(VOV5) - Tinh thần Việt đã giúp cho cộng đồng người Việt nơi xa xứ đoàn kết, ngày càng vững mạnh và phát triển.
Có mặt ở Việt Nam trong tháng cuối cùng của năm 2020, ông Hoàng Lộc, việt kiều tại Anh bày tỏ cảm xúc về sự bình an ở quê nhà, những thành công mà chính phủ Việt Nam đạt được để phòng chống dịch COVID-19.
Nghe âm thanh tại đây:
Hội Phật tử việt kiều tại Anh hỗ trợ quê hương. Ảnh: quehuongonline |
Tham gia hội đồng hương việt kiều thành phố Hải Phòng, những chuyến đi về thường xuyên của ông Hoàng Lộc góp phần kết nối các hoạt động từ trong nước ra nước ngoài và ngược lại. Ngay tại Anh, ông cùng với các thành viên trong Hội đồng hương việt kiều thành phố Hải Phòng hàng năm vẫn tổ chức gặp mặt, sinh hoạt nhân các ngày lễ của dân tộc để bà con nắm được thông tin về tình hình trong nước, được chia sẻ và từ đó, tạo ra sự gắn kết nhiều hơn: “Bà con chúng tôi trong Hội đồng hương, hội người Việt đều tổ chức gặp mặt, để các cháu hiểu được về dòng tộc, về nguồn cội. Ngoài các cháu đi làm, thì bà con đều làm chủ gia đình, các bác cũng rất nhiệt tình,bà con gắn kết rất nhiều, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Ra đi và bây giờ nghĩ về quê hương”.
Cô giáo Phạm Thị Lành, người Việt tại Đài Loan (Trung Quốc) |
Những hoạt động của bà con người Việt tại các nước đã góp phần tạo sự kết nối mạnh mẽ, phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Không chỉ bà con được chia sẻ, giao lưu, mà con em của họ cũng có dịp được gặp gỡ, được tìm hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc. Tinh thần Việt đã được lan tỏa trong cộng đồng người Việt, giúp bà con không chỉ hỗ trợ nhau trong cuộc sống mà còn biết gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có tiếng Việt. Đó chính là những gì mà cô giáo Phạm Thị Lành, người Việt tại Đài Loan (Trung Quốc) đang làm, góp phần gìn giữ tiếng nói của người việt trong cộng đồng: “Em dùng chính kinh nghiệm của mình chia sẻ với phụ huynh, những mẹ là người Việt Nam, những ông bố là người Việt Nam rằng,học tiếng Việt đó là thứ tiếng cội nguồn của mình. Toàn thế giới, cả người Mỹ cũng học tiếng Việt, tại sao mình là người Việt lại không học tiếng Việt. Hiểu được tầm quan trọng của việc gìn giữ văn hóa là như thế nào”.
Ảnh: FB Hội sinh viên Việt nam tại Hungary |
Tầm quan trọng của việc gìn giữ văn hóa như cô giáo Lành chia sẻ, chính là giúp cho mỗi người, nhất là các thế hệ thứ hai, thứ ba hiểu được về nguồn cội, hiểu được tiếng Việt góp phần gắn kết và duy trì cộng đồng người Việt. Không những vậy, giúp cho cộng đồng đoàn kết, cùng vượt qua những khó khăn, hướng về quê hương bằng những việc làm, hành động cụ thể. Đó cũng là thể hiện lòng yêu nước của mỗi người Việt. Anh Võ Trung Âu, chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hunggary khẳng định về điều này qua hoạt động của Hội quyên góp, ủng hộ đồng bào trong nước gặp khó khăn như sau:“ Khi mà có các chương trình đấy thì chúng tôi đều kêu gọi đồng bào hỗ trợ, sau đó, chúng tôi gom tiền lại, chuyển cho Hội người Việt và Hội người Việt chuyển về Việt Nam. Mọi người ủng hộ thì sẽ chuyển về Việt Nam cho các em ở vùng khó khăn, không có miếng ăn,có nơi học tập tốt, thì chia sẻ những điều đó.Đối với riêng Hội sinh viên chúng tôi luôn truyền tải những thông tin trong nước, những thành công, thành tựu, để các bạn có lòng tự hào, hiểu và chia sẻ với các bạn quốc tế. Từ đó, các bạn có lòng yêu nước hơn”
Tinh thần Việt đã giúp cho cộng đồng người Việt nơi xa xứ đoàn kết, ngày càng vững mạnh và phát triển. Lòng yêu nước, tự hào dân tộc còn giúp mỗi người Việt ở nước ngoài ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với quê hương.