Đoàn Thể thao Việt Nam vượt mốc 100 huy chương Vàng
Đoàn thể thao Việt Nam tiếp tục thi đấu thành công trong ngày 17/05 khi giành được thêm 16 tấm huy chương Vàng, qua đó vượt mốc 100 huy chương Vàng tại SEA Games 31. Các huy chương Vàng của Việt Nam trong ngày đến từ các môn Bắn súng, Canoeing, Cờ vua, Vật, Điền kinh, Taekwondo và bơi, Thể thao điện tử.
Cặp vợ chồng kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Phạm Lê Thảo Nguyên. Ảnh: laodong.vn |
Ngày thi đấu 17/5,chứng kiến sự thăng hoa của điền kinh và môn vật. Các đô vật Việt Nam đã thống trị tuyệt đối môn thể thao thế mạnh này. Trong ngày ra quân, đội vật chủ nhà tham dự 6 nội dung chung kết thì giành cả 6 huy chương vàng. Ở môn điền kinh, vận động viên Nguyễn Văn Lai, năm nay đã 36 tuổi, giành huy chương vàng thứ hai ở nội dung 10.000m nam. Trước đó 3 ngày, vận động viên này cũng giành huy chương vàng nội dung chạy 5.000 mét nam.
Ấn tượng nhất của ngày 17/5, chính là 2 tấm huy chương vàng của cặp vợ chồng kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Phạm Lê Thảo Nguyên ở nội dung cờ vua. Đây là cặp vợ chồng đầu tiên của thể thao Việt Nam giành huy chương vàng cùng một thời điểm ở một kỳ SEA Games. Cả hai vợ chồng đều giành chiến thắng thuyết phục ở 2 trận chung kết nội dung cờ nhanh đơn nam và đơn nữ cùng diễn ra vào trưa 17/5.
Môn bơi cũng giành một huy chương vàng đáng nhớ trong buổi tối 17/5. Đội bơi nam Kim Sơn - Huy Hoàng - Quý Phước - Hưng Nguyên đã phá kỷ lục SEA Games ở nội dung bơi tiếp sức 4x200 mét tự do nam với thành tích 7’16’’31 (kỷ lục cũ là 7’17’’88).
Như vậy, tính đến hết ngày 17/05, đoàn thể thao Việt Nam vẫn duy trì vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương với 107 huy chương Vàng. Đứng ở vị trí thứ 2 là Thái Lan với 43 huy chương Vàng. Vị trí thứ 3 thuộc về Philippines với 34 huy chương Vàng.
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Campuchia Hun Yuthkun ấn tượng với công tác tổ chức SEA Games 31 của Việt Nam
Nhân đoàn Thông tấn xã Campuchia (AKP) sang thăm, làm việc tại Việt Nam, đúng dịp Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), ông Hun Yuthkun, Phó Tổng giám đốc AKP, chia sẻ: Đây là lần thứ 3 ông đến Việt Nam. Ấn tượng với ông là một Hà Nội phát triển mạnh mẽ với nhiều tòa nhà cao tầng và những hàng cây hai bên đường, phố xá được trang trí đèn, hoa và băng rôn tuyên truyền SEA Games 31; đông đảo người dân Việt Nam phấn khởi tham gia cổ vũ.
Phó Tổng Giám đốc thông tấn xã Campuchia (AKP) Hun Yuthkun. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Ông Hun Yuthkun cũng rất ấn tượng với công tác tổ chức giải đấu theo khu vực. Các địa điểm tổ chức các môn thi đấu trên địa bàn thành phố và một số địa phương được tổ chức tốt, từ nhà thi đấu, nơi làm việc dành cho ban tổ chức, nhà báo…, đến nơi lưu trú của các vận động viên; cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của nước chủ nhà cho cổ động viên các nước đến xem thi đấu, cổ vũ. Phó Tổng giám đốc AKP Hun Yuthkun nhấn mạnh: Qua chuyến thăm và học tập kinh nghiệm tại Việt Nam lần này, ông đã tích lũy thêm được nhiều vốn kiến thức và kinh nghiệm để vận dụng trong công tác tổ chức thông tin, hình ảnh về sự kiện SEA Games 32 do Campuchia đăng cai tổ chức trong năm 2023.
Báo Philippines ấn tượng khi cổ động viên Việt Nam chào đón cơ thủ nổi tiếng Efren Reyes
Efren Reyes, cơ thủ 68 tuổi người Philippines, đã tạo ra sức hút cực lớn khi ông tham dự SEA Games 31. Báo Philippines đã bày tỏ ấn tượng trước hình ảnh cơ thủ nổi tiếng này nhận được sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo cổ động viên (CĐV) Việt Nam.
Tay cơ huyền thoại Philippines Efren Reyes. Ảnh: TTXVN |
Tờ Spin của Philippines giật tít: “Efren 'Bata' Reyes được chào đón giống như ngôi sao nhạc rock ở Việt Nam”. Tờ báo nhấn mạnh đông đảo cổ động viên Việt Nam ngồi chật cứng tại nhà thi đấu để xem Efren Reyes thi đấu. Sau trận đấu, rất nhiều cổ động viên Việt Nam đã vây quanh cơ thủ nổi tiếng này để xin chụp ảnh, xin chữ ký. Thậm chí các đối thủ và cả trọng tài cũng vui mừng khi chụp ảnh chung với Efren Reyes.
Trả lời phỏng vấn trước truyền thông Việt Nam, Efren Reyes đã chia sẻ lý do ông thi đấu ở nội dung carom 1 băng và 3 băng tại SEA Games 31, dù sở trường của tay cơ này là snooker. Ông cho biết: Tôi không nghĩ mình sẽ có thể giành Huy chương Vàng, bởi tôi sẽ phải đối đầu với những tay cơ giỏi nhất khu vực. Các cơ thủ tới từ các quốc gia khác không quá đáng ngại, nhưng đối với tôi, các vận động viên của nước chủ nhà Việt Nam khá đáng gờm. Tôi đánh giá rất cao họ.
Kình ngư Schooling không phải nguyên nhân khiến Singapore mất huy chương vàng
Theo kết quả của Ban tổ chức SEA Games 31, Joseph Schooling không phải là người mắc lỗi khiến Singapore mất huy chương vàng ở nội dung bơi 4x100m tiếp sức tự do nam. Ở chung kết 4x100m tiếp sức tự do nam tối 14/5, Singapore và Malaysia về trước nhưng cùng bị hủy kết quả do có vận động viên xuất phát sớm. Nhờ đó, Việt Nam được đôn lên giành huy chương vàng dù cán đích thứ ba. Các nguồn tin ban đầu từ Singapore lẫn Việt Nam đều cho rằng Schooling mắc lỗi khiến đội nhà mất huy chương vàng.
Joseph Schooling thi đấu tại SEA Games 31. Nguồn: thanhnien.vn |
Tuy nhiên, theo kết quả chính thức được công bố ngày 17/5, vận động viên Jonathan Tan mới là người mắc lỗi khi bơi ở lượt thứ ba trong đội Singapore. Tan xuất phát sớm 0,05 giây, tức là hai chân anh rời khỏi bục xuất phát 0,05 giây trước khi đồng đội Quah Zheng Wen chạm vào thành bể để kích hoạt hệ thống cảm ứng. Theo quy định, kình ngư vẫn được thi đấu nếu xuất phát sớm không quá 0,03 giây. Nhưng lỗi của Tan là 0,05 giây nên Singapore bị hủy kết quả. Trong đội tuyển Malaysia, người mắc lỗi là Singh Chahal khi xuất phát sớm 0,12 giây - hơn 0,09 so với quy định.
Báo Malaysia: U23 Việt Nam khó chơi hơn U23 Indonesia
Tờ Utusan cho rằng Malaysia đã chọn con đường khó khăn hơn khi đấu Việt Nam ở bán kết môn bóng đá nam tại SEA Games 31. “Malaysia đã chọn con đường khó khăn", là tiêu đề tờ Utusan sau khi đoàn quân của Brad Maloney đứng thứ hai bảng B sau trận hòa Campuchia 2-2 ở lượt cuối chiều 16/5. Bài viết nhấn mạnh: Nếu thắng Campuchia, Malaysia đã chắc suất đầu bảng và gặp Indonesia ở bán kết. Bài viết trên có đoạn: Bàn gỡ hòa 2-2 của Hadi Rayyadh thổi lửa vào quyết tâm của cầu thủ Malaysia, nhưng họ không thể ghi bàn thắng quyết định vào lưới Campuchia.
U23 Malaysia chia điểm trước U23 Campuchia. Ảnh: Hoàng Linh |
Trong khi đó, Tờ Bharian cũng cho rằng việc gặp Việt Nam trong trận bán kết diễn ra tối 19/5 tại Sân vận động Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, là khó khăn cho Malaysia. Trong một bài viết khác của báo này, tác giả cho rằng Malaysia đã bỏ lỡ một cơ hội tốt để có thể vô địch SEA Games. Tuy nhiên, dù khó khăn, cơ hội để thầy trò Maloney tạo ra bất ngờ và thắng Việt Nam để vào chung kết không phải là không thể xảy ra.
Lần gần nhất Việt Nam gặp Malaysia sau vòng bảng SEA Games là chung kết năm 2009 tại Vientiane, Lào. Bàn phản lưới của trung vệ Mai Xuân Hợp khiến Việt Nam thua 0-1, còn Malaysia lần đầu vô địch SEA Games. Việt Nam cũng từng gặp Malaysia ở bán kết SEA Games 22 và 23, và đều thắng lần lượt với tỷ số 4-3 và 2-1.
Linh Na vượt qua bệnh tật để giành Huy chương vàng SEA Games 31
Ngày 17/5, vận động viên Nguyễn Linh Na đã xuất sắc giành huy chương vàng môn Điền kinh tại SEA Games 31 ở nội dung 7 môn phối hợp nữ, đồng thời phá kỷ lục quốc gia được xác lập từ năm 2005. Linh Na có 8 năm gắn bó với điền kinh nhưng đây mới là lần đầu được góp mặt trong Đội tuyển điền kinh Việt Nam. Đây cũng là một huy chương vàng đầy nghị lực bởi ít người biết rằng, Linh Na từng bị hoại tử ở vùng đùi và tưởng chừng đã phải chia tay sự nghiệp.
Niềm vui của VĐV Nguyễn Linh Na khi giành Huy chương Vàng SEA Games 31. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN |
Huấn luyện viên Vũ Văn Huyện, người thầy của Linh Na, chia sẻ: Bản thân tôi cũng cảm thấy bất ngờ về thành tích này của học trò. Trước đó, em ấy từng dính chấn thương và gặp những khó khăn trong việc tập luyện. Về phần mình, Linh Na không dấu được sự xúc động: Khi lần đầu tiên tham dự SEA Games đã phá sâu thành tích kỷ lục quốc gia. Sau tất cả, Linh Na đã thành công và đó là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực kiên cường và rất đỗi tự hào của vận động viên này./.