Khi quyết định đi du học cũng là lúc bạn phải bước chân vào cuộc sống tự lập. Hành trang mang theo không đơn giản là kiến thức mà vô vàn những cơ hội và khó khăn đón chờ ở một đất nước lạ lẫm. Như bao du học sinh khác, phải tự lập xoay sở để thích nghi, Trần Lê Hưng- cựu học sinh chuyên lý trường Hà Nội - Amsterdam bằng nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ đã vượt qua trở ngại và chạm tới thành công. Hiện anh có môt công việc ổn định tại một trường Đại học ở Paris, (Pháp) với nhiều cơ hội đón chờ phía trước.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Buổi bảo vệ luận án đặc biệt
"Chúng tôi đã thảo luận và cho thấy rằng luận văn được viết rất tốt, thuyết trình của bạn rõ ràng và dễ hiểu. Bạn đã trình bày vấn đề nghiên cứu qua các hướng như giải tích, mô phỏng số và thực nghiệm (trong phòng thí nghiệm và trên thực địa). Nghiên cứu của bạn cho phép đưa ra một phương pháp trực tiếp để kiểm soát trọng lượng đoàn tàu và đưa ra đánh giá về chất lượng nền móng đường đắt. Từ đó phát triển phần mềm cho phép ứng dụng trực tiếp trong cuộc sống và hội đồng quyết định công nhận bạn là Tiến sĩ của trường Đại học Paris-Est, chuyên ngành kết cấu và vật liệu. Chúc mừng em. "Đó là nhận xét của giá.o sư Jean Francois Semblant, một trong 3 thành viên của Hội đồng chấm chuyên đề tiến sĩ dành cho nghiên cứu sinh Trần Lê Hưng sau buổi bảo vệ luận án trực tuyến đặc biệt ngày 29/6 vừa qua.
Trần Lê Hưng vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Pháp với đề tài về kết cấu và vật liệu.
- Ảnh nhân vật cung cấp. |
Đầu tháng 3/2020, dịch Covid 19 bùng phát tại Pháp cũng là thời điểm Trần Lê Hưng chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris Est, một trong ngôi trường nổi tiếng của Pháp. “Phát triển tà vẹt tích hợp vào duy tu và bảo trì đường sắt" là đề tài mà anh theo đuổi nghiên cứu gần 4 năm qua. Với Hưng, buổi bảo vệ này là một kỷ nhiệm vô cùng đặc biệt khi diễn ra trực tuyến chỉ có anh thuyết trình cùng 3 thành viên hội đồng giáo sư hướng dẫn và phản biện, trước những ô hình ảnh nhỏ xíu trên máy tính, trong suốt 3 giờ đồng hồ: “Phải nói rằng, tôi khá lo lắng và hụt hẫng. Chỉ có tôi và chiếc máy tính. Bố mẹ cũng như nhiều người bạn ở Pháp không thể tham dự được. Nhưng bù lại thì việc phát trực tuyến buổi bảo vệ cũng giúp tôi xóa đi phần nào cảm giác đó, vì tôi biết mọi người luôn đồng hành cùng tôi, dù ở khoảng cách rất xa về mặt đia lý. Hơn nữa, về mặt tích cực thì việc bảo vệ trực tuyến giúp buổi bảo vệ của tôi tới được những người bạn ở khắp năm châu.”
Lê Hưng và các thầy giáo, bạn bè tại bữa tiệc nhỏ chúc mừng. Ảnh Nvcc |
Nhớ lại cảm giác sau khi vị giáo sư giám khảo công bố kết luận, Hưng chia sẻ: “Khi đó, tôi như người ở trên mây, muốn được ào về chia sẻ niềm vui với mọi người, nhưng buồn là ở đây có mỗi mình. Những người tôi nghĩ đến là bố mẹ, người thân rồi tự lòng cảm ơn các thầy cô hướng dẫn tôi suốt 3 năm qua, và tôi nhớ cả cả các thầy cô giáo ở Việt Nam, có cả những người không còn nữa. Hơi hụt hẫng chút bởi vì không biết tiếp tới sẽ làm gì?. Nhưng sau tất cả, tôi hiểu là mình cần xả hơi, để ngày mai bước tiếp trên tư thế của một người đi làm, tiếp tục lĩnh hội những kiến thức mới” .
Sau hơn chục năm nỗ lực ở Pháp, Lê Hưng có thể coi đó là thành công bước đầu và quan trọng nhất nó đã giúp anh định hướng được rõ ràng hơn trên con đường đã chọn của mình.
Sinh ra ở Hà Nội, ngay từ khi nhỏ, Lê Hưng đã xác định rất nghiêm túc việc học hành và với «nhiều hoài bão lớn». Giành được khá nhiều giải thưởng và thành tích đáng nể, Hưng cho rằng, là anh may mắn gặp được những thầy cô truyền cảm hứng và động lực trong học tập, mà nhớ nhất là cô giáo dạy vật lý trường cấp II, Trưng Vương. Rồi, hồi cấp 3 dù có chút tiếc nuối khi bỏ qua học bổng đi Singapore nhưng đổi lại cậu được học ở ngôi trường ao ước Hà Nội-Amsterdam.
Nói về cơ duyên đến và gắn bó với với nước Pháp, Hưng kể «Cuối năm lớp 12, tính cờ tôi biết được thông tin trường đại học INSA de Lyon ở Pháp về trường Ams tuyển sinh qua một chương trình kết nghĩa, thầy giáo chủ nhiệm động viên tôi làm hồ sơ đăng ký thử. Thực sự thì tôi không đặt nặng hy vọng về việc đi du học nên vẫn ôn thi đại học. Và nếu không có gì thay đổi thì tôi đã là sinh viên trường Bách khoa rồi, nhưng INSA chấp nhận hồ sơ của tôi mặc dù chưa từng học qua một buổi tiếng Pháp nào với những hỗ trợ tài chính về nhà ở và tiền học, thế là tôi xách va li lên và đi sang Pháp."
"Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường"
Thực vậy, quyết định đi du học là khi bạn phải bước vào vào một cuộc sống tự xoay sở mọi thứ. Những ngày đầu ở Pháp thực sự chông gai. Gạt đi hết những háo hức về khám phá miền đất mới, Lê Hưng quay cuồng trong việc học cách thích nghi, từ cái bé nhất như quản lý hồ sơ cá nhân, lo thủ tục ngân hàng, bảo hiểm... những công việc này đối với cậu bé vốn được bố mẹ bao bọc từ nhỏ là hoàn toàn xa lạ. Năm đầu tiên, Hưng may mắn được sắp xếp ở chung phòng với một cậu bạn người Pháp trong ký túc xá và được gặp một gia đình người Pháp. Họ là những đã giúp đỡ Hưng rất nhiều trong hòa nhập cuộc sống nước sở tại. Cộng đồng sinh viên người Việt tại Pháp cũng giúp vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà. Nhưng, quan trọng nhất là phải biết sử dụng thành thạo tiếng Pháp, nhiệm vụ này chắc phải 2 năm sau khi ở Pháp, Lê Hưng mới có thể tự tin trao đổi với người bản địa.
Năm học đầu tiên, những môn đại cương thực sự không làm khó Hưng, nhưng cậu lại không thể đạt điểm cao do rào cản ngôn ngữ. Sau năm đấy, Hưng tính chuyển lên trường Paris 11 học vật lý hạt nhân nhưng do không có quốc tịch nên không được nhận, vậy nên cậu chuyển sang học xây dựng dân dụng.
"Tôi chuyển lên Paris theo học cơ khí tại trường đại học Paris 6 và tốt nghiệp thạc sỹ ngành cơ học chất rắn tại ngôi trường này. Sau đó, tôi được nhận làm nghiên cứu sinh tại trường cầu đường Paris (Pháp) với đề tài về phát triển tà vẹt tích hợp để duy tu và bảo trì đường sắt. Đề tài này là một nghiên cứu công nghiệp, cho phép đưa ra sản phẩm có ứng dụng trực tiếp vào cuộc sống, tôi viết một phần mềm để tính toán tải trọng đoàn tàu. Việc tính toán này sẽ cho phép nhà quản lý theo dõi sự ổn định, cân bằng của từng đoàn tàu, từ đó có thể kiểm soát khối lượng đoàn tàu, nhất là khi chạy trên nền đất yếu. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình hạnh phúc vì vẫn giữ và được theo đuổi đam mê vật lý". Hưng kể,
Trường đại học Paris-Est (Pháp) nơi Hưng đang làm nghiên cứu. - Ảnh nhân vật cung cấp |
Với Lê Hưng, con đường công việc trước mặt khá rộng mở, có thể theo hướng nghiên cứu và phát triển trong công nghiệp (phòng R&D các công ty). Tuy vậy, Hưng vẫn muốn gắn bản thân mình với nghiên cứu và giảng dạy trong trường đại học: "Từ giờ đến cuối năm, tôi tiếp tục làm việc với trường đại học cầu đường Paris để phát triển đề tài tiến sỹ của mình. Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tiếp tục bàn luận để xin vốn để mở rộng và phát triển đề tài trong 2 năm tiếp theo. Do dịch bệnh từ đầu năm nên các công ty cũng gặp nhiều vấn đề về tài chính, do đó nếu mọi việc ổn thỏa thì tôi sẽ ở lại ngôi trường này tiếp tục công việc của mình. Trong trường hợp không khả quan thì tôi sẽ hướng ra làm nghiên cứu ở 1 số nước mạnh trên thế giới trong 1-2 năm. Về dự định lâu dài, tôi sẽ về Việt Nam để có thể truyền đạt kiến thức, đam mê và chia sẻ kinh nghiệm bản thân tới thế hệ trẻ tiếp theo." Hưng cho biết.
Lê Hưng và các bạn. - Ảnh nhân vật cung cấp. |
Được biết, Lê Hưng đang có một đề án hợp tác với Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với trường Đại học Giao thông vận tải về tích hợp ứng dụng đề tài nghiên cứu của mình vào sự phát triển ngành đường sắt Việt Nam....
Tiếng Pháp có câu "Vouloir, c’est pouvoir"( Muốn là được). Câu nói này tương tự như "Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường" Trần Lê Hưng lấy đó làm phương châm sống cho bản thân mình. Ý chí mạnh mẽ cùng động lực cá nhân đã tôi luyện chàng trai quê sinh năm 1991 này rất nhiều trong những năm qua, giúp Hưng vượt qua những khó khăn, tự tin, vững bước tới tương lai.