(VOV5) -Ioanna, thuộc thế hệ thứ hai của cộng đồng người Việt tại quốc đảo này, một thế hệ hòa nhập với xứ sở bản địa nhưng cũng không quên cội rễ.
Nghe âm thanh tại đây:
- Con đã về Việt Nam bao giờ chưa?
- Về ba lần rồi!
- 3 lần rồi à? Có thích không?
- Có. Thích lắm
- Vì sao lại thích?
- Vì đẹp cực kỳ luôn! Về quê, về Hà Nội…..
Vâng, quý vị biết không, đấy là cô bé 9 tuổi Ioanna Michaelides, tên Việt Nam là Đỗ Thanh Nhật, đang rất hớn hở nói chuyện với chúng tôi – là mấy người khách từ Việt Nam sang dự bữa tiệc với gia đình bé tại thành phố biển Limassol, CH Síp.
Ioanna, thuộc thế hệ thứ hai của cộng đồng người Việt tại quốc đảo này, một thế hệ hòa nhập với xứ sở bản địa nhưng cũng không quên cội rễ.
""Cháu tên là Ioana, tên Việt Nam là Thanh Nhật. Em trai cháu tên là Thanh Long, chỉ biết nói hai thứ tiếng thôi" |
Mẹ người Việt cha người Síp, bé Ioanna (tức là Thanh Nhật) sinh ra và lớn lên ở CH Síp, đang học lớp 3 tại thành phố biển Limassol, nhưng nói tiếng Việt rặt âm quê mẹ Nam Định, thậm chí đến cả âm “n” “l” sử dụng lẫn lộn, hiểu cả những hàm nghĩa lắt léo trong ngôn ngữ Việt. Khi tôi giới thiệu, tôi là “cô Hà”, Thanh Nhật gọi ngay: “dì Hà”, cách gọi hàm ý những em gái họ hàng về đằng mẹ.
Cô bé thấy rất bình thường khi nói thành thạo ba thứ tiếng Hy Lạp, tiếng Việt và tiếng Anh, như đó là điều ai cũng thế, nhưng mà cậu em trai Thanh Long (mới 4 tuổi), "chỉ biết" có hai thứ tiếng mà thôi!!!
Học giỏi, thông minh từ tố chất, vui vẻ như một con sáo, nhưng thỉnh thoảng nhớ ra, Thanh Nhật cũng có một “nỗi phiền muộn” nhỏ, khi có ít bạn Việt quá: “Ngày trước à ngày xưa con bé, con có một bạn Việt Nam ở trường Hy “Nạp”. Ngày xưa hồi mẫu giáo con có bạn Việt Nam ở Síp, học mẫu giáo 5 tuổi, mà bây giờ đi lớp "to" không có bạn gái nào Việt Nam.”
Thanh Nhật và bạn trong Lễ hội cùng cộng đồng. |
Sinh sống làm ăn ở CH Síp, nhưng cũng tích cực tham gia trong Ban liên lạc cộng đồng, mẹ của bé Thanh Nhật, chị Đỗ Thị Tươi nói, để cho con hiểu sự gắn bó “đồng bào” của người Việt.
Dù sống ở nơi xa, dù có khoảng cách địa lý nhưng tiếng Việt được dạy từ trong nôi đã giúp các con chị gắn bó với ông bà cô dì chú bác, anh chị em ở Việt Nam: “Thậm chí là khi chia tay đi Síp, cháu còn khóc. Mẹ thì không khóc mà cháu khóc, rất lưu luyến Việt Nam.”
"Cô Tấm" trước giờ trảy hội. |
Thanh Nhật rất thích về Việt Nam, nơi có anh em bạn bè họ hàng đông đảo, nơi cũng có biển rất đẹp và rất khác với Síp. Còn cậu em trai Thanh Long, như mẹ em kể, hai từ đầu tiên mà em được học nói là: “mẹ” và “bố”. Chị Tươi kể, chị đã dành nhiều thời gian dạy con tiếng Việt từ nhỏ, vì chị muốn các con không chỉ hiểu mẹ, mà con còn có thể gắn bó, yêu quê nhà của mẹ: “Đẻ con ra là phải nói bằng tiếng Việt, không được pha lẫn một từ nào. Còn khi cháu lớn lên đi học, cháu khắc biết tiếng bản địa. Như con tôi, tôi không nói với con bất cứ từ nào ở đây, mà từ ban đầu hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ.
Khi bắt đầu, mới lọt lòng, mấy tháng tuổi mình đã hướng cháu nghe tiếng Việt. Lúc hai, ba tuổi bập bẹ nói cháu có thể nói tiếng này một ít, tiếng kia một ít, nhưng khi cháu lớn chỉ mẫu giáo lớn thôi, cháu đã phân biệt được đâu là tiếng Việt, đâu là tiếng Anh, đâu tiếng Hy Lạp rồi. Mọi người nếu có con ở nước ngoài thì nên như thế, bởi vì khi mình đã không nói với con bằng tiếng Việt, mà đến hai, ba tuổi rồi thì không dạy được nữa”
Thanh Nhật bảo, tiếng Việt cũng hay mà tiếng Hy Lạp cũng thích. Nhưng thích hơn cả là được nói chuyện bằng tiếng Việt với bạn Việt Nam, bằng tuổi.
Lời hẹn của tuổi thơ ngây, Thanh Nhật hứa với “các dì” khi nào về thăm quê, bé sẽ dạy một số từ “bí mật”. Bé rất nhớ quê ngoại, dù quê ngoại không có lễ hội như ở Síp!
Các em nhỏ tham gia Tết do cộng đồng Việt tổ chức tại CH Síp. (Chị Đỗ Thị Tươi áo dài hồng, chị Trần Thị Hiền áo dài đỏ) - Ảnh: Fb cộng đồng. |
Cộng đồng Việt Nam ở CH Síp còn rất trẻ, và những gia đình hai thế hệ chưa phải là nhiều. Nhưng những gia đình nhỏ ở đây thường gắng cho các con tụ họp cùng nhau, cũng như đến với các hoạt động chung của cộng đồng và nước sở tại, cũng là để các con không quên tiếng Việt.
Như chị Trần Thị Hiền, thành viên Ban liên lạc cộng đồng cho biết, nhiều chương trình lễ hội thành phố tổ chức, Ban liên lạc cộng đồng đều kêu gọi, và các gia đình đều hào hứng cho con tham gia.
Hòa nhập nhưng không hòa tan, tiếng Việt như một sợi dây neo kết nối cộng đồng, kết nối các thế hệ, và níu những thế hệ sau neo gần về quê hương hơn nữa.