Trò chuyện với tác giả máy trợ thở

Ngày 5.7 vừa qua, Nhật Hoàng Akihito đã GHÉ thăm Công ty sản xuất thiết bị y tế Metran của một người Nhật gốc Việt, ông Trần Ngọc Phúc. Ông Phúc du học Nhật năm 1968. Đến năm 1984, ông cùng vài người bạn lập Công ty Metran chuyên nghiên cứu và sản xuất thiết bị y tế. Ông đã thành công trong việc nghiên cứu và phát triển chiếc máy hô hấp nhân tạo cao tần số, một sản phẩm kỹ thuật cao được sử dụng tại 90% bệnh viện, phòng điều trị cho trẻ sơ sinh ở Nhật.


Trò chuyện với tác giả máy trợ thở - ảnh 1


Nhật hoàng Akihito (thứ ba từ trái sang) thăm Công ty Metran
của ông Trần Ngọc Phúc.

Tham quan nhà máy, Nhật Hoàng Akihito đã khen ngợi các nhân viên Công ty và cho rằng, họ đã đem lại niềm vui cho nhiều người. NCĐT đã có cơ hội phỏng vấn ông Phúc sau sự kiện này.

Ông biết chuyến viếng thăm này từ khi nào?

Được gặp Nhật Hoàng là ước mơ của người dân Nhật, huống gì tôi lại được vinh dự hướng dẫn ông tham quan nhà máy gần 1,5 tiếng. Chuyến viếng thăm này tôi được báo trước khoảng 2 tháng. Có thể nói, đó là ngày đáng nhớ nhất của Metran.

Sự kiện này có mang lại thuận lợi cho Công ty?

Sự kiện Nhật Hoàng ghé thăm Metran cũng là một minh chứng cho những gì chúng tôi đang làm. Từ năm trước, khi những sản phẩm xe hơi, điện gia dụng của Hàn Quốc, Trung Quốc phát triển mạnh, Chính phủ Nhật đã có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ cao trong lĩnh vực y khoa. Đến nay, chúng tôi được Chính phủ Nhật hỗ trợ khoảng 1 triệu USD.

Chiếc máy hô hấp nhân tạo ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa ông?

Sau khi rời Công ty Senko Ika của Nhật, tôi ra lập công ty riêng để có thể tiếp tục những nghiên cứu mình yêu thích. Anh Phạm Mạnh Kha (Việt kiều Nhật) cũng là một trong những thành viên sáng lập và hiện nay anh Kha đang phụ trách một số việc của Metran ở Việt Nam. Tôi muốn dành năng lượng còn lại của đời mình cho niềm đam mê nghiên cứu. Và nếu đã dấn thân cho khoa học, phải nghiên cứu cái gì mà người ta chưa làm. Đặc biệt, người Nhật rất coi trọng kinh nghiệm và người đi trước. Nếu ở Việt Nam có quan niệm con hơn cha là nhà có phúc thì với người Nhật, họ coi trọng yếu tố kính lão đắc thọ. Tuy nhiên, việc nhân rộng sản phẩm nhanh ra toàn cầu đã không như chúng tôi mong đợi.

Tại sao vậy, thưa ông?

Biết tôi là người duy nhất ở Nhật chế tạo máy hô hấp nhân tạo, Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ mời tôi gửi máy sang thử nghiệm cho 2.000 trẻ sinh thiếu tháng ở Bắc Mỹ. 8 hãng trên thế giới được mời tham gia, Metran nhận được giải nhất nhưng cuộc thí nghiệm năm 1984 ở Mỹ bất thành. Các bác sĩ giải thích do việc ứng dụng hơi cập rập, những bác sĩ và y tá sử dụng máy loại này chưa được đào tạo kỹ. Sự cố này khiến sản phẩm được phổ biến chậm đến 20 năm. Bởi nước Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn về khoa học. Nếu Mỹ chưa công nhận, sản phẩm sẽ khó phát triển.

Sau đó, cộng đồng bác sĩ ở Nhật đã thử nghiệm riêng và thành công. Nhật là nước rất khắt khe trong công nghệ, nên việc họ công nhận thành công của Metran và để trên 90% bệnh viện, phòng khám sử dụng chiếc máy này mấy chục năm qua đã khẳng định tính tối ưu của sản phẩm.

Có nghĩa là nghiên cứu của ông ngay từ đầu đã được công nhận ở Nhật?

Ban đầu nhiều người cũng phản đối bởi họ cho rằng, một chiếc máy hô hấp nhân tạo cao tần số là trái với quy luật nhịp thở tự nhiên (nhịp thở thường từ 15-20 lần/ phút, máy cao tần số của Metran là 900-1.500 lần/ phút). Nhưng tôi cho rằng, y học là khoa học. Và khoa học phải chấp nhận những phát minh đột phá, cứu được mạng sống con người.

Giá một chiếc máy trợ thở của Metran là bao nhiêu?

Giá bán khoảng 12.000 USD/chiếc (khoảng 240 triệu đồng), cao gấp 3 lần so với máy của Đức và Mỹ. Chúng tôi đang nghiên cứu để sản xuất ra máy giá còn khoảng phân nửa. Metran nay chỉ tập trung cho nghiên cứu, còn về thương mại, một đối tác ở Nhật đảm nhận.

Máy trợ thở của Metran đã có mặt tại Việt Nam chưa?

Việt Nam đã có sản phẩm này tại các bệnh viện, đầu tiên chúng tôi tặng Bệnh viện Nhi Hà Nội, sau đó một số bệnh viện đã đặt mua. Bộ Y tế Việt Nam cách đây 6 năm cũng đã mời tôi hợp tác sản xuất máy này với một công ty dược ở Bình Định nhưng không thành. Có thể do tôi chuyên làm nghiên cứu nên cũng chưa thích nghi với cách làm của công ty Việt.

Kế hoạch sắp tới của Metran là gì?

Hiện Công ty có 3 bộ phận nghiên cứu và sản xuất 3 dòng sản phẩm chính: dùng cho bệnh viện (các loại máy hô hấp nhân tạo), dùng tại nhà và sản phẩm dùng một lần rồi bỏ (ống thở). Hai dòng sản phẩm sau bán rất chạy. Ngoài ra, trong tương lai, tôi sẽ hợp tác với nhiều hãng trên thế giới để cùng làm từng dòng sản phẩm nhằm tăng hiệu quả nghiên cứu. Trong vài tháng tới, chúng tôi sẽ hợp tác với đối tác ở Nhật để đẩy mạnh sản phẩm dùng tại nhà. Metran vẫn là trung tâm nghiên cứu và sáng tạo, sản phẩm sẽ được sản xuất tại Việt Nam rồi xuất sang Nhật.

Ông có ý định niêm yết Công ty lên sàn để vừa phát triển vốn vừa mở rộng quy mô?

Không, tôi từng có ý định niêm yết Công ty lên sàn cách đây hơn chục năm. Nhưng cách người ta tham gia khá vô trách nhiệm, quá coi trọng lợi ích kinh tế nhất thời mà không tính chuyện phát triển lâu dài. Theo tôi, làm trong lĩnh vực y khoa, điều cần nhất là trách nhiệm với xã hội, con người.

Ông có thể chia sẻ một ước mơ nho nhỏ của mình?

Tôi mong có cơ hội trực tiếp được giúp đỡ những đứa trẻ sinh thiếu tháng tại các vùng sâu vùng xa ở Việt Nam tốt hơn.

Theo NCĐT

Phản hồi

Các tin/bài khác