Tình cảm yêu mến giành cho Việt Nam từ một mái trường thủ đô

(VOV) Ngày 9-12, nhân dịp năm mới sắp đến, giáo viên và học sinh trường phổ thông số 863, ở quận Tây Nam thành phố Mat-xcơ-va tổ chức gặp mặt và giao lưu với Đại diện Đại sứ quán Việt Nam, Hội người Việt tại LB Nga, Hội hữu nghị Nga-Việt, Hội doanh nghiệp, cùng đại diện một số Hiệp hội, cơ quan truyền thông Việt Nam.

 Tình cảm yêu mến giành cho Việt Nam từ một mái trường thủ đô - ảnh 1

Ngay từ năm 1978, trường 863 đã tham gia Hội hữu nghị với Việt Nam và cũng là trường học duy nhất ở Mát-xcơ-va có Bảo tàng hữu nghị Xô-Việt. Ngoài ra trường còn kết nghĩa với trường Trưng Vương ở Hà Nội. Nhiều hoạt động trao đổi văn hoá-giáo dục được thực hiện. Tuy nhiên, sau khi Liên-xô tan rã, mối liên hệ hai bên cũng bị gián đoạn. Cuộc gặp mặt lần này diễn ra theo sáng kiến của ban lãnh đạo nhà trường và là cuộc gặp đầu tiên của giáo viên và học sinh nhà trường với những người bạn Việt Nam sau 20 năm.

Để có được cuộc gặp mặt và giao lưu, Bà Ilina, chủ tịch Câu lạc bộ Hữu nghị quốc tế của nhà trường, người đã từng công tác tại Hội hữu nghị Xô-Việt và được trao tặng Huân chương Hữu nghị của Việt Nam năm 2006, đã cùng ban lãnh đạo nhà trường, thông qua Hội hữu nghị Nga-Việt, cụ thể là với sự hỗ trợ của bà Irina Pêtrôpna, phụ trách bộ phận đối ngoại của Hội hữu nghị Nga-Việt chắp nối các mối liên hệ và ý tưởng với các bộ phận chức năng của Đại sứ quán Việt Nam, với Hội người Việt Nam tại Nga và đã nhận được sự hưởng ứng.


Bà Gu-xe-va, hiệu trưởng trường 863 nói:Trường chúng tôi và Hội hữu nghị Việt Nga có mối quan hệ từ rất lâu. Hơn nữa, trước đây, trường chúng tôi còn có quan hệ kết nghĩa với trường Trưng Vương của Hà Nội. Sau những gián đoạn, chúng tôi muốn khôi phục lại mối quan hệ truyền thống này và thúc đẩy quan hệ này lên một cấp độ mới để các em học sinh Nga và Việt Nam có điều kiện hiểu biết về đất nước của nhau, để kết bạn với nhau. Chúng tôi chuẩn bị cho cuộc gặp này đã từ lâu với tất cả tấm lòng và tình cảm của mình.


Những người bạn Việt Nam được đón tiếp trọng thị, nồng ấm, với bánh mỳ và muối mang đậm nét văn hoá Nga. Ban lãnh đạo trường đã giới thiệu với các vị khách quý Việt Nam cở sở vật chất của nhà trường cũng như những hoạt động của nhà trường, trong đó có việc khôi phục các mối liên hệ với Việt Nam vốn có của nhà trường, trong thời gian qua.


Những vị khách Việt Nam đã thực sự bất ngờ khi vào thăm Bảo tàng hữu nghị Nga-Việt, vốn là bảo tàng Hữu nghị Nga-Việt duy nhất trong trường học được hình thành từ thời Liên-xô trước đây. Tại đây vẫn lưu giữ được các hiện vật và hình ảnh về Việt Nam như: Bản đồ Việt Nam, những cuốn sách in bằng tiếng Nga và tiếng Việt, những vật dụng, tranh ảnh của các nhà lãnh đạo Việt Nam, đĩa nhạc Việt Nam, tranh ảnh về những thành tựu văn hoá, về những thành quả trong chiến đấu và xây dựng của nhân dân Việt Nam, những tư liệu về sự hỗ trợ của nhân dân Liên-xô đối với Việt Nam...Không chỉ vậy, các giáo viên và học sinh của trường còn giành cho những vị khách, những người bạn Việt Nam, một sự bất ngờ khi cùng tham dự một tiết học văn tại lớp 10A, với chủ đề “Nhà thơ Việt Nam với tâm hồn Nga”.


Bài giảng về thơ và nhà thơ Lê Văn Nhân, là nhà thơ duy nhất ở nước ngoài, trừ những nước trong thành phần Liên Xô cũ, không chỉ làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ, mà sáng tác thơ bằng tiếng Nga. Hiện ông là chủ nhiệm khoa tiếng Nga trường tổng hợp Hà Nội, tổng thư ký Ban Chấp hành trung ương Hội hữu nghị Việt-Nga, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà khoa học làm thơ Việt Nam. Bài giảng độc đáo giúp các em học sinh Nga khám phá thêm sự tinh tế trong đời sống Việt, tình cảm của người Việt nói chung và của nhà thơ nói riêng giành cho nước Nga qua những vần thơ, qua đó thấy được những nét tương đồng và gắn bó trong đời sống văn hoá hai nước.

Giáo viên và học sinh nhà trường cũng giành thời gian giao lưu với những người bạn Việt Nam. Chị Phạm Thanh Xuân, Trưởng Ban phụ nữ, gia đình và trẻ em thuộc Hội người Việt Nam tại Nga, vốn là học sinh trường Trưng Vương trước đây, đã từng tích cực tham gia vào các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa trường Trưng Vương và trường 863 khi đó, xúc động ôn lại những hoạt động đáng ghi nhớ trong những năm tháng sôi động, hát vang những bài ca được ưa thích giành cho thiếu niên và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và hát theo của cả hội trường.


Những câu chuyện về tình hữu nghị Nga-Việt, những tài liệu hiện vật về Việt Nam, sự hiện diện của các người bạn Việt Nam, cũng như sự trân trọng của giáo viên nhà trường đối với Việt Nam góp phần giúp các học sinh của trường thêm hiểu và mong muốn phát triển những tình cảm tốt đẹp vốn có. Một học sinh nói: Em nghĩ là chúng ta cần phải phát triển mối quan hệ. Sẽ thật là hay khi hai nước có những liên hệ với nhau. Hơn nữa hai nước đã từng hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực, trường của em trước đây đã kết nghĩa với trường Trưng Vương và trên tinh thần này, chúng ta tiếp tục có những giao lưu thì sẽ rất tốt.


Cuộc gặp mặt, giao lưu diễn ra thực cảm động và ấm cúng. Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Hồng, tham tán Đại sứ quán Việt Nam, thay mặt cho đoàn Việt Nam bày tỏ cảm ơn bà hiệu trưởng Gu-xe-va, tập thể giáo viên nhà trường và các em học sinh đã giành tình cảm yêu mến đối với đất nước và con người Việt Nam, đồng thời cho biết, các bộ phận chức năng của phía Việt Nam sẽ phối hợp cùng với nhà trường trong việc quảng bá hình ảnh mỗi nước, giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng và phát huy mối quan hệ, sự hợp tác lâu đời giữa hai nước Việt Nam và LB Nga.

                                                                                                                                                                                CQTT Nga


Các tin/bài khác