(VOV5) - Năm 2022, Việt Nam đã đóng góp vào Quỹ nhân đạo khẩn cấp của LHQ để hỗ trợ những người gặp khó khăn.
Khóa họp Hội đồng kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) về các hoạt động hỗ trợ nhân đạo năm 2023 diễn ra từ ngày 21-23/6/2023 tại trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva, với các phiên thảo luận về giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và nguy cơ xảy ra nạn đói trên thế giới.
Đại diện cho Việt Nam tham dự Khóa họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã có phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề cấp cao và phiên thảo luận chung ngày 21/6/2023 của Khóa họp.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai |
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định, Việt Nam ghi nhận tầm quan trọng của hoạt động hỗ trợ nhân đạo và ủng hộ vai trò của các cơ quan liên quan của LHQ trong việc huy động và cung cấp hỗ trợ nhân đạo trong các tình huống xung đột, thiên tai và các tình huống khẩn cấp khác, ứng phó hiệu quả với tình trạng mất an ninh lương thực; đồng thời chia sẻ mối quan tâm và cam kết tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu đang đe dọa trực tiếp cuộc sống của hàng trăm triệu người trên thế giới, nhất là ở các nước kém phát triển và các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột, thiên tai, dịch bệnh, hoặc biến đổi khí hậu.
Đại sứ cũng cho biết, trong khả năng của mình, Việt Nam đã đóng góp tài chính cho Cơ chế COVAX (tiếp cận toàn cầu với vắc-xin Covid-19) và đoàn kết cùng cộng đồng quốc tế đẩy lùi đại dịch COVID-19. Năm 2022, Việt Nam đã đóng góp vào Quỹ nhân đạo khẩn cấp của LHQ để hỗ trợ những người gặp khó khăn.
Để giải quyết thách thức toàn cầu về mất an ninh lương thực và nguy cơ xảy ra nạn đói, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nêu rõ, cần thúc đẩy hợp tác đa phương và đoàn kết quốc tế để tìm ra giải pháp toàn cầu và toàn diện. Trong thời gian trước mắt, cần hỗ trợ các quốc gia đang bị khủng hoảng lương thực đe dọa, khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu và kiểm soát áp lực tăng giá nông sản để phục hồi sau đại dịch COVID-19. Về dài hạn, các quốc gia thành viên LHQ cần hướng tới mục tiêu bao trùm là xây dựng hệ thống lương thực toàn diện và bền vững, đồng thời đầu tư phát triển nông nghiệp có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu để tăng sản lượng thu hoạch, gắn với giải quyết mối liên hệ giữa hòa bình và phát triển.
Đồng thời Đại sứ cũng nhấn mạnh, hòa bình và ổn định là điều kiện tiên quyết cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo; chỉ có thể tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo một cách an toàn và không bị cản trở cho những người gặp khó khăn trong một môi trường hòa bình và ổn định; đồng thời các hoạt động cứu trợ nhân đạo phải dựa trên các nguyên tắc trung lập, công bằng, độc lập, tôn trọng Hiến chương LHQ và luật nhân đạo quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể của mỗi quốc gia.
Về phần Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai chia sẻ về chính sách lấy con người làm trung tâm và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đóng góp vào an ninh lương thực thế giới, đồng thời Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xử lý mối liên hệ giữa sản xuất lương thực, năng lượng, nguồn nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và xây dựng nông thôn mới, phục hồi sau đại dịch COVID-19 và phát triển bao trùm. Bên cạnh đó, Đại sứ cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng tham gia các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm bảo đảm an ninh lương thực thế giới, giải
quyết những thách thức cấp bách về mất an ninh lương thực đang gia tăng, cũng như chia sẻ kinh nghiệm với các nước về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Khóa họp của ECOSOC năm nay tập trung thảo luận về chủ đề “Tăng cường các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại thời điểm nhu cầu về cứu trợ nhân đạo toàn cầu chưa từng có tiền lệ: định hướng quá trình chuyển đổi và các giải pháp nhằm giải quyết các thách thức cấp bách đặt ra từ tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng và nguy cơ xảy ra nạn đói, bảo hộ và biến đối khí hậu”.
Tại Khóa họp ECOSOC này, đại diện các nước, các tổ chức quốc tế và các diễn giả của các phiên thảo luận chuyên đề đã trao đổi các thách thức về nhân đạo mà thế giới đang phải đối mặt, trong đó nổi lên là nguy cơ xảy ra nạn đói, mất an ninh lương thực toàn cầu, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng lớn...; những tác động của những thách thức đó đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người trên thế giới, nhất là ở các nước kém phát triển và các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, trong đó phụ nữ và trẻ em là những đối tượng chịu tác động nhiều nhất.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung trao đổi về những bài học, cơ hội và định hướng cho tương lai, trong đó nhấn mạnh trọng tâm cần tăng cường các quan hệ đối tác và phối hợp ở cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương nhằm giải quyết các thách thức nêu trên. Ngoài ra, đại diện các nước tham dự Khóa họp cũng chia sẻ cam kết, đóng góp cũng như kinh nghiệm của mình trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
Từ năm 1998, Khóa họp ECOSOC về hoạt động hỗ trợ nhân đạo là một diễn đàn thảo luận quan trọng về tăng cường đầu tư, điều phối các hoạt động hỗ trợ nhân đạo của LHQ. Khóa họp là dịp quan trọng để các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế chuyên môn thuộc LHQ, đối tác và nhà tài trợ cũng như các cộng đồng đang cần được trợ giúp cùng trao đổi, xác định các thách thức, nhu cầu hỗ trợ nhân đạo mới phát sinh và khẩn cấp, thảo luận các phương hướng giải quyết, chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.