểu mà ông cho rằng, tất cả kiều bào đã ghi lòng về điều này: đó là mỗi người đều có Tổ quốc, đều có giống nòi. Câu nói như nhắc nhớ mỗi người con đất việt dù ở đâu, vẫn luôn chung cội nguồn, cùng mang trong mình nét văn hóa từ ngàn đời nay đó là Tết Việt.