Ẩm thực dân tộc Nùng

(VOV5) -  Nét văn hoá ẩm thực của người Nùng được thể hiện rõ nét nhất trong mâm cỗ ngày Tết, nhất là bữa cơm xua đi những rủi ro cuối năm.


Dân tộc Nùng thường ở vùng núi cao, đời sống gắn bó với thiên nhiên và có tập quán canh tác tự cung, tự cấp. Người Nùng trước đây hái lượm, săn bắt chim thú, tự trồng trọt, chăn nuôi để chế biến thức ăn. Qua quá trình phát triển, người Nùng đã sáng tạo ra nhiều món ăn độc đáo, tạo nên nét khác biệt. Một số món ăn của người Nùng ngày nay đã trở thành “thương hiệu” đặc sản du lịch cho vùng đất Lạng Sơn, nơi có nhiều người Nùng sinh sống.


Ẩm thực dân tộc Nùng - ảnh 1
Món khâu nhục, đặc sản Lạng Sơn. Ảnh: vietdex.net



Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Trong đời sống sản xuất, người Nùng trồng chủ yếu loại lúa tẻ, lúa nếp. Các bữa ăn thường ngày, người Nùng chủ yếu ăn cơm tẻ ăn cùng các món nấu từ các loại đỗ, rau rừng. Vào mùa hè, bữa trưa ở các gia đình người Nùng thường có thêm một nồi cháo đặc. Người Nùng cũng ăn cơm nếp và xôi (chế biến từ gạo nếp nương). Từ gạo nếp, người Nùng còn làm ra nhiều loại xôi, bánh khác nhau. Trong một năm, người Nùng có nhiều ngày lễ tết, mỗi ngày lễ tết lại bà còn làm các thứ xôi, bánh có màu sắc mang tính đặc trưng, có hương vị và ý nghĩa riêng. Người Nùng ít ăn món luộc, các món rau, củ thường được xào khan với mỡ. Khi nấu thành canh thì đổ thêm nước vào. Các món chế biến từ thịt, cá phổ biến là món rán, nấu, người Nùng ít làm món kho mặn. Người Nùng không ăn thịt trâu, thịt bò.

Nét văn hoá ẩm thực của người Nùng được thể hiện rõ nét nhất trong mâm cỗ ngày Tết, nhất là bữa cơm xua đi những rủi ro cuối năm. Đây là tập tục truyền thống của người Nùng. Mâm cơm cuối năm của người Nùng Phàn Sình ở Lạng Sơn có nhiều món thịt, món măng, rau, nhưng không thể thiếu món thịt vịt. Ông Lương Văn Bạch dân tộc Nùng ở tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Người Nùng Phàn Sình ở Lạng Sơn ăn Tết vẫn mang nét phong tục xưa. Bữa cơm tất niên có nhiều món, nhưng đặc trưng nhất bao giờ cũng có món thịt vịt, vì theo quan niệm của người Nùng, món vịt là món món ăn để kết thúc một năm. Người Nùng xưa ăn thịt vịt để xua đi những điều xui xẻo và sang năm mới đón nhận nhiều cái mới

Thịt vịt trong mâm cơm cuối năm còn được chế biến thành nhiều món khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là món vịt nấu măng chua. Nhiều món ăn khác như măng ớt chua, lạp xường, khoai môn… Một số món ăn có nguồn gốc dân tộc của dân tộc Tày - Nùng giờ cũng đã trở thành đặc sản như: Khâu nhục. Khâu Nhục là món ăn được làm từ thịt lợn ba chỉ. Đây là món ăn gần giống như món thịt kho, nhưng được hấp cách thủy với nhiều loại gia vị như : húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, tỏi, ớt, rượu, dấm, bột ngọt, hạt tiêu... nên có hương vị đặc biệt. Khâu nhục là món không thể thiếu trong bữa cơm đãi khách và trong mâm cỗ cưới, giỗ chạp, mừng thọ của người Nùng.

Cùng như các dân tộc ở miền núi phía Bắc, nói đến món ăn đặc sắc của dân tộc Nùng phải kể đến là món vịt quay, lợn quay nhồi lá và quả Mắc mật, loại cây gia vị chỉ có ở các tỉnh như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn. Mắc mật theo tiếng Nùng nghĩa là “lá quả ngọt” đã trở thành thứ gia vị không thể thiếu trong các món ăn của đồng bào Nùng, Lạng Sơn. Mùi thơm tự nhiên của lá Mắc mật đã làm nên thương hiệu cho các món thịt quay Lạng Sơn. Anh Nông Văn Chí dân tộc Nùng ở Lạng Sơn, cho biết: “Lá mắc mật này không thể thiếu trong các món quay, nhất là món  thịt lợn, thịt vịt quay, bởi loại lá này rất thơm. Món lợn quay mà thiếu loại lá này ăn mất ngon lá hay quả mắc mật mang về nhồi vào con lợn quay khi chín lá vẫn tươi nhưng tạo mùi thơm đặc trưng”. 


Ẩm thực dân tộc Nùng - ảnh 2
Lợn sữa quay cùng lá mắc mật. Ảnh: vinadiscover.com


Thịt lợn quay ở Lạng Sơn được nhồi lá "mắc mật" cùng với kỹ thuật quay có mùi vị thơm ngon đặc trưng, vỏ bì thịt có màu vàng sẫm của mật ong rừng là bí quyết của người Tày- Nùng. Món lợn quay không chỉ là món ăn đặc sản mà còn là lễ vật trong đám cưới.


Trong các dịp lễ tết, cưới xin, sinh nhật, tiếp khách từ xa đến rượu là thứ đồ uống không thể thiếu. Rượu của người Nùng là loại rượu cất từ gạo nếp và có loại men riêng. Người Nùng có tục mời uống rượu chéo chén, chéo tay: hai người đối diện nhau nâng chén rượu để chéo tay nhau, khuỷu tay người này tựa vào ngực người kia và cùng uống cạn chén rượu. Đây là một lễ tục xưa với ý nghĩa hai người sẽ bên nhau mãi mãi. Trong sinh hoạt đời sống đồng bào các dân tộc Tày – Nùng - Thái ở phía Bắc thì tục uống rượu chéo chén được sử dụng khi tiếp khách quý.


Trải qua thời gian những giá trị về văn hóa ẩm thực của người Nùng luôn được gìn giữ. Trong thời kỳ giao lưu hội nhập ngày nay, những giá trị ấy của đồng bào Nùng đang được phát huy. Nét đặc sắc trong văn hoá ẩm thực của người Nùng còn góp phần tạo ra “thương hiệu” du lịch của tỉnh Lạng Sơn và cả nước.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác