(VOV5) - Các bạn trẻ kiều bào có những trải nghiệm thú vị tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.
Tiếp tục các hoạt động trong chương trình Trại hè Việt Nam 2024, ngày 27/7, các thanh niên, sinh viên kiều bào có những trải nghiệm thú vị tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi - Di tích Quốc gia đặc biệt, và là một trong sáu công trình nhân tạo đặc biệt nhất thế giới.
Các bạn trẻ chăm chú theo dõi câu chuyện của hướng dẫn viên
|
Tham quan khu di tích, các bạn trẻ kiều bào được nghe giới thiệu về nơi được mệnh danh là “thành phố trong lòng đất”, về cách mà quân và dân nơi đây đã xây dựng được hệ thống phòng thủ kiên cố, tinh vi trong lòng đất. Hệ thống địa đạo không chỉ là nơi trú ẩn, mà đã trở thành nơi sinh hoạt, hội họp quân sự, cứu thương, chế tạo và tàng trữ vũ khí.
Thích thú tìm hiểu các loại chông bẫy giặc
|
Các bạn rất chăm chú lắng nghe lời thuyết minh về đường hầm, lỗ thông hơi, các loại chông bẫy giặc, rồi cách đánh lạc hướng chó nghiệp vụ của Mỹ… Hào hứng chui xuống một đoạn đường hầm, nhiều bạn chia sẻ đã hiểu vì sao nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng quân địch lớn mạnh, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân bậc nhất thế giới.
Cùng nhau lưu lại những hình ảnh tại khu di tích
|
Bạn Nguyễn Trung Hiếu, từ Mỹ chia sẻ: "Khi còn bé em đã được bố mẹ đưa đến đây 1 lần rồi. Lần này quay lại đây em thấy nhiều điều hay, tìm hiểu thêm nhiều thông tin. Hệ thống chiến hào và địa đạo rất tuyệt vời. Khi quay lại Mỹ em sẽ có những câu chuyện để kể cho bạn bè hiểu thêm cách mà Việt Nam đã chiến thắng cuộc chiến tranh như thế nào".
Bạn Nguyễn Thị Ngọc Mai, Bungary
|
Cô gái Nguyễn Thị Ngọc Mai, đến từ Bungary cho biết: "Trước khi đến đây em đã tìm hiểu và có hình dung đôi chút về Địa đạo Củ Chi, nhưng khi được tận mắt chứng kiến thì em vẫn thấy thú vị và bất ngờ về sức sáng tạo và những hiểu biết sâu sắc về địa hình, hiểu về tâm lý đối phương… Đặc biệt là cách mà mọi người tạo ra những loại vũ khí như là bẫy chông, bẫy kẹp nách chỉ từ những vật liệu thô sơ và tái chế những đồ mà lính Mỹ bỏ đi. Quả thực người Việt Nam mình rất thông minh".
Bạn Nguyễn Minh Nghĩa, Liên bang Nga
|
Còn bạn Nguyễn Minh Nghĩa, từ Nga thì cảm nhận: "Trước khi đi đến Củ Chi em đã có nghe nói về nơi này - một hệ thống ngầm dài 250km, được xây để chống giặc. Lần đầu tiên được đến đây, được tận mắt nhìn, em thấy rất thú vị. Việc đào địa đạo rất tốn công sức vì mọi người phải dùng tay không và đào xuống khá sâu. Người Việt Nam đã nghĩ ra cách để chống giặc thật là thông minh.
Cùng nhau nếm thử đặc sản vùng đất Củ Chi - củ khoai mỳ, hay còn gọi là củ sắn
|
Chiều cùng ngày, đoàn đến thăm Làng thiếu niên Thủ Đức ở Thành phố Thủ Đức, nơi cưu mang gần 160 trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, lang thang cơ nhỡ.
Đoàn Trại hè tặng quà cho Làng thiếu nhi Thủ Đức
|
Tại đây, đoàn trao tặng 30 triệu đồng tiền mặt để mua áo đồng phục và sách giáo khoa cho các em nhỏ trong Làng. Ngoài ra, đoàn Belarus tặng cho làng 6 triệu đồng - là số tiền các em quyên góp được ngay khi đến thăm Làng. Em Sofia Thanh (CHLB Đức) cũng gửi tặng Làng 6 triệu đồng. Gia đình em Đỗ Phú Khang An (Nhật Bản) gửi tặng các bé trong làng 3 thùng sữa.
Bạn Sofia Thanh (CHLB Đức) tặng Làng 6 triệu đồng
|
Cây đàn ghi-ta đã theo Lê Nguyễn Lưu An (Malaysia) trong suốt hành trình của Trại hè
|
Em Lê Nguyễn Lưu An (Malaysia) tặng 1 cây đàn ghi-ta mà em đã mang theo trong suốt hành trình của Trại hè, với mong muốn các bạn nhỏ tại Làng sẽ có thêm niềm vui với âm nhạc.
Giao lưu bóng đá với các bạn nhỏ ở Làng
|
Đây cũng là những hoạt động cuối cùng trong hành trình Trại hè Việt Nam 2024. Ngày 28/7, Lễ bế mạc Trại hè sẽ diễn ra tại điểm cuối của hành trình - Thành phố Hồ Chí Minh.