(VOV5) - Cho dù điều kiện để học tiếng Việt ở mỗi nơi khác nhau nhưng mỗi người Việt đều cố gắng duy trì tiếng nói theo những con đường khác nhau.
Mỗi người Việt ở nước ngoài đều nhận thức được ý nghĩa của việc gìn giữ tiếng nói, mong muốn trao truyền ngôn ngữ của dân tộc cho con em mình. Cho dù điều kiện để học tiếng Việt ở mỗi nơi khác nhau nhưng mỗi người Việt đều cố gắng duy trì tiếng nói theo những con đường khác nhau.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Giao lưu, nói chuyện bằng tiếng Việt là cách để các bạn trẻ kiều bào ở khắp nơi tên thế giới khi trở về tham dự trại hè có điều kiện trau dồi ngôn ngữ và nhờ đó, vốn tiếng Việt của mình tốt hơn. Đặc biệt, đối với các bạn trẻ sinh ra ở nước ngoài mà không có điều kiện để học và nói tiếng Việt thì những chuyến tham dự trại hè càng có ý nghĩa. Bạn Nguyễn Thị Hải Yến, ở Hungary, cho dù nói tiếng Việt không thạo nhưng cũng đủ để em chia sẻ cảm xúc của mình như sau:Đi về Việt Nam từ Hung ga ry thấy rất tốt, phải nói chuyện với các bạn bằng tiếng Việt và em thấy tiếng Việt của mình tốt lên. Nói chuyện với ba mẹ cũng bằng tiếng Việt. 5 năm về một lần và em thấy yêu Việt Nam rất nhiều
Thanh thiếu niên kiều bào về dự trại hè, được giao lưu tiếng Việt. Ảnh: enternews.vn |
Lựa chọn trở về tham dự trại hè để tìm hiểu thêm về quê hương và cũng để được nói tiếng Việt đã giúp Hải Yến và nhiều bạn thanh niên, sinh viên kiều bào khác có điều kiện được học và nói chuyện tốt hơn trong suốt hành trình tại quê nhà. Còn đối với các bạn trẻ kiều bào khác chưa có điều kiện để trở về cũng luôn khát khao được học tiếng Việt qua những kênh khác nhau, qua sách báo, qua giao tiếp với bố mẹ và qua sự hỗ trợ của các bạn du học sinh. Trần Lê Anh Thư, một du học sinh Việt tại Cuba đã giúp đỡ các bạn trẻ kiều bào mong muốn được học tiếng Việt chia sẻ như sau:Em có biết một bạn con của một chú Việt kiều ở cuba muốn học tiếng Việt. Có thể vì lý do gì đó mà bạn đó chưa được học tiếng Việt. Khi gặp bạn thì em nhiều trăn trở nên muốn chia sẻ với bạn về cách học. Bản thân em rất thích dạy tiếng Việt cho người khác. Muốn tìm hiểu về văn hóa dân tộc thì phải học tiếng Việt. Em có mang sách sắp tới đây em sẽ xem những bạn nào muốn học thì em sẽ cố gắng để mày mò và dạy cho các bạn
Bằng nhiều con đường khác nhau, mỗi người Việt sống ở nước ngoài đều mong muốn được gìn giữ tiếng nói của dân tộc. Chính bởi những trăn trở và lo ngại tiếng Việt sẽ dần mất đi qua nhiều thế hệ đã giúp cho rất nhiều ông bố, bà mẹ lựa chọn cho con mình con đường trở về để học tiếng Việt, hoặc cố gắng động viên con từ nhỏ có thói quen nói chuyện hàng ngày với ông bà và người thân ở Việt Nam. Những tâm sự của chị Phạm Thu Hà, một người Việt lấy chồng người Italia về những mong muốn để gìn giữ tiếng mẹ cho những đứa con giúp chúng ta thấy được hết tình cảm của những người Việt nơi xa xứ luôn canh cánh nỗi niềm với quê hương:Cho con cái mình dù nói tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý vẫn giao tiếp được với gia đình ở Việt Nam bằng cách tạo điều kiện cho các cháu thích trao đổi thông tin, nói chuyện với gia đình, họ hàng. Khó mà để bố mẹ hàng ngày dạy con tiếng Việt mà cố gắng tạo cho các con từ bé, mong các cháu thích nói tiếng Việt trao đổi với cộng đồng. Hỏi là có biết về Việt Nam không: biết. Có thích Việt Nam không: thích. Nhưng có nói được tiếng Việt không: đấy là một cái vướng mắc.
Lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em tại Đài Loan ( Trung Quốc). Ảnh: thanhnien.vn |
Chỉ có gìn giữ tiếng nói dân tộc, những người Việt nơi xa xứ mới có điều kiện tìm hiểu và giúp con em mình khám phá được nhiều điều thú vị về đất nước, về văn hóa dân tộc. Nói được tiếng Việt, các bạn trẻ kiều bào mới có thể tự hào để khẳng định mình là người Việt. Và con đường đến với ngôn ngữ dân tộc không gì khác là phải học hàng ngày. Đó cũng là mong mỏi và lựa chọn của những cô giáo dạy tiếng Việt như cô Phan Mỹ Hạnh, ở Đài Loan( Trung Quốc) cho biết:Hồi đó cũng có giáo viên hướng dẫn cho em dạy tiếng Việt. Mới đầu xem trình độ học sinh, lứa tuổi thế nào, yêu cầu từ nhà trường thì em hướng dẫn. Em cũng tự chọn và có giáo trình riêng để dạy.
Mong mỏi giữ được tiếng nói của dân tộc cho gia đình, cho các thế hệ sau là nguyện vọng chung của mỗi người con Việt nơi xa xứ. Cho dù sống và hòa nhập ở nước sở tại, nhưng những người Việt vẫn mong muốn duy trì những nét văn hóa của dân tộc, nhất là tiếng nói, coi đó là sợi dây kết nối cộng đồng và gắn kết tình cảm nguồn cội nơi xa xứ.
Tiếng nói, ngôn ngữ dân tộc được coi là sợi dây kết nối cộng đồng và gắn kết tình cảm cội nguồn nơi xa xứ. Chính vì vậy, mỗi người Việt ở nước ngoài đều mong muốn gìn giữ tiếng Việt bởi họ luôn tin tưởng duy trì tiếng nói sẽ giúp cộng đồng người Việt tồn tại và phát triển ở nước ngoài.