(VOV5) - Cứ cần mẫn lên lớp vào mỗi cuối tuần, các cô giáo của Trung tâm đã giữ cho các em ngôn ngữ quê hương – hồn Việt nơi xa xứ.
Từ một cơ sở nuôi dạy trẻ mầm non, trung tâm mầm non Thần đồng Á Âu tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Matxcơva đã trở thành đơn vị đầu tiên và duy nhất ở thời điểm này dạy tiếng Việt cho các em nhỏ gốc Việt ở Thủ đô của xứ sở bạch dương. Ban đầu là dạy miễn phí, đến nay các phụ huynh đưa con đến đây chỉ phải trả một chút chi phí vận chuyển giáo trình, học liệu từ Việt Nam sang. Cứ cần mẫn lên lớp vào mỗi cuối tuần, các cô giáo của Trung tâm đã giữ cho các em ngôn ngữ quê hương – hồn Việt nơi xa xứ.
Cô hiệu trưởng Lã Hương Mơ và các em nhỏ của Trung tâm thần đồng Á Âuu
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong một phòng học nhỏ của trung tâm mầm non Thần đồng Á Âu, cô giáo Nguyễn Thúy Nga và các học trò đang vui vẻ học đánh vần. Bé Trương Đại An, 6 tuổi, đã học ở đây từ năm 2 tuổi, bố mẹ bận rộn làm ăn nên việc chăm sóc, học hành trông cậy ở các cô giáo. Đại An khôi ngô, thông minh, nhanh nhẹn, nói tiếng Việt rất tốt, hiện bé đã thuộc cả bảng chữ cái tiếng Việt và tiếng Nga nên có thể đánh vần được cả 2 ngôn ngữ. Sắp tới, Đại An sẽ vào trường của Nga để học như những đứa trẻ bản xứ khác.
Cô Thúy Nga dạy các em nhỏ đánh vần tiếng Việt
|
Trung tâm mầm non Thần đồng Á Âu nằm ở tầng 6 của tòa nhà thuộc Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Matxcơva, một góc Việt Nam thu nhỏ giữa thủ đô của Liên bang Nga. Cô giáo Lã Hương Mơ, Giám đốc Trung tâm cho biết: "Trung tâm chúng tôi đã hoạt động được 5 năm. Khi Tổ hợp đa chức năng Hà Nội Matxcơva ra đời, tôi thấy các em nhỏ ở đây không biết tiếng Việt, nên tôi đã thành lập trung tâm để dạy cho các em để có thể nói được song song hai ngôn ngữ. Các em rất dễ thương và gần gũi, vì vậy nên tôi muốn các em phải biết được tiếng Việt để sau này khi đã lĩnh hội được những kiến thức tốt nhất rồi sẽ mang về cống hiến cho VN".
Góc học tập xinh xắn trong Trung tâm
|
Trung tâm mầm non Thần đồng Á Âu nhận dạy các bé từ 12 tháng tuổi đến 6-7 tuổi. Các em được chia làm 3 nhóm lớp gồm 1-3 tuổi, 4-5 tuổi và 5-6 tuổi. Thời gian biểu được phân bố từ thứ 2 đến thứ 6 dạy học tiếng Nga, còn thứ 7, chủ nhật dạy học tiếng Việt. Ngoài học chữ, các em được học kỹ năng sống, học nhạc, học vẽ, vui chơi… Chị Hồng Nga, có con trai là bé Trung Anh 4 tuổi đang học tại Trung tâm, chia sẻ: "Bố mẹ là người Việt, thì khi con sinh ra ở đâu cũng vẫn là người Việt nên phải biết tiếng Việt. Ở đây có lớp tiếng Việt mở ra vào cuối tuần, chúng tôi rất mừng vì chỉ có đưa con đi học thì các con mới biết đọc biết viết Tiếng Việt. Nếu chỉ ở nhà với bố mẹ thì chỉ nghe nói được thôi chứ không thể biết đọc, biết viết được".
Thế nhưng trong thực tế không phải phụ huynh nào cũng có những suy nghĩ như chị Hồng Nga. Cô giáo Nguyễn Thúy Nga cho biết: "Để có học sinh, chúng tôi đã phải đi vận động phụ huynh người Việt đưa con đến trường. Nhiều phụ huynh gửi con ở đây lại suy nghĩ rằng phải học tiếng Nga trước rồi học tiếng Việt sau. Khi ấy chúng tôi phải tư vấn để họ hiểu được rằng cần học tiếng Việt trước, phải nắm vững tiếng Việt thì sau này học sang ngoại ngữ khác sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó khi công việc của họ ổn định thì con cái mới ở đây lâu dài được, còn mà gặp khó khăn thì chỉ mấy tháng thôi lại đưa nhau về quê. Dù thế nào đi nữa thì các cháu cũng cần học tiếng Việt để nếu có về thì cũng đỡ bỡ ngỡ khi hòa nhập ở VN".
Các em nhỏ vui hát múa trong trang phục áo cờ đỏ sao vàng
|
Cô Nga là một giáo viên có thâm niên và trình độ Sư phạm tốt nhất ở Trung tâm này. Từng tốt nghiệp Sư phạm ở Việt Nam từ năm 1982 và dạy ở mầm non ở trường 10/10 (Hà Nội), đến năm 1988, cô Nga sang đây định cư, cũng phải làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh nhưng nghề dạy học vẫn là công việc cô yêu thích, gắn bó. Khi Trung tâm mầm non thần đồng Á – Âu mở ra, cô Nga đã xin về đây làm việc. Ngày ngày được chăm sóc, dạy dỗ những học sinh ngây thơ, hồn nhiên, cô lấy đó là niềm hạnh phúc nên dù năm nay đã gần 60 tuổi, cô vẫn rất hăng say với nghề… Cô tâm sự: "Tôi muốn dạy cho các cháu để các cháu biết rõ về tiếng Việt, 5 dấu, các nguyên âm phụ âm, ghép vần… Các cháu ở đây đều được học song ngữ, để khi các cháu về VN hay ở đây thì đều biết được cả tiếng Nga và tiếng Việt. Lúc đầu cũng phải đi vận động phụ huynh vì họ chưa hiểu và chưa tin tưởng. Khi ấy chúng tôi phải tư vấn, kiên trì và thể hiện bằng việc làm. Cho tới bây giờ chúng tôi vẫn dạy tiếng Việt miễn phí, các phụ huynh chỉ đóng góp về sách vở thôi".
Những giờ học vui vẻ ở Trung tâm
|
Theo Giám đốc trung tâm Lã Hương Mơ, để có những giáo viên có trình độ Sư phạm và khả năng dạy tiếng Việt tốt như cô Nga không dễ bởi rất ít người Việt ở Nga có khả năng dạy tiếng Việt hay được đào tạo chuyên nghiệp về Sư phạm. Trung tâm vẫn đang cần có thêm nhiều giáo viên như cô Nga. Dù quy mô trường không lớn, sĩ số chưa đến 30 cháu nhưng đây hiện vẫn là một trung tâm dạy học tiếng Việt lớn nhất ở thủ đô Matxcơva.
Ngoài gần 30 em học cố định hàng ngày, cuối tuần, Trung tâm còn đón thêm hàng chục học sinh người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 đến học tiếng Việt. Cô Mơ mong muốn khi có nền tảng là tiếng nói, chữ viết của cha ông, các em sẽ có hành trang tốt đẹp hơn trong tương lai.
Và những giờ ngoại khóa trong ánh nắng rực rỡ
|
"Dạy học miễn phí nên chúng tôi phải có nguồn tài trợ thì mới duy trì được. Rất may là chúng tôi được lãnh đạo Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Matxcơva (Incentra) đã luôn ủng hộ. Có nhiều cháu sinh ra ở Nga nhưng khi nói, đọc, viết được tiếng Việt, các cháu sẽ thích và muốn trở về Việt Nam.
Các bạn nhỏ trong lễ tốt nghiệp mầm non
|
Tôi ước ao những cháu bé người Việt sau này lớn lên, tiếp thu được những kiến thức tốt đẹp ở bên này cũng sẽ trở về Việt Nam sinh sống và làm việc, đem trí tuệ cống hiến cho đất nước như vậy. Khi thành thạo nói - viết tiếng Việt, hiểu về văn hóa và đất nước Việt Nam thì trở về các cháu sẽ không bỡ ngỡ, có thể hòa nhập nhanh vào xã hội Việt Nam…" - cô Hương Mơ nói.
Cách đây mấy ngày, cô Mơ, cô Nga đã lưu luyến chia tay các học sinh thân yêu để các em vào lớp 1. Dù không gặp các cô giáo hàng ngày nữa, nhưng nhiều bé cũng vẫn quay trở lại ngôi nhà thân thương vào mỗi dịp cuối tuần để được các cô dạy đọc, dạy viết tiếng Việt, dạy những bài học làm người theo truyền thống của người Việt Nam. Các con sẽ luôn nhớ lời dặn của cô: “Niềm vui của cô hôm nay là các con khôn lớn, trưởng thành hơn, ngoan ngoãn lễ phép và sống có ý thức. Mong sao rời ghế mầm non, các con đã có được đầy ắp kiến thức mang theo vào cấp I để trở thành những trò giỏi, khẳng định tài trí của người Việt nơi đất khách”.