“Muôn địa phương cũng chỉ là ga tạm, nhưng một quê hương nhớ mãi để quay về”, một Việt kiều bày tỏ tình cảm hướng về đất nước.
Một làn sóng căm phẫn đang dâng trào trong cộng đồng người Việt tại Mỹ trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu và tàu hộ vệ vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhiều cuộc biểu tình của người Việt đã nổ ra trên khắp nước Mỹ để phản đối hành động của Trung Quốc.
|
Người Việt biểu tình chống Trung Quốc tại Eden
|
Tối 11/5 (theo giờ địa phương), một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại trung tâm Eden, khu thương mại lớn nhất của cộng đồng người Việt tại Washington DC và các vùng phụ cận. Hàng trăm Việt kiều giương cao biểu ngữ, hô vang khẩu hiệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, yêu cầu nhà cầm quyền Bắc Kinh lập tức rút giàn khoan khỏi Biển Đông.
Trước đó cộng đồng người Việt tại California đã tổ chức tuần hành và biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Los Angeles. Nhiều cuộc biểu tình lớn khác dự kiến sẽ diễn ra tại thủ đô Washington DC và nhiều địa phương khác trong tuần này.
Ông Trịnh Hùng, một doanh nhân cho biết: "Cộng đồng Việt Nam chúng tôi hôm nay đã tổ chức biểu tình để phản đối Trung Quốc về Trường Sa-Hoàng Sa. Mọi người đã biểu lộ tình cảm dân tộc của mình, phản ứng trước việc làm sai trái của Trung Quốc".
Cộng đồng Việt Nam khắp nước Mỹ đang sục sôi trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Hơn lúc nào hết, người Việt trên toàn thế giới đang đoàn kết để cùng nhau tạo nên sức mạnh toàn dân tộc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng |
Anh Kỳ Anh, cư dân bang Maryland nói: "Người Việt Nam ở đây, từ người già cho tới thanh thiếu niên đều quan tâm. Hành động như thế này là hết sức quá đáng, quá sức tưởng tượng. Bằng mọi hành động, tất nhiên mình không muốn chiến tranh xảy ra, đổ máu trên đất nước của mình, nhưng mà tới lúc đụng chuyện, khi mà đã đến lúc căng thẳng quá thì cũng phải hành động chứ không thể để kéo dài được nữa. Tinh thần đoàn kết lúc này là rất quan trọng. Dù mình có ở xa bao lâu, ở trên đất nước nào cũng vậy, có một câu rất ngắn gọn, thực sự thì muôn địa phương cũng chỉ là ga tạm, nhưng một quê hương nhớ mãi để quay về. Đụng chuyện là sẵn sàng quay về chứ không có vấn đề gì phải suy nghĩ cả".
Ông David Hồ - Chủ tịch Chi hội doanh nhân Việt kiều tại Mỹ nói: "Đó là lãnh thổ của Việt Nam mà họ lại ngang nhiên kéo một giàn khoan vào, phớt lờ luật pháp thế giới. Hành động như vậy là hết sức ngang nhiên, tôi rất phẫn uất với chuyện này. Tôi hy vọng tất cả người Việt đoàn kết với bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta. Đoàn kết lúc này rất quan trọng vì đây là một tiếng nói chung, khi có tiếng nói chung vững mạnh hơn thì tiếng nói này sẽ có rất nhiều ý nghĩa".
Anh Trần Liêm, kỹ sư công nghệ thông tin nói: "Tôi thấy Trung Quốc quá đáng, ỷ thế mạnh để chèn ép Việt Nam. Chúng ta cần phải đoàn kết để giữ lại những gì mình đã có. Lúc này, nếu có thể làm được gì được cho Tổ quốc, để bảo vệ đất nước Việt Nam thì tôi sẽ làm hết sức trong khả năng của mình. Thứ nhất, chúng ta cố gắng giữ được hòa bình, nhưng nếu không thể được thì chúng ta buộc phải làm tất cả những gì có thể".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư chính sách ngoại giao Mỹ, trường Đại học George Maison bày tỏ: "Trung Quốc đã có kế hoạch, có chiến lược lâu dài nhằm tìm cách độc chiếm Biển Đông từ lâu rồi. Họ đi từng bước một và đây là một bước tiến tiếp theo trong tiến trình này. Họ muốn thử Việt Nam xem có thể làm được gì không và bây giờ đang bị các nước phản đối nhiều. Thực sự đây là một hành động có thể gọi là trắng trợn, xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc nói là gác tranh chấp cùng nhau khai thác, giải quyết bằng phương pháp hòa bình nhưng lại làm tất cả mọi chuyện ngược lại. Việt Nam hiện có những diễn đàn quốc tế rất quan trọng. Thứ nhất là diễn đàn giữa Việt Nam, Mỹ và các nước châu Á-Thái Bình Dương, thứ 2 là hội nghị thượng đỉnh ASEAN, thứ 3 là diễn đàn Liên Hợp Quốc, và thứ tư là toà án quốc tế."./.
Nhật Quỳnh-Huy Hoàng/VOV-Washington