(VOV5) - Mong muốn của các bạn trẻ người Việt là tìm hiểu về văn hóa, lịch sử dân tộc, hiểu được về nguồn cội và không gì thiết thực hơn là học tiếng Việt.
Văn hóa Việt với tiếng mẹ luôn được người Việt nơi xa xứ cố gắng duy trì và phát triển. Tiếng Việt đang được tiếp tục truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với tâm niệm: tiếng Việt là sợi dây kết nối tâm hồn và văn hóa.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhiều bạn trẻ người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài trong những năm gần đây thường xuyên theo gia đình trở về Việt Nam, hoặc tham gia các chương trình trại hè dành cho thanh thiếu niên kiều bào hay các hoạt động tình nguyện ở Việt Nam và cũng có thể là tham gia học tiếng Việt tại quê nhà. Mong muốn của các bạn trẻ người Việt là tìm hiểu về văn hóa, lịch sử dân tộc, hiểu được về nguồn cội và không gì thiết thực hơn là học tiếng Việt.
Ảnh: nhandan.com.vn |
Theo cha mẹ về Việt Nam, các bạn cũng muốn trau dồi thêm tiếng mẹ thông qua giao lưu cùng với họ hàng, người thân. Nhu cầu được học tiếng Việt, duy trì ngôn ngữ của thanh thiếu niên kiều bào đang đòi hỏi nhiều hội, đoàn người Việt ở nước ngoài cố gắng triển khai nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực. Để giúp các em đến lớp học tiếng Việt hứng thú và không cảm thấy khó khăn, Hội Âu-Việt của chị Song Hương, người Việt tại Pháp đã kết hợp giữa học tiếng Việt với học âm nhạc, mang đến cho các em những cảm xúc trong tâm hồn về âm nhạc truyền thống và ngôn ngữ dân tộc:Các hoạt động chính của Hội là các lớp tiếng Việt. Bố mẹ nhu cầu cho con đến hội Âu Việt là học tiếng Việt và bên cạnh đó là có lớp học âm nhạc. Đa phần trẻ em đến đây đều học nhạc ở Pháp cùng với học nhạc Việt Nam. Hội Âu Việt kết hợp tiếng Việt với âm nhạc. Chính âm nhạc là động lực để giúp các cháu học được tiếng Việt vì các cháu đến sinh hoạt thường xuyên
Dạy con tiếng Việt không bao giờ là dễ dàng đối với những gia đình cả bố mẹ đều đi học và đi làm ở nước ngoài - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Mong muốn con em mình sử dụng thành thạo tiếng Việt ở nước ngoài không chỉ góp phần gắn kết văn hóa dân tộc mà còn qua đó, hướng lớp trẻ về với văn hóa, truyền thống dân tộc là nhu cầu của hầu hết các phu huynh. Thực tế là đa số kiều bào cho dù phải lo làm ăn ổn định cuộc sống nhưng họ vẫn rất quan tâm đến cội nguồn và nỗ lực giữ tiếng Việt. Tuy vậy, do điều kiện nên việc học tiếng Việt ở mỗi nơi là khác nhau.
Tại các cuộc tọa đàm về chủ đề dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã nhiều lần đề cập những khó khăn và yêu cầu hỗ trợ về chính sách và giải pháp để thúc đẩy việc giảng dạy và học tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt ở Lào, Campuchia và Thái Lan. Hoặc tại Mỹ, một nơi đông người Việt sinh sống có khoảng 200 cơ sở dạy tiếng Việt nhưng nhiều cơ sở chưa được đầu tư và số lượng học sinh không nhiều. Tuy vậy, ý thức về việc gìn giữ tiếng nói đã giúp mỗi gia đình người Việt qua vài thế hệ vẫn tiếp tục duy trì ngôn ngữ tại Mỹ. Ông Nguyễn Công Chánh, việt kiều tại Mỹ, người đã từng tham gia mở các cơ sở dạy tiếng Việt chia sẻ: “Tôi là một trong 3 người thành viên founder thành lập lớp dạy Tiếng Việt, năm 85 mở trường dạy tiếng Việt. Tôi có 3 cháu hoàn toàn nói tiếng Việt. Các cháu ra ngoài thì nói tiếng Mỹ nhưng về nhà nói tiếng Việt. Nếp sống của gia đình tôi cũng hoàn toàn là Việt Nam”.
Gìn giữ tiếng nói và văn hóa trong từng gia đình là một cách làm được khá nhiều gia đình người Việt ở nước ngoài áp dụng. Các bậc cha mẹ luôn cố gắng dạy và nói với con bằng ngôn ngữ mẹ đẻ để các em có thể hàng ngày, hàng giờ được hấp thụ và hiểu thêm về văn hóa dân tộc. Đó là nỗ lực của nhiều người như chị Lê Thanh Vân, việt kiều tại Malaysia “Tiếng Việt rất khó vì các con học từ sáng đến chiều. Mình cố gắng nói với các con bằng tiếng Việt và cũng có khi phải dịch sang Tiếng Anh. Đối với Malaysia phải có thời gian dài”
Lớp học tiếng Việt tại Trường tiểu học Văn Đức , P.Tân Đài Bắc, Đài Loan - Ảnh: Đăng Nguyên
|
Gìn giữ được tiếng nói và để văn hóa không bị mất đi cũng chính là góp phần kết nối và tạo sự đoàn kết rộng rãi trong cộng đồng người Việt. Trong đó phải kể tới vai trò của Hội đoàn, của các doanh nghiệp Việt ở nước ngoài, của từng gia đình và ngay cả sự hỗ trợ của chính quyền sở tại. Có thể kể đến Đài Loan ( Trung Quốc) đã tạo điều kiện cho tân di dân ổn định cuộc sống cũng như động viên những phụ nữ Việt ở Đài Loan tham gia quảng bá và trao truyền ngôn ngữ văn hóa dân tộc. Chị Lâm Quế Kim, tham gia dạy tiếng Việt miễn phí cho trẻ em ở nơi mình sống là thành phố Đào Viên cho biết: “Con em tân di dân, như chúng tôi, đã sang Đài Loan hy vọng có thể truyền đạt tiếng Việt cho con em tân di dân. Chính quyền sở tại động viên tôui lên bục giảng mạnh dạn nếu có ngôn ngữ, nguồn gốc của mình là văn hóa của mình truyền cho con em bên Đài Loan”
Nhu cầu học tiếng Việt, mong muốn phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài là rất lớn vì đó chính là sợi dây kết nối văn hóa và tình cảm cộng đồng cũng như gắn kết người việt xa xứ với trong nước. Điều này không chỉ phụ thuộc vào các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội mà còn là vai trò của từng gia đình: làm sao để mỗi người khi ra đi vẫn luôn nhớ tới quê hương, làm sao để thế hệ trẻ yêu và quan tâm tới Việt Nam. Chỉ khi đó, mỗi người mới thấy được trách nhiệm của mình trong việc duy trì và phát triển tiếng nói dân tộc.