(VOV5) - Hướng về Chủ tich Hồ Chí Minh cũng là cách mà kiều bào khắp năm châu hướng về Tổ quốc, nhất là đối với kiều bào trẻ thế hệ thứ ba, thứ tư.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho kiều bào sự quan tâm đặc biệt. Và có lẽ chính những tình cảm ân tình của người Việt xa xứ đã tiếp thêm sức mạnh cho Bác trên chặng đường buôn ba tìm đường cứu nước. Hướng về Người cũng là cách mà kiều bào khắp năm châu hướng về Tổ quốc, nhất là đối với kiều bào trẻ thế hệ thứ ba, thứ tư với mong muốn được tìm hiểu, duy trì bản sắc, văn hóa dân tộc Việt ở nước ngoài.
Thanh niên kiều bào tham dự trại hè việt nam 2019 tham quan quê Bác. |
"Em chỉ biết Bác Hồ qua lời bố mẹ kể, em rất khâm phục Bác vì Bác đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam thoát khỏi cuộc sống nô lệ lầm than, dẫn dắt đồng bào vượt qua chiến tranh gian khổ để giành được độc lập cho nước Việt Nam chúng ta.”"Em rất ngưỡng mộ Bác Hồ, em thấy Bác là một vị chủ tịch rất tốt và Bác có một trai tim rất lớn, rất thương yêu đất nước và con người Việt Nam.” Đây là những chia sẻ từ các thanh thiếu niên gốc Việt mà chúng tôi đã gặp. Có em sinh ra và lớn lên ở Thái Lan nói: “Có hai điều em học được từ Bác, đó là phải tin tưởng vào những gì mình làm. Thứ 2 là Bác làm việc rất nỗ lực, điều đó chứng tỏ thành công thì phải nỗ lực.”
Thanh niên kiều bào dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Trong cuộc đời hoạt động của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi khắp năm châu bốn biển. Từ tháng 7 năm 1928 đến cuối năm 1929, Người đã sống, làm việc tại nhiều nơi ở Thái Lan với tên Thầu Chín. Mảnh đất Udonthani cũng từng ghi dấu chân Bác trên hành trình tìm đường cứu nước, bởi vậy thế hệ trẻ kiều bào Udonthani sau này, dù sinh ra và lớn lên trên đất Thái nhưng vẫn một lòng hướng về Bác với niềm yêu thương và tôn kinh.
Không nói sõi tiếng Việt, nhưng Trần Việt Thái, 24 tuổi lại rất đam mê tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, đặc biệt là những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm tháng hoạt động cách mạng tại Thái Lan. Thái chia sẻ, hàng năm vào ngày sinh của Bác, em thường được ông bà, cha mẹ đưa đến nhà tưởng niệm – nơi có bàn thờ Bác Hồ, trước là để thắp nén hương thơm, ôn lại những kỹ niệm về Bác Hồ kính yêu, sau là để giáo dục cho thế hệ trẻ qua những câu chuyện kể về công lao, đức tính giản dị, hiền hòa, yêu thương đồng bào của Bác: “Người Việt tại Thái Lan rất là yêu quý Bác Hồ, từ bé bố mẹ em đã nói chuyện về Bác Hồ rất nhiều cho em nghe. Mặc dù điều kiện sinh sống của Bác Hồ rất là khó khăn vất vả nhưng Bác Hồ rất là vĩ đại.”
Không chỉ ở Thái Lan, hàng năm cứ đến ngày sinh nhật Bác, bà con người Việt sinh sống tại Lào lại cùng nhau tụ họp, tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ, ôn lại thời kỳ gian lao nhưng đầy hào hùng của dân tộc. Bên cạnh đó, Hội người Việt Nam còn phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tổ chức nhiều hoạt động thiết thực về Bác như: phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thi đua tìm hiểu về Bác, về quê hương đất nước…nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ không chỉ giữ vẹn nguyên nét đẹp văn hóa dân tộc trong tim mình mà còn lan tỏa rộng hơn để nhiều người biết đến.
Bạn Nguyễn Ngọc Mai mang hai dòng máu Việt- Lào. |
Mang hai dòng máu Việt – Lào, Nguyễn Ngọc Mai, 23 tuổi chia sẻ: sinh ra và lớn lên ở Lào, từ nhỏ khi bập bẹ nói được hai từ “ba, mẹ” cũng là lúc phát âm được hai tiếng “Bác Hồ”: “Từ hồi còn nhỏ, mẹ em đã kể về Bác cho em nghe. Khi về Việt Nam, em được đi thăm quê Bác, được thấy mái nhà tranh, những vật dụng trong gia đình Bác rất đơn sơ và giản dị, nhưng đó lại là nơi sinh ra một vị anh hùng của dân tộc, điều đó làm cho em rất cảm động và em cũng đã học được rất nhiều điều từ Bác.
Đối với các kiều bào trẻ từ châu Âu, châu Mỹ, mặc dù có ít cơ hội được tiếp xúc hay tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh so với các bạn ở khu vực khác, nhưng hình ảnh về Người được các bạn hình dung qua những lời cha mẹ kể, qua những bài hát từ thủa ấu thơ. Bên cạnh đó, tham gia Trại hè Việt Nam cũng là một sân chơi bổ ích, là dịp để các bạn trải nghiệm, tìm hiểu về Bác Hồ, về truyền thống văn hóa, lịch sử thông qua các di tích, danh lam thắng cảnh. Từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước cũng như lòng tự hào, tự tôn dân tộc đối với thế hệ trẻ kiều bào.
Bạn Bùi Hoàng Thăng ở Canada. |
Bùi Hoàng Thăng, 20 tuổi, sinh sống tại Canada kể lại: “Hồi xưa em có nghe chuyện về Bác, nhất là thời bác đi Nga, lúc Bác đi thăm lãnh tụ Lê Nin, mặc dù trời mùa đông tuyết rơi rất nhiều nhưng Bác vẫn cố gắng đi đến nghĩa trang, đặt hoa hồng tưởng niệm. Qua tấm gương Bác Hồ em đã học hỏi được lòng giản dị và luôn luôn phải cố gắng phấn đấu, em sẽ cố gắng, mặc dù mọi thứ có thể rất khó nhưng em sẽ cố gắng hết mình và sẽ cố gắng học hỏi.”
“Bác Hồ là một người rất là giỏi tại vì Bác biết rất nhiều thứ tiếng. Bây giờ em muốn học thật giỏi, học xong em rất muốn về Việt Nam và làm việc cho Việt Nam để xây dựng đất nước mình ngày càng tốt hơn.” - Trần Phương Anh, 21 tuổi, ở Canada tâm sự như vậy.