(VOV5) - Chuyến trao quà vào giữa tháng 11 vừa qua đối với các thành viên trong đoàn của Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc là hành trình đọng nhiều xúc cảm với những trải nghiệm khó quên.
Nghe tin đợt lũ hồi tháng 10 gây hậu quả nghiêm trọng cho đồng bào miền Trung, Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc phát động ngay cuộc vận động quyên góp và được cộng đồng học sinh, sinh viên Việt Nam tại đây hưởng ứng nhiệt tình.
|
Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc đến miền Trung để trao quà cho các hộ bị ảnh hưởng của lũ lụt |
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Địa điểm mà Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc trao quà cứu trợ là nơi xa xôi nhất của xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nơi đó có bà con dân tộc Rục, tộc người cuối cùng trong 54 dân tộc Việt Nam được phát hiện ở trong hang động. Để vào được bản Mò O Ồ Ồ của xã Thượng Hóa, cả đoàn phải đi qua một khe núi hẹp, rồi men xuống dốc dựng đứng để xuống một thung lũng nhỏ nằm sâu trong hẻm núi. Anh Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết khi đoàn đến, đồng bào đã trở lại cuộc sống bình thường nhưng dấu vết của trận lũ lịch sử để lại thì vẫn còn hiện hữu qua những ánh mắt mệt mỏi, những căn lán xập xệ, xơ xác, qua những cành cây nhuốm màu của đất. Chị Nguyễn Phạm Anh Thi là một thành viên trong đoàn áo xanh tình nguyện. Đến với đồng bào miền Trung, cô nhận thấy một tình cảnh hoàn toàn trái ngược: “Người dân miền Tây Nam Bộ quê tôi chỉ mong lũ về để bồi đắp phù sa cho mùa màng sau, thì ở khúc ruột miền Trung này, lũ rút đi đồng nghĩa với mùa màng mất trắng, đồ đạc cũng trôi hết theo dòng lũ dữ”.
Cán bộ biên phòng cho biết, trước khi đoàn đến một tuần, để vào được bản phải đi bằng thuyền, có đoạn ngập sâu 20m, ngập cả những cột điện bên đường.
|
Nguyễn Trung Kiên nói chuyện với người dân tại Bản Mò O Ồ Ồ.
|
Trở về sau chuyến đi được một thời gian nhưng anh Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, vẫn còn cảm giác xót xa khi tận mắt chứng kiến cuộc sống của bà con người Rục: “Trong nhà của đồng bào Rục, chỉ có vài bộ quần áo rất cũ và rách, một vài cái nồi, xoong đã quá cũ, bát đĩa thì hầu như cái nào cũng bị mẻ. Trên gác bếp hầu như không có gì, chỉ có một ít gạo do các đoàn cứu trợ trước mang đến, một chút muối đã chảy nước. Khi tôi đến, tôi chứng kiến cảnh đồng bào nấu cơm chuẩn bị cho bữa chiều. Bữa cơm đó chỉ có một chút gạo cứu trợ, một ít ngô, ngoài ra không có gì khác nữa. Sau khi cơn lũ đi qua, hầu như bà con không còn gì cả”.
Đoàn công tác của Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc đã nhanh chóng trao 140 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, là tiền quyên góp của các sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc và 30 suất quà của ban nhạc Giai điệu Việt ở Hàn Quốc, cho từng hộ gia đình bị ảnh hưởng sau lũ. Anh Phạm Hải Chiến, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết 170 suất quà này đã được đoàn trao cho 170 hộ gia đình nghèo ở các điểm khó khăn là bản Mò O Ồ Ồ, bản Phú Minh, thôn Hát, thôn Quyền, thôn Tiến Hóa và thôn Khai Hóa thuộc xã Thượng Hóa: “Số tiền này tuy là nhỏ nhưng đó là tấm lòng của cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt. Chúng tôi nghĩ rằng khi đất nước có khó khăn, cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc nói riêng và cộng đồng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài nói chung luôn luôn hướng về Tổ quốc thân yêu bằng tất cả tấm lòng”.
Trong chuyến đi, nhận thấy, vẫn còn đó nhiều cảnh nghèo khó nơi vùng biên xa xôi giữa đại ngàn Trường Sơn, những sứ giả của cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc đã bỏ tiền túi cá nhân, tặng thêm 7 phần quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, cho những hoàn cảnh khó khăn mà họ đã gặp, như lời anh Nguyễn Trung Kiên: “Chúng tôi đã chứng kiến những hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Đó là chuyện một bé gái phải quán xuyến mọi việc trong gia đình, chăm sóc 4 đứa em nhỏ để bố mẹ đi làm nương xa tận biên giới Việt - Lào 1 tuần đến 10 ngày mới trở về gia đình. Hoàn cảnh thứ hai là một chị ở gần đồn biên phòng Cà Xẻng. Chị có chồng bị tai nạn bị hở xương đùi còn chị thì bị xơ gan, không đủ sức khỏe để lao động. Chị còn phải chăm sóc mẹ già yếu 80 tuổi và hai con nhỏ nheo nhóc. Khi nhận món quà bất ngờ như vậy, chị rất xúc động và chị đã có những giọt nước mắt, vừa mừng, vừa thể hiện sự cảm ơn đối với chúng tôi”.
20 năm trước, bộ đội biên phòng Cà Xèng đã vận động và di dời bà con dân tộc Rục từ những hang đá trong rừng sâu ra bản Mò O Ồ Ồ. Nhà nước đã xây nhà, trợ cấp gạo, các chiến sĩ biên phòng dạy con chữ, cách trồng lúa, nuôi gà, trồng rau, ấy vậy nhưng thỉnh thoảng vẫn có người bỏ bản, trở vào hang sâu. Trao quà tận tay cho đồng bào nghèo nơi đây, anh Phạm Hải Chiến động viên bà con sử dụng đồng tiền vào việc mua giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất.
Đêm xuống nơi núi rừng xa xôi và câu chuyện của đồng bào Rục vẫn còn mãi. Những áo xanh tình nguyện của Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc mong về một bình minh sẽ hé mở đem theo vệt nắng ấm áp đến với tộc ít người nơi miền Tây xa ngút của tỉnh Quảng Bình.