Triển lãm “Việt Nam Chiến đấu-Cuộc chiến tranh từ 1961-1975” tại Liên bang Nga

(VOV5) - Triển lãm “Việt Nam Chiến đấu-Cuộc chiến tranh từ 1961-1975” với 120 bức ảnh tư liệu quý về Chiến tranh Việt Nam đang được tổ chức tại Liên bang Nga.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam vào thời kỳ khốc liệt nhất trong những năm tháng từ 1961 đến thắng lợi cuối cùng 1975 đã nhận được sự giúp đỡ chí tình, toàn diện của Liên Xô, trong đó có nước Nga.

Trải qua những năm tháng không thể nào quên ấy, trong lòng các cựu chiến binh Nga từng công tác tại Việt Nam vẫn còn lưu giữ những tình cảm nồng ấm. Và vào những dịp kỷ niệm lớn của nhân dân Việt Nam, ngày Chiến thắng 30/4, những người bạn Nga lại muốn cùng chia sẻ niềm vui.

Đó chính là lý do, ngay trước dịp này, một cuộc triển lãm ảnh mang tên “Việt nam Chiến đấu – Cuộc chiến tranh từ 1961 – 1975” đã được Hội Cựu chiến binh Nga từng công tác tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Ảnh của Hội Nhà báo Nga và một số tổ chức xã hội của Nga tổ chức.

trien lam viet nam chien dau cuoc chien tranh tu 1961 1975" tai nga hinh 1
Một góc triển lãm “Việt Nam Chiến đấu-Cuộc chiến tranh từ 1961-1975”.


Lễ khai mạc triển lãm đã thu hút một lượng rất lớn khách mời là những người từng trực tiếp có mặt trong thời kỳ kháng chiến của Việt Nam, là những bạn bè của nhân dân Việt Nam và cả những người quan tâm đến Việt Nam, muốn được hiểu hơn về Việt Nam hôm qua và hôm nay.

Thông qua hơn 120 bức ảnh và tư liệu…, người xem đã thêm hiểu về Việt Nam. Và điều đọng lại sâu sắc nhất là tình cảm hữu nghị, là tình đồng chí, đồng đội của những người lính Nga – Việt trải qua nhiều khó khăn, thử thách...

Trong số những tấm ảnh trưng bày tại triển lãm, nhiều tấm chưa từng được công bố, nhiều tấm đã ố vàng bởi thời gian, nhiều tấm ảnh không thuộc của riêng ai ... đã đưa những người từng chiến đấu tại Việt Nam trở về với những năm tháng, những khoảnh khắc cùng sát cánh với nhân dân Việt Nam và cho những người chưa biết nhiều về cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam thêm hiểu, thêm cảm mến...

Những người cựu chiến binh Nga đến với triển lãm đã xúc động mà khẳng định rằng, xem lại những hình ảnh ấy trong họ như sống dậy những cảm xúc không lặp lại và những tâm trạng đã từ lâu họ không nghĩ đến… Họ được hồi tưởng và họ càng cảm thấy trân quý hơn những ký ức, những kỷ vật đã có.

trien lam viet nam chien dau cuoc chien tranh tu 1961 1975" tai nga hinh 2
Bà Buradina, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga – Việt, xúc động khi xem những bức ảnh 
được trưng bày tại triển lãm.


Triển lãm kéo dài hơn 2 tuần (từ 28/3 đến 16/4) và suốt trong thời gian đó, không ồn ào, đông đúc người tới xem, nhưng vẫn thu hút những người có tình cảm riêng, có mối quan tâm riêng đến Việt Nam, dành thời gian đến đây.

Nhiều hình ảnh của những chuyến thăm lại Việt Nam hôm nay mà các đoàn cựu chiến binh Nga mới thực hiện cũng được trưng bày tại đây đã giúp họ có được những thông tin về một nước Việt Nam mới của hòa bình hôm nay.

Nhà báo Ilinskyi, người từng có mặt ở Việt Nam những năm tháng cuối của cuộc chiến tranh và là một trong những phóng viên nước ngoài đầu tiên đến Miền Nam sau giải phóng.

Sau này, tập hợp những bài viết của mình, ông đã cho ra cuốn sách viết về cuộc chiến ở Việt Nam với nhan đề “Người Nga trầm lặng”. Bà Tatiana Ilinskaya, vợ ông là người đã cùng chồng sống ở Hà Nội nhiều năm.

Ông mới qua đời cách đây không lâu, bởi vậy, khi nghe tin có cuộc triển lãm này, bà đã tìm tới thăm, dù hôm đó là một ngày Moscow mưa và rét đậm. Đi cùng bà là một bà bạn thân cũng có chồng là phóng viên của TASS, nhưng công tác ở Campuchia nên bà chưa hề đến Việt Nam. Rồi cả hai bà đã chăm chú xem ảnh, giải thích cho nhau những gì đã biết, chưa biết… và rất xúc động với những hình ảnh Việt Nam qua triển lãm này.

Bà Tatiana chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến một cuộc sống rất vất vả, khó khăn nhưng mọi người dân đã rất dũng cảm và đã vượt qua mọi khó khăn như thế nào. 
Tôi đã chứng kiến khi có còi báo động mọi người đã chạy xuống những hầm trú ẩn và khắp nơi có đào và xây dựng những hầm trú ẩn như thế chồng tôi cũng đã chụp ảnh và đăng báo ở Nga… Tôi cũng từng chứng kiến có vụ Mỹ ném bom nhằm vào Đại sứ quán Liên Xô như tuyên bố, nhưng đã không trúng … Thật là khủng khiếp, nhưng mọi chuyện đã qua”.

Bà Evghenia Blinova, người bạn của bà Tatiana thì cho biết: “Tôi chưa từng đến Việt Nam nhưng tôi rất quan tâm tới những gì liên quan bởi chúng tôi thời đó cũng sống ở nước láng giềng Campuchia, từ năm 1968 đến 1973. Tôi rất quan tâm tới các bạn Việt Nam và cũng có kết bạn với nhiều người ở đây. Bởi vậy, tôi rất thích cuộc triển lãm này, qua đây có thể thấy rất nhiều hình ảnh quý”.

Đến với triển lãm, người xem có thể thấy cả hình ảnh Việt Nam trong chiến tranh, người Việt Nam chiến đấu; Và không thể thiếu là những tấm ảnh có các chuyên gia quân sự Liên Xô sát cánh cùng quân đội và nhân dân Việt Nam.

trien lam viet nam chien dau cuoc chien tranh tu 1961 1975" tai nga hinh 3
Vợ của hai phóng viên hãng TASS từng công tác tại Việt Nam và Campuchia 
ghi cảm tưởng sau khi đi thăm triển lãm.


Có cả những tấm ảnh của vị Thượng nghị sỹ John McCain, người từng là phi công lái chiếc máy bay đã bị bắn rơi trên bầu trời Việt Nam, rồi bị bắt và phải ngồi tù. Có cả rất nhiều hình ảnh mà sau này, khi Việt Nam hòa bình, nhiều đoàn cựu chiến binh Liên Xô, cựu chiến binh Nga đã quay lại thăm Việt Nam và gặp lại những người đồng đội cũ…

Triển lãm còn trở nên sống động hơn khi cùng trưng bày ở đây là một số bức tranh đoạt giải của thiếu nhi Nga, tham gia cuộc thi vẽ “Chúng em vẽ Việt Nam – Chúng em vẽ nước Nga” mà chủ đề của lần này là về cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Cuộc thi do Hội Hữu nghị Nga – Việt tổ chức vào tháng 2 năm nay và nhận được sự tham gia của trẻ em từ 44 thành phố trong toàn LB Nga và cả các nước lân cận với hơn 200 bức vẽ.

Bà Regina Budarina, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga – Việt, cũng là Trưởng ban tổ chức cuộc thi vẽ tranh đã gửi tham gia cuộc triển lãm này. Nói về ý nghĩa của cuộc thi bà cho biết: “Công lao rất lớn là của các thầy cô dạy họa ở các trường học có tác phẩm gửi dự thi.

Trước khi có cuộc thi họ biết rất ít về Việt Nam và càng biết ít hơn về cuộc chiến tranh. Nhưng tham gia cuộc thi họ đã tìm mọi thông tin qua mạng, qua ảnh và hình dung ra để vẽ những bức tranh kể về Việt Nam với cuộc chiến đấu. Và bây giờ, những em đã tham gia vẽ 200 bức tranh đã hiểu nhiều hơn về Việt Nam và cuộc chiến tranh Việt Nam. Thời gian tới chúng tôi sẽ còn tổ chức những cuộc thi với các chủ đề khác nữa”.

Triển lãm “Việt Nam Chiến đấu-Cuộc chiến tranh từ 1961-1975” tại Liên bang Nga - ảnh 4
Không gian triển lãm

Trong cuốn sổ lưu bút tại triển lãm, nhiều dòng chữ bày tỏ cảm xúc trân trọng, biết ơn của khách tham quan các lứa tuổi. Có cựu chiến binh đã viết: “Xem triển lãm thấy tự hào, vui mừng và cả đau xót bởi những mất mát, thử thách vĩ đại, nhưng thật đáng mừng vì cuối cùng là chiến thắng…”; Có những dòng viết chỉ đơn giản là “Xin cảm ơn về một triển lãm thú vị!”…

Phát biểu tại lễ khai mạc cuộc triển lãm, ông Nikolai Kolesnic, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nga từng công tác tại Việt Nam cũng đã nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc triển lãm, là cho người xem hiểu những mục đích và nhiệm vụ của nhân dân Việt Nam anh hùng trong cuộc chiến vì độc lập tự do của Tổ quốc mình; hiểu về những người lính Xô Viết đã giúp đỡ Việt Nam với tinh thần quốc tế anh em.

Để có được một cuộc triển lãm đầy ý nghĩa này, các nhà tổ chức còn nhận được sự hỗ trợ của tổ chức Xã hội “Các Sỹ quan Nga”, Chi nhánh Moscow của Hội Cựu chiến binh Toàn Nga mang tên “Anh em Chiến đấu”, Hội Hữu nghị Nga – Việt và được sự tài trợ của hãng tin “Tin tức Cựu chiến binh”. Hy vọng, trong tương lai, những cuộc triển lãm, cuộc thi vẽ tranh về Việt Nam sẽ còn được tổ chức cả ở Việt Nam.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác