Thúc đẩy quảng bá tiếng Việt trong tiến trình hội nhập thế giới

(VOV5) - Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong trường đại học" do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức diễn ra tại Hà Nội ngày 12 và 13 tháng 12 vừa qua đã thu hút khoảng 100 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và 9 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Hoa Kỳ, Austraylia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Lào, Singapore. Hội thảo đã đi sâu phân tích, thảo luận về chương trình, phương thức giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học; phương pháp giảng dạy tiếng Việt; những vấn đề về Việt ngữ học & Việt Nam học.


Thúc đẩy quảng bá tiếng Việt trong tiến trình hội nhập thế giới - ảnh 1
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh:ussh.vnu.edu.vn

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Trong một xã hội hiện đại, việc dạy và học tiếng Việt như một bản ngữ hoặc việc dạy và học tiếng Việt như một ngoại ngữ đều đòi hỏi nhiều tiêu chí, trong đó tính hệ thống, tính chuẩn mực và tính sinh động giao tiếp ngày càng được chú trọng.

Việc giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhu cầu cấp bách nhưng thực hiện công việc này lại là một chuyện không dễ dàng. Những người từng dạy tiếng Việt ở nước ngoài đều thừa nhận hiện nay, do nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau, một bộ phận lớn Việt kiều, đặc biệt là thế hệ thứ 2, thứ 3 đang dần trở nên xa lạ, thậm chí là không biết đến tiếng Việt và văn hóa của dân tộc. Giảng dạy tiếng Việt ở Thái Lan cho con em người Việt cũng như cho học sinh bản địa ở các trường phổ thông vẫn gặp nhiều khó khăn. Và những giáo viên luôn đau đáu với tiếng mẹ đẻ như ông Phan Quốc Lợi, trường THPT Pathumthep Withayakarn, đã luôn nỗ lực hết sức mình để truyền đạt ngôn ngữ Việt cho thế hệ trẻ kiều bào: “Đầu tiên người giáo viên phải có tâm huyết và năng nổ trong công tác giảng dạy. Người giáo viên phải có lượng từ rất lớn để truyền đạt cho học sinh. Và điều thứ ba là ở chính các em học sinh. Đất nước mình càng lớn mạnh bao nhiêu, kinh tế càng phát triển thì lúc đó các em học sinh ở nước bạn cũng như con em Việt kiều mới thấy tầm quan trọng của tiếng Việt và lúc đó các em sẽ theo học tiếng Việt nhiều hơn”.

Việc giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ thứ hai cho người nước ngoài cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, các giảng viên đã cố công tìm kiếm sách vở cũng như đổi mới về giáo trình và phương pháp giảng dạy. Do vậy, người học đã có xu hướng muốn tìm hiểu và khám phá những yếu tố mới trong ngôn ngữ và văn hóa của ngôn ngữ mà họ đang học. Vì vậy, các giáo viên dã thiết kế bài giảng để người học có thể vận dụng vốn từ của họ và từng tình huống cho phù hợp với bối cảnh văn hóa giao tiếp của Việt Nam. Để kiểm tra, đánh giá trình độ của người học tiếng Việt như một ngoại ngữ, GS, TS Ngô Như Bình, Đại học Harvard, Hoa Kỳ cho rằng có hai mức độ kiểm tra, đánh giá. Đó là kiểm tra, đánh giá kiến thức và kiểm tra, đánh giá trình độ kỹ năng của người học: “Vấn đề kiểm tra kiến thức là nhằm mục đích đánh giá trình bày xem học viên có nắm được kiến thức yêu cầu phải có sau khi kết thúc một bài, một phần của giáo trình hoặc một cuốn sách giáo khoa trong một khoảng thời gian học nhất định hoặc sau một năm học hay không. Phần kiểm tra, đánh giá kiến thức được tiến hành liên tục có thể tiến hành trong từng giờ học hoặc được kiểm tra sau khi kết thúc một bài. Phần kiểm tra kiến thức này rất cần”.  

Hiện nay, trong xu hướng giao lưu và hội nhập, Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều doanh nhân, khách du lịch. Do đó, tiếng Việt và ngành Việt Nam học đã trở thành một trong những ngành có sức thu hút nhiều sinh viên nước ngoài đến học tập và nghiên cứu. GS Khamsone Thongmixay, Chủ nhiệm Khoa tiếng Việt ở Đại học Quốc gia Lào chia sẻ: “Khoa tiếng Việt ở trường Đại học Quốc gia Lào được thành lập từ năm 2003. Tôi giảng dạy tiếng Việt từ đó đến giờ. Khoa tiếng Việt đào tạo cử nhân tiếng Việt và Việt Nam học cho sinh viên Lào. Tôi phụ trách khoa tiếng Việt nên cũng rất say mê với tiếng Việt. Trong bài tham luận, tôi giới thiệu về khoa tiếng Việt, chương trình giảng dạy và sách giáo khoa chúng tôi sử dụng”.

Tại buổi hội thảo, nhiều đại biểu cũng đề cập về thực trạng giảng dạy Việt Nam học ở Việt Nam, đưa ra những đề xuất để ngành Việt Nam học có thể thực hiện tốt nhiệm vụ và phát triển bền vững trong thời đại toàn cầu hóa. GS Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Hi vọng sau hội thảo nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong các trường đại học, hoạt động nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học ngày càng đạt hiệu quả hơn, xây dựng mối quan hệ hợp tác trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong thời gian tới, góp phần tăng cường hội nhập mạnh mẽ hơn nữa sự giao lưu và quan hệ hợp tác hội nhập của Việt Nam với các nước”.

Các tham luận đều cho rằng việc nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trên thế giới đang là một nhu cầu cần thiết, do đó, cần quan tâm và thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Việt và ngành Việt Nam học ở trong nước cũng như ở các trường đại học nước ngoài./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác