Tre Xanh: mái nhà Việt ấm cúng tại Paris

(VOV5)_Tôi làm quen với hội Tre Xanh tại Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp có trụ sở tại phố Albert, trên quận XIII, Paris. Hôm đó chính là ngày tổng duyệt cho các chương trình văn nghệ mà các bạn và các em sẽ biểu diễn để đón mừng năm mới.

 

Mới bước chân vào trung tâm, tôi đã nghe văng vẳng tiếng đàn tranh vọng ra. Những nốt nhạc trầm bổng réo rắt đưa chân tôi đến phòng tập. Len lén đẩy cánh cửa, tôi thực sự xúc động khi nhìn thấy cô giáo và các em đang chăm chú vào những cây đàn. Những mái đầu đen huyền xen lẫn hung đỏ hay vàng tơ, đều đang cố dồn tâm vào nốt nhạc, thi thoảng tiếng cô giáo Jacqueline Florentin vang lên. Thoạt đầu nhìn chị, tôi không ngỡ chị là người Việt!

 

Thực ra, chị sinh tại Việt Nam, có mẹ là người Việt và cha là người Ấn độ, chị chỉ đến Pháp khi đã 12 tuổi. Khi được hỏi về tài biểu diễn đàn tranh điêu luyện của mình, chị nói đã làm quen với tiếng đàn này tại Pháp và đã « tầm sư học đạo » nơi các thầy giáo dạy đàn người Việt và càng ngày càng say mê môn đàn khó học này. Khi Tre Xanh được thành lập, chị đã xung phong đến dạy cho các em. «Chỉ là để truyền lại cho các em chút ít hiểu biết mà mình đã học được » _ chị đã tâm sự như vậy.

Tre Xanh: mái nhà Việt ấm cúng tại Paris  - ảnh 1
Các cháu biểu diễn đàn tranh 


Sophie, một cô bé 12 tuổi, với khuôn mặt thanh tú rất xinh, em cho biết có mẹ là người Việt và cha là người Pháp, và em đã học đàn tranh được năm năm rồi. Khi được hỏi về Tết, em nói rất thích tết, và bẽn lẽn «em nói được tiếng Việt, và đang cố gắng học đọc và viết… ». Rồi còn Marie-Lou, 13 tuổi. Nhìn cô bé này, tôi đoán chắc là 100% người Việt, nhưng khi hỏi về cha mẹ thì em trả lời, em thực ra có cha mẹ là người Pháp, họ đã nhận em làm con nuôi khi em mới được ba tuần tuổi. Nhưng thi thoảng bố mẹ vẫn đưa em về Việt Nam chơi và đã hướng cho em học đàn tranh, và không hiểu do có dòng máu Việt chảy trong em hay sao mà ngay từ đầu em đã rất thích đàn và bố mẹ Pháp của em rất khuyến khích điều này. Bà mẹ Pháp của em còn nói thêm rằng điều đó là để cho con gái chị giữ được nguồn cội của mình!

 

Tôi gặp chị Isabelle, một phụ nữ Pháp rất hiền hậu. Chị là phó chủ tịch của Hội Tre Xanh và có chồng là người Việt. Anh chị có một con gái là Tường Vi, cháu 12 tuổi, chơi trong nhóm biểu diễn đàn tranh. Chị cho biết năm nào vợ chồng chị cũng cho con về Việt Nam. Cháu Tường Vi đã theo học đàn tranh được năm năm rồi. Và chính chị là một trong những người đầu tiên có ý tưởng thành lập Hội Tre Xanh. Ngồi nói chuyện với ban chủ tịch hội (hầu như toàn người Pháp, nhưng đều ít nhiều có mối quan hệ với Việt Nam), thì tôi nhận thấy ai cũng cho rằng điều cốt yếu của hội là để giữ và truyền bá nền văn hóa Việt cho các con mình.

 

Khi được hỏi là tại sao lại là Tre Xanh, chị nói đó là ý tưởng của cô Lý Kiều Thu, và mọi người đều nhất trí với biểu tượng này. Cây tre dẻo dai, vững chãi kiên cường và cũng là biểu tượng của dân tộc Việt. Chị có vẻ hơi bùi ngùi, khi tôi hỏi cảm nghĩ của chị sau mỗi lần về Việt Nam. Chị nói : «Việt Nam quả là thay đổi rất nhanh, tôi cũng mong muốn một sự phát triển nhanh cho Việt Nam, nhưng hãy làm sao đó để đừng mất đi hồn Việt của mình.» Trong khi bà con Việt xa xứ và nhất là trong trường hợp của anh chị, luôn làm mọi thứ để con (kết tinh từ hai dòng máu Pháp –Việt) giữ được truyền thống Việt thì chị lại thấy các bạn trẻ tại Việt Nam lại rất hâm mộ lối sống Hải ngoại và thích Tây hóa ! Chị thích Tết. Vì theo chị, là con dâu Việt, chị trân trọng những khoảng khắc ấy, lúc giao thời của hai năm. Mọi người quần tụ bên nhau, chúc tụng chia sẻ. Tiễn biệt năm cũ, đón chào năm mới, và nhất là để con gái chị được diện bộ áo dài mảnh mai nền nã. Anh chị em họ hàng được gặp nhau. Theo chị, cảnh đó thật ấm cúng. Rồi chị nói thêm, niềm vui lấp lánh trong ánh mắt : «Hội Tre Xanh luôn tham gia các hoạt động gây quỹ ủng hộ bà con gặp khó khăn ở Việt Nam, và mỗi lần, Hội lại gửi các «nghệ sỹ nhí» đi biểu diễn, và đã ít nhiều được khán giả ủng hộ.»

Tre Xanh: mái nhà Việt ấm cúng tại Paris  - ảnh 2
Các cháu hát Hò kéo lưới


Ra hành lang, tôi bất chợt nhìn thấy một «bà đầm» đang hý hoáy với những bức tranh cắt dán. Hình ảnh các chị nông dân đang đi cấy. Xa quê nhiều năm, nhìn cảnh ấy, tôi thực sự xúc động. Và đứng lặng nhìn chị dàn dựng hình ảnh. Chị chính là Clarisse Cuvé, vợ của anh Henri Cuvé. Họ có cô con gái nhỏ đẹp như thiên thần tên là Marie-Dorothée, cháu cũng theo học đàn tranh tại đây. Anh Henri là chủ tịch Hội Tre Xanh, còn chị phụ trách về nghệ thuật dàn dựng trang trí của Hội mỗi khi có chương trình biểu diễn. Và những bức tranh của hôm nay sẽ được dùng để minh họa cho bài Lý Cây Bông mà các cháu sẽ biểu diễn bằng đàn tranh.

 

Chị tâm sự rất yêu mến Việt Nam, và Việt Nam luôn đem lại cho chị nguồn cảm hứng sáng tác, mặc dù chưa từng có dịp đến đất nước này bao giờ. «Chắc chắn sẽ có một ngày nào đó! _chị nói thêm, - nhất định tôi sẽ đến!» Còn chồng chị, anh Henri tâm sự : «Tôi sinh ra tại Hải Phòng, mẹ người Việt và cha người Pháp, và rời quê hương khi mới lên năm tuổi. Với chức trách của chủ tịch Hội, đó là một công việc nặng nề, một trách nhiệm lớn lao ! Phải làm sao để Hội phát triển ngày càng lớn mạnh, điều này thật không dễ dàng. Hiện giờ Hội chưa có bất kỳ một trợ cấp nào của chính quyền sở tại. Mọi chi phí đều do chính các phụ huynh và bạn bè cùng nhau chia sẻ đóng góp. Nhưng điều đó không khiến chúng tôi nản lòng. Điều quan trọng là làm sao thu hút được các cháu và các bậc cha mẹ đưa con mình đến sinh hoạt tại đây. Và chúng tôi sẽ cố gắng để hai nền văn hoá Việt – Pháp cùng phát triển đến mức hoàn hảo nhất ! Hiện thời, các cháu chỉ sinh hoạt, học tiếng Việt vào mỗi chiều thứ bảy hàng tuần…» Và anh cũng không quên gửi lời cám ơn ban lãnh đạo của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. Trung tâm đã tạo rất nhiều điều kiện để Hội được sinh hoạt thuận lợi.

 

Nhắc đến một tổ chức thì chúng ta không thể không nhắc đến người thủ quỹ, và người này chính là anh Luc Duval-Arnould. Anh kể rằng mình có hai con gái là Annie và Sophie. Anh có vợ là người Việt và hai con gái anh đều học đàn tranh rất say mê. Mặc dù không được thường xuyên về Việt Nam, nhưng vợ chồng anh cũng cố gắng đến mức tối đa để các cháu có thể sinh hoạt và thực hành tiếng Việt. Nếu anh nhiệt tình với Hội Tre Xanh thì cũng chính vì lý do ấy.

 

Rồi tôi cũng gặp được cô Lý Kiều Thu, chính là người có ý tưởng thành lập Hội. Cô tâm sự rằng đã có mấy mươi năm làm việc với trẻ em Việt kiều. Trước đây, cô phụ trách ban thiếu nhi của hội Người Việt Nam tại Pháp. «Tôi chỉ muốn ủng hộ sự truyền bá văn hóa của dân tộc Việt đến các cháu, _cô nhỏ nhẹ tâm sự. Vì văn hóa cội nguồn, nhất là các cháu mang trong mình hai dòng máu». Tre Xanh thực chất mới được thành lập gần hai năm nay. Nếu như trong suốt hơn hai chục năm trước đây, cô Thu đã chăm chút cho các cháu nhiều lĩnh vực như Hát, Võ Việt Nam, học tiếng Việt, múa, học đàn tranh, tập kịch…, thì giờ đây trong hội Tre Xanh mới chỉ có học tiếng Việt, hát và đàn tranh. «Dần dần sẽ mở mang lại thêm», _cô cũng nói thế.

 

 

Chị Diệu Thúy, có chồng là anh Michel, người Pháp, họ có hai con gái nhỏ rất xinh (Emma 9 tuổi và Camille 7 tuổi) cũng rất tâm nguyện với Hội. Hàng tuần, chị thường bớt chút thời gian để đến tập cho các cháu hát. Chị tâm sự là hội mang tên Tre Xanh, nên chương trình văn nghệ chủ yếu thiên về những bài dân ca ba miền, và theo chị những bài hát ấy là phương tiện hữu hiệu để dạy cho các cháu tiếng Việt. Có những điều khó giải thích như những câu ví, những điệu hò thì những điệu bộ, cử chỉ khiến cho các cháu hiểu rất nhanh. Chị cho biết, hội cũng được khá nhiều các cán bộ và anh chị em người Việt sang Pháp công tác đánh giá rất cao, và họ thường gửi con cái đến đây để sinh hoạt hàng tuần.

 

 

Ngồi trầm ngâm hơn cả là chú Lê Kim Chi. Tôi đã biết chú từ lâu, một người con xa xứ cả mấy chục năm nhưng luôn tâm niệm về việc truyền bá văn hoá Việt cho các cháu và cho cả các bạn Pháp. Và chú cũng là một trong những người sáng lập ra Hội Tre Xanh này. Mặc dù không con cái nhưng chú lại tham gia rất nhiệt tình vào công tác của hội. Theo chú «Đây là một môi trường để có thể đóng góp cho sự phát triển song song hai nền văn hóa nơi những người mang dòng máu Việt hay Việt- Pháp, hay cả chính nơi những người Pháp có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp với Việt Nam. Dựa trên nền tảng và nhu cầu của các bậc cha mẹ.» Chú tâm sự rằng điều đó «về tương lai lâu dài sẽ là một hàng bản lề nối liền hai nền văn hóa. Còn đối với các cháu, điều này cũng rất hữu ích, vì sẽ giải quyết được những tâm tư, những mâu thuẫn, trăn trở giữa sự giáo dục thuần Việt nghiêm khắc và sự dân chủ đôi khi phóng khoáng quá độ của Phương Tây!»

 

 

Trên đường về, trong tôi vẫn văng vẳng những nốt nhạc đàn tranh «Bông xanh bông trắng… » và tiếng hò ơ còn non nớt : «Kéo lên thuyền cho nhiều tôm cá, lưới cùng ta vang hát câu ca», hay tiếng hát lanh lảnh «Nắng sớm lên rồi, dậy đi nương… », lòng tôi như ấm lại giữa khí hậu Paris đang lạnh dưới cái rét gần âm độ! Cám ơn Tre Xanh, một mái nhà ấm cúng của những người con xa xứ luôn hướng về cội nguồn./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác