TS Nguyễn Đức Khương: "Ở đâu cũng phải cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc mình"

(VOV5)- Theo TS. Nguyễn Đức Khương: "Ở đâu không quan trọng, miễn sao cống hiến được nhiều cho Tổ quốc mình. Với thời điểm hiện nay, mặc dù sống ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, các nhà trí thức, ở một thời điểm nhất định nào đó, vẫn có thể về Việt Nam công tác, cống hiến”.
 
TS Nguyễn Đức Khương:
TS. Nguyễn Đức Khương thứ 2 (từ trái sang)
 
Sinh ra và lớn lên tại Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, sang Pháp học cao học và hoàn thành luận án tiến sỹ ngành Quản trị Tài chính ở tuổi 27 tại ĐH Grenoble, từng giảng dạy tại trường Quản trị kinh doanh Lyon, Viện Quản trị doanh nghiệp Grenoble, giảng viên chính thức tại Học viện Thương mại Paris, PGS.TS Nguyễn Đức Khương hiện làm việc tại Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School) và tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại ĐH Paris 1 Panthéon-Sorbonne. Là Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE), hàng năm, anh thường về giảng dạy tại trường Đại học Thương mại Hà Nội trong khuôn khổ các chương trình đào tạo Thạc sỹ Tài chính và kiểm soát với trường ĐH Lyon, đồng thời phát triển hợp tác nghiên cứu một số trường ĐH khác tại Việt Nam.
 
Cảm giác đầu tiên của tôi khi gặp Khương là sự gần gũi, dễ mến, khiêm tốn và cởi mở. Nụ cười luôn nở trên môi Khương. Nghe Khương kể về những gì mà Hội Khoa học và Chuyên gia đã đạt được và những dự định của họ, tôi không giấu nổi sự ngưỡng mộ trước tâm huyết và nguyện vọng cống hiến sức mình cho quê hương Việt Nam của nhà trí thức trẻ này. Khương đã từng là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp. Ra trường và đi làm, nhận thấy có nhiều trí thức Việt tại Pháp rất giỏi nhưng hoạt động đơn lẻ, Khương và một số bạn bè nhận định: Để tận dụng khả năng của các trí thức một cách cụ thể và hiệu quả, cần phải có một cầu nối giữa họ với nhau và thế là Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp được chính thức thành lập vào ngày 20-05-2011. Hội dần dần thu hút được sự quan tâm không những của các trí thức Việt mà còn cả các trí thức Pháp có thiện chí với sự phát triển khoa học - kỹ thuật của Việt Nam. Hội được thành lập với các mục tiêu thiết thực: Tập hợp và đoàn kết cộng đồng trí thức Việt tại Pháp; Tạo không gian giao lưu, trao đổi kinh nghiệm theo thể thức hội thảo bàn tròn; Tạo cầu nối giữa trí thức tại Pháp và trí thức tại Việt Nam. Thành viên của Hội gồm các tiến sỹ khoa học, kỹ sư đã qua đào tạo và hiện tại đang tác nghiệp trong các trường đại học, các học viện, hoặc các tập đoàn công nghiệp lớn tại Pháp như Areva (điện nguyên tử), EDF (điện lực Pháp), Bouygues Télécom… Hội không hướng đến kết nạp nhiều thành viên mà lựa chọn phát triển theo hướng xây dựng mạng lưới cộng tác viên để tham gia thực hiện các dự án tại Pháp hoặc hợp tác với các đối tác ở Việt Nam.
 
Khương giải thích cụ thể: "Hội Khoa học và Chuyên gia thường được mời đánh giá và cho ý kiến về các dự án lớn. Mới đây, Hội đã được mời đánh giá về dự thảo Luật Thủ đô”. Hội cũng tổ chức các khóa học ngắn hạn cho các đoàn chuyên gia cao cấp thuộc các bộ, ngành của Việt Nam. Gần đây nhất, Hội đã thiết kế và tổ chức một chương trình đào tạo về quy hoạch đô thị và công trình ngầm cho đoàn cán bộ cao cấp của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị trực thuộc Bộ Xây dựng. Khóa đào tạo diễn ra tại Paris.
 
Khương hồ hởi nói thêm rằng các bạn cũng vừa thành lập Hội Tài chính người Việt trên thế giới. Hội này gồm những nhà nghiên cứu gốc Việt, chuyên về tài chính trên toàn thế giới, Hội mang tính chất học thuật nhiều hơn, và có mạng lưới ở nhiều nước như Úc, Anh, Ý, Pháp, Việt Nam…
 
Thể hiện một cái nhìn cụ thể, khách quan về tình trạng giảng dạy đại học và sinh viên tại Việt Nam hiện nay, Khương cho rằng có nhiều phát triển về phương pháp giảng dạy và nội dung kiến thức, sinh viên phần đông đã có tính tự lập, tự học.  "Nhưng…, vẫn tồn tại sự chênh lệch khá lớn trong đào tạo giữa Việt Nam và thế giới. Điều này thể hiện rõ trong hàm lượng kiến thức giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và kinh tế. Chắc phải cần một khoảng thời gian dài nữa để chúng ta mới bắt kịp được các bạn sinh viên nước ngoài”.
 
Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương cũng gửi đôi lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ khi đứng trước sự lựa chọn trường đại học hay ngành nghề sau này của mình : "Hãy tùy theo khả năng và sở thích. Nhất là đừng chạy theo mốt.  Ngoài ra nên tham khảo sâu về lĩnh vực đó. Khi tốt nghiệp, nếu nhất thời chưa tìm được công việc theo đúng sở nguyện, các bạn nên kiên trì. Với thiện chí cầu tiến và phát triển của Việt Nam hiện nay, thì nhu cầu trong mọi lĩnh vực sẽ tăng nhanh, và các bạn sẽ có nhiều cơ hội để áp dụng kiến thức đã được đào tạo vào cuộc sống thực hành. Sống quan trọng là được làm những gì mình tâm huyết và say mê”.
 
Khi đề cập đến câu hỏi vốn đã tồn tại từ lâu nhưng vẫn thuộc diện "nhạy cảm” : Các nhà trí thức, khoa học, tiến sỹ Việt, sau khi đã được đào tạo bài bản tại các nước phát triển trên thế giới thì nên về Việt Nam trực tiếp đóng góp cho đất nước hay ở lại "xây nhà hàng xóm” thì giọng Khương trầm xuống: "Đã là một nhà trí thức và khoa học chân chính, thì ai cũng muốn phục vụ và đóng góp sức mình cho đất nước, nhưng nên có một sự lựa chọn thông minh”. Anh cho rằng sẽ chẳng có câu trả lời nào làm vừa lòng tất cả mọi người. Về hay ở, điều đó phụ thuộc vào mỗi cá nhân. Có người về Việt Nam thì có thể phát triển tốt nghiệp vụ của mình, một số khác thì không thể. Nghe Khương nói, tôi chợt nghĩ đến công việc anh đang làm với Hội Khoa học và Chuyên gia. "Ví như trường hợp anh Ngô Bảo Châu, Khương nói tiếp, nếu sau khi tốt nghiệp tiến sỹ, anh Châu về nước thì chúng ta và bạn bè thế giới có thể sẽ không biết đến một nhà toán học lừng danh người Việt. Chiếc cầu nối là quan trọng. Tôi nghĩ, khi đất nước yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi để các trí thức đóng góp sức mình để cho những hiệu quả thiết thực và cụ thể thì họ sẽ về thôi”.
 
Hiệu Constan (Đại đoàn kết)

Phản hồi

Các tin/bài khác