(VOV5) - Âm nhạc dân gian của người K’ho rất phong phú và thường được biểu diễn trong các lễ hội. Trong các nhạc cụ truyền thống của người K’ho không thể thiếu bộ cồng chiêng sáu chiếc, kèn ống bầu (Kơmbuat), đàn ống tre (Kơrla), trống (Sơgơr)... Những nhạc cụ này có khả năng hoà âm với lời ca hoặc độc tấu.
|
Biểu diễn cồng chiêng của người K’ho. Ảnh: baolamdong |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Dân ca là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người K’Ho. Ngay từ khi mới lọt lòng, đứa trẻ đã được nghe những lời ru ngọt ngào của mẹ, khi lớn lên ở lứa tuổi 15 - 16, nam, nữ K’ho đã biết hát giao duyên, hát đối đáp để kết bạn, biết thổi khèn môi, khèn bầu và sử dụng các loại đàn, sáo, biết đánh cồng chiêng, biết hòa mình vào những điệu múa tập thể trong các lễ hội: Mừng lúa mới, mừng nhà mới, cúng tạ thần linh… Đến tuổi xế chiều, khi đã là chủ gia đình họ biết hát đối đáp để mời khách vào nhà, mỗi khi có khách đến chơi. Lúc về già lại ngồi bên bếp lửa vừa uống rượu cần vừa hát kể chuyện cho cháu, con.
Những bài hát dân ca của người K’ho gồm hát giao duyên, hát kết bạn, hạt ru con… Lời hát thường cô đúc, gợi lên những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với lối nghĩ, lối sống của người K’ho. Những bài hát dân ca được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ kia, nên ngoài giá trị văn hóa truyền thống, nó còn có giá trị củng cố gia đình , dòng họ , bon làng, duy trì trật tự kỷ cương trong cộng đồng.
Cùng với ca hát, người K’ho còn có nhiều loại nhạc cụ khác nhau và được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động nghi lễ, hội hè. Công dụng nổi bật của chúng là tạo nền cho các nghi thức tế lễ, phối tấu cùng với ca hát và “chỉ huy” các động tác nhảy múa. Các nhạc cụ tiêu biểu là đàn đá (lu gòng), chiêng (cing),chiêng Đồng La, trống da nai (sơgơr), khèn bầu khèn môi, đàn sáu dây, sáo… là những nhạc cụ cổ truyền thống với âm sắc độc đáo và có cấu tạo mang bản sắc dân tộc. Ông Nguyên Văn Mèng, người sưu tầm nhạc cụ của người K’ho, cho biết: “Cái quan trọng nhất đối với người K’ho là cái Đồng La. Một là để đánh trong đám cưới mừng cô dâu chú rể. Ngoài ra trong đám cưới nhất định phải có kèn bàu và đánh Đồng La. Khi mừng nhà mới, người ta cũng đánh đồng la, lễ cúng xuống mùa cũng đánh Đồng La”.
Đàn đá và chiêng là hai loại nhạc cụ khá phổ biến trong cộng đồng người thiểu số. Bộ chiêng người K’ho thường có sáu chiếc: Cing me (chiêng cái) giữ nhịp, cing rdơn (chiêng cả) phụ nhịp cho chiêng cái, cing ndơn đổi giai điệu, cing thơ, cing thi trả lời khi chiêng cái gọi. Khi đánh chiêng, người K’ho xếp theo hình vòng cung, theo thứ tự các chiêng kể trên, tay trái đỡ mặt trong, tay phải đánh. Đội hình di chuyển khi ngược khi xuôi, âm thanh trầm bổng, luyến láy được tạo ra nhờ tay chụp, xòe hay xoa mà tạo nên. Riêng trống là loại nhạc cụ phổ biến ở hầu khắp các nhóm cư dân. Chiêng là cách gọi theo người Việt. Theo tiếng K’ho, chiêng là cing. Chiêng không có núm gọi là cing, chiêng có núm gọi là mồng (cồng). Trong cộng đông người K’ho Lạch sinh sống ở vùng núi Lang Biang tỉnh Lâm Đồng, thì chiêng có tới 36 nhịp đánh khác nhau. Chiêng phần nhiều được sử dụng trong các dịp vui.
Điều đáng mừng là trải qua nhiều giai đoạn khó khăn trong cuộc sống, song đồng bào K’ho vẫn duy trì nền âm nhạc dân gian. Hiện nay cùng với sự chung tay giúp sức của Nhà nước, vẫn có những cá nhân có ý thức gìn giữ truyền lại âm nhạc dân gian cho con cháu mai nhằm giữ lại những giá trị văn hóa dân tộc. Ông Hà Văn Dinh, cán bộ nghiên cứu văn hóa của người K’ho, cho biết: “Hiện nay nhà nước rất quan tâm xây dựng nhà văn hóa ở các xã các thôn. Đặc biệt quan tâm tới các trang thiết bị nhất là các nhạc cụ của người K’ho . Nhà nước quan tâm cấp vốn đầu tư trang phục nhạc cụ để phụ vụ cho các nhà văn hóa khôi phục tất cả những nét văn hóa trước đây bị mai một”.
Nhiều gia đình người K’ho hiện nay có ý thức sưu tầm giữ gìn những bộ chiêng Đồng La, kèn bầu, trống…Với đồng bào K’ho, đây không chỉ là gia tài, mà những bộ nhạc cụ, những bài hát dân ca, nhịp điệu chiêng trống được thể hiện trong các lễ hội, chính là cách để họ giữ lại bản sắc của dân tộc mình.