Tết xa quê

Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất từ cực bắc Đồng Văn (Hà Giang) đến cực nam Rạch Tàu (Cà Mau) và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc. Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ. Từ những thế kỷ trước, đời Lý - Trần – Lê, ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách trang trọng. Phong tục đó truyền mãi đến cho đến ngày nay…

Tết xa quê đầu tiên…

Một trong những cái buồn trong đời là không được ăn Tết tại quê nhà. Lần đầu tiên trong đời tôi phải ăn Tết xa quê hương, đó là năm 1976. Tại Mỹ, Tết năm đó nhằm vào ngày thường, không phải ngày thứ Bảy hay Chủ nhật, hoặc ngày nghỉ lễ nên phải đi làm việc, vì ba ngày Xuân của ta không có gì là quan trọng đối với người Mỹ. Vả lại mỗi dân tộc có một cái Tết riêng rẽ, nên Tết âm lịch xem ra tẻ nhạt tại đây vì sống trong một xã hội không có chung một truyền thống văn hoá.

Tôi đi làm ca hai nên tan sở vào lúc 11 giờ đêm, thường thì lái xe từ sở về nhà chỉ mất có nửa giờ, nhưng hôm đó phải mất tròm trèm một giờ dồng hồ vì đường trơn trợt và có tuyết. Về đến nhà, tôi thấy nhà tôi đang khệ nệ bưng những món ăn đặt lên bàn. Có ít nhất là 4 món được bày ra, có cả ngũ quả và hoa đã cắm sẵn ở bình. Ngoài ra, còn một chậu cúc vàng được bày ở phòng khách. Tôi phải vội vã đi tắm, thay quần áo xong, tôi ra bàn thờ thắp hương lạy tạ tổ tiên, ông bà tuy biết rằng bấy giờ đã quá Giao-Thừa. Cũng may, nhà tôi làm ca nhất về nhà vào lúc 4 giờ chiều nên có thời giờ lo công việc. Kiểm lại vẫn còn thiếu nhiều thứ, như có thịt mỡ, có dưa hành nhưng thiếu “bánh chưng xanh”. Chỉ có bánh chưng… trắng vì người ta không trộn phẩm mầu trong gạo nếp. Họ không kiếm đâu ra lá chuối hay lá dong để gói bánh mà dùng giấy bạc để thay lá. Không có mứt và bánh trái. Nói chung là Tết này không có đi hái lộc, không có tiếng pháo nổ đì đùng, không có ai xông đất, không có mừng tuổi, không có vụ khai bút… Nghĩ đến đây, tôi bỗng nhớ trong kho tàng văn học Việt Nam còn truyền tụng nhiều bài thơ khai bút rất nổi tiếng, như bài thơ sau đây của ông Nguyễn Khuyến, tức Tam Nguyên Yên Đổ, mà đến nay vẫn còn hợp thời:

Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ
Nay đã năm mươi, có lẻ ba
Sách vở ích gì cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già!
Xuân về, ngày loạn càng lơ láo
Người gặp, khi cùng cũng ngẩn ngơ
Lẩn thẩn lấy chi đèn tắt bóng
Sao còn đàn hát vẫn say sưa?


Nỗi buồn phải ăn Tết xa quê còn lắng đọng trong tôi với những cảm xúc trong đêm trừ tịch viễn xứ. Nhìn ra cửa sổ bầu trời tối đen, thật yên tĩnh. Tôi ngồi đó với nỗi buồn da diết, kéo theo tuyết rơi của mùa đông rét mướt khiến mọi thứ càng trở nên hiu quạnh và cô đơn hơn. Tôi nhớ lại những cái Tết khi còn ở quê hương đã đi qua và đọng lại... Ước gì một ngày nào đó ta được trở về quê hương ăn Tết. Điều mong ước của tôi có trở thành hiện thực được không?

Mười mấy năm trôi qua vật đổi sao dời! Tin tức nóng bỏng ngày hôm đó cho biết: “Hoa Kỳ đã bỏ lệnh cấm vận Việt Nam”. Tin còn cho hay “có nhiều hy vọng Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ trao đổi quan hệ ngoại giao”, nghĩa là hai bên sẽ đặt Toà Đại sứ một ngày rất gần đây”. Quả nhiên là ước mơ đã trở thành hiện thực! Và rồi từ đây những chợ Á Châu ở những vùng có đông người Việt ở Tết đến không thiếu một thứ gì. Hễ món gì ở bên Việt Nam có thì tại đây cũng có. Tết Nguyên Đán ở Mỹ bây giờ chả thiếu thứ gì ngay cả thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, câu đối đỏ…  Nhưng nói vậy mà không phải vậy, vẫn thiếu hai thứ quan trọng đó là tràng pháo và cây nêu, và quan trọng hơn nữa – đó là Không Khí Tết Quê Nhà…

Xuân đoàn tụ trên quê hương – Niềm vui nào bằng

Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, mơ ước trở về quê hương đón Tết của chúng tôi đã thành hiện thực. Thật không có hạnh phúc nào bằng… Mọi việc càng trở nên thuận lợi khi có đường bay thẳng từ San Francisco, Los Angeles về Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Và cứ mỗi dịp Xuân về, Tết đến là có hàng ngàn Việt kiều ở khắp thế giới rộn rịp về quê hương ăn Tết. Dĩ nhiên, trong đó có gia đình tôi. Hàng năm Nhà nước đều kêu gọi thanh niên, sinh viên tình nguyện ra phi trường đón tiếp và giúp đỡ Việt kiều về quê ăn Tết vì trong số đó có những người già, bệnh tật, trẻ em với nhiều hành lý…

Một cái Tết đáng ghi nhớ.

Nếu đất nước không thống nhất thì làm sao bao nhiêu gia đình bị chia ly vì chiến tranh có cơ hội được đoàn tụ bên nhau? Trong số người đó phải nói có tôi. Đó là nhờ công lao chiến đấu của Đảng CSVN dưới sự lãnh đạo anh minh của Bác Hồ yêu qúi. Đất nước ta mới có vinh quang này.


Tôi không còn nhớ Tết âm lịch mà chỉ còn nhớ năm đó là năm 1996. Một năm sau, khi bắt đầu Việt Kiều ở nước ngoài được về thăm quê hương. Vì chưa có những chuyến bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ và ngược lại. Lúc đó, phần nhiều người nào muốn về Việt Nam thì phải ngủ lại Bangkok một đêm để sáng hôm sau tiếp tục bay về Việt Nam. Trước khi về Việt Nam, tôi đã liên lạc với người em họ ở Thái rồi ở đây gọi về Việt Nam cho gia đình tôi biết là tôi sẽ về nước ngày xxx. Tôi nhớ lại, tôi đã xa gia đình từ năm 1953 đến nay là 1996; tính nhẩm tôi đã xa gia đình khoảng 43 năm … thời gian lâu cả nữa đời người !

Lúc máy bay vần vũ để từ từ hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất tôi cảm thấy lòng nao nao, nước mắt muốn trào ra trong nỗi sung sướng khi được quay về thấy lại quê cha đất tổ, được đoàn tụ gia đình sau bao năm xa cách. Lúc máy bay đỗ cũng là lúc nhiều hành khách mừng rỡ, có người hét to: “Việt Nam đây rồi” !  Có một bà ngồi bên cạnh nói với tôi: “Tôi đâu có ngờ có ngày hôm nay, được thấy lại quê hương lần nữa?”. Tôi đọc thấy trên mắt bà nỗi hân hoan vui sướng. Nhìn  kỹ, không phải chỉ có một mình bà mà hầu hết những người Việt Nam trở về thăm quê hương lần này đều có những bộ mặt rạng rỡ. Sợ ngưởi nhà không nhận ra mình vì thuở ấy tôi đang còn quá trẻ, nên tôi đã viết sẵn tên tôi vào một tờ giấy bià cứng. Quả nhiên nhờ vào đó mà các em gái tôi mới nhận ra tôi với tiếng gọi đồng loạt: “Anh Văn”!. Các em tôi đã khóc trong nỗi niềm vui sướng lkhi đứng bên tôi. Lan, cô em út của tôi nói:  “Xe nhỏ chở được ít người nên chỉ có các em ra đón anh”. Rồi Lan giới thiệu người đàn ông trung niên đi cùng: “Đây là anh Nhã, chồng em”. Tôi đưa tay ra bắt tay người em rể lần gặp đầu tiên. Nhã lái xe về nhà. Tôi vừa bước xuống xe đã có hàng chục đứa nhỏ v\ừa trai, vừa gái chạy lại bên tôi. Hình như mẹ chúng đã dạy nên chúng gọi tôi: “Cậu Văn ngọt xớt”. Tôi theo chúng vào nhà. Thấy ba mẹ tôi, tôi chạy đến ôm cả hai người. Mẹ tôi khóc sướt mướt vì sung sướng, mừng mừng, tủ tủi nghẹn ngào không nói ra lời. Ba tôi nói: “Được xum họp đầy đủ như hôm nay là phúc lớn của ông bà để lại. Thôi tất cả cùng ngồi vào ăn cơm mừng cho  thằng Văn gặp lại gia đình. Biết rằng có bao nhiêu chuyện phải nói. Nhưng ngày còn dài để tâm tình sau”. Cô Nga, em kế tôi, dẫn chồng lại bên tôi giới thiệu: “Đây là anh Hoà, chồng em”. Tôi nói: “Nhiều chuyện lắm, để nói sau”. Thật là không có gì hạnh phúc bằng buổi trùng phùng hôm nay. Chúng tôi cảm thấy mình hưởng niềm vui sướng trong cuộc đời còn lại.

Đã thành thông lệ, năm nào Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, cũng phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị chương trình Tết “Xuân Quê hương” dành cho kiều bào ở khắp nơi trên thế giới trở về quê ăn Tết. Bên cạnh đó, nhiều địa phương như TPHCM, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Bình… cũng tổ chức những buổi họp mặt với kiều bào về quê đón Xuân.

Với những ngày Xuân thanh bình trên quê hương Việt Nam yêu dấu bây giờ, năm Tân-Mão tôi lại có dịp về Việt Nam ăn Tết, tôi thấy Hà-Nội thay đổi nhiều từ đời sống vật chất của người dân cho đến mức hiện đại hoá đô thị nằm trong khẩu hiệu: “Dân giàu, nuớc mạnh …”. Tôi cảm thấy những cành đào tươi đẹp hơn trong những ngày xuân này và tôi mong mõi và cầu chúc những Xuân sau khắp đất nước ta người người được ấm no, nhà nhà được hạnh phúc … !

Tôi nghĩ không có gì sung sướng cho bằng được hưởng một cái Xuân đoàn tụ, đầm ấm trên quê hương mình!

                      Hoài Việt (Hoa Kỳ).

Phản hồi

Các tin/bài khác