(VOV5) - Đại sứ Phạm Sanh Châu bày tỏ sự vui mừng được sang nhận nhiệm vụ Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Bhutan. Đại sứ cam kết sẽ nỗ lực hết sức nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước ngày càng thực chất và hiệu quả.
Ngày 4/1, tại Cung điện Tashichho Dzong ở Thimpu, Thủ đô Vương quốc Bhutan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan Phạm Sanh Châu đã trình Quốc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lên Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck.
Đại sứ Phạm Sanh Châu và Phu nhân chụp ảnh cùng Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck sau Lễ trình Quốc thư. - Ảnh: Hoàng cung Bhutan cung cấp . |
Trong buổi hội kiến Quốc vương Bhutan sau khi trình Quốc thư, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck. Đại sứ bày tỏ sự vui mừng được sang nhận nhiệm vụ Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Bhutan. Đại sứ cam kết sẽ nỗ lực hết sức nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước ngày càng thực chất và hiệu quả.
Quốc vương Wangchuck đã hoan nghênh và chúc mừng Đại sứ Phạm Sanh Châu được cử làm Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bhutan, coi đây là một dấu mốc quan trọng kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2012.
Đại sứ Phạm Sanh Châu tới chào Thủ tướng Bhutan Lyonchhen Lotay Tshering. - Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ |
Cùng ngày, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã tới chào Thủ tướng Lyonchhen Lotay Tshering, Bộ trưởng Ngoại giao Tandi Dorji, Giám đốc Hội đồng du lịch Chimmey Pem, Tổng kiểm toán Tshering Kezang cùng lãnh đạo một số bộ ngành khác của Bhutan... Tại các cuộc gặp, các quan chức Bhutan đều bày tỏ vui mừng về những tiến triển trong quan hệ hai nước sau 7 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/2012-1/2019), đánh giá cao những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Phía Bhutan cho rằng với những tương đồng về văn hóa, tôn giáo cũng như tình hình phát triển kinh tế của mỗi nước, hai bên có thể học tập, chia sẻ kinh nghiệm phát triển và khai thác các lợi thế kinh tế của nhau. Phía Bhutan đề xuất gửi giáo viên tiếng Anh hỗ trợ các trường trung học của Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển du lịch bền vững và khai thác thuỷ điện.