(VOV5) - Dân tộc H’re là dân tộc thiểu số sống giữa thiên nhiên, núi rừng nên có nền văn hoá phong phú và độc đáo. Văn hóa truyền thống của dân tộc H’rê vừa mang bản sắc riêng, nhưng cũng chứa đựng nhiều nét đặc trưng, giá trị của văn hóa của các dân tộc ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.
|
Nghi lễ cúng mừng nhà mới của đồng bào H're (Ảnh: vanhien.vn) |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Người H’re chủ yếu sống bằng nghề làm lúa nước và nương rẫy. Đánh cá, dệt vải, rèn là những nghề phụ. Trình độ canh tác nương rẫy, ruộng nước của người H’re đã phát triển ở mức cao. Đồng bào biết tận dụng thung lũng bằng địa, đất ven sông suối và chọn cây lúa nước làm cây trồng chính. Người H’re định cư thành từng làng (plây) và làng truyền thống của người H’re có tên gọi theo địa danh đồi núi, sông suối tự nhiên nơi cư trú. Người H’re ở nhà sàn, mỗi làng thường có từ 40-50 nóc nhà. Trong mỗi làng, già làng là người đứng đầu. Người H’re trước kia không có họ, có tên đệm. Ngày nay, đồng bào tự nhận mình mang các dòng họ Đinh, Phạm, Nguyễn. Đàn ông người H’rê thường mặc khố (kapen) mặc áo màu đen, ống tay dài, cài khuy ở trước. Phụ nữ H’re mặc váy (cà tu) khâu thành ống. Áo cổ truyền của người phụ nữ là áo 5 thân, nhuộm màu chàm sẫm, ống tay dài và hẹp, cài khuy bên phải gấu áo, sống lưng và bờ áo đều viền chỉ trắng, chỉ đỏ.
Là những cư dân trồng lúa, người H’re có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú. Hàng năm, người H’re thực hiện nhiều nghi thức cúng: thần lúa, thần núi, thần sông, thần mưa, thần cây, cầu mong mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, người người được bình an. Người H’re cũng có lễ cúng trâu hay còn là lễ “ăn trâu” như phong tục chung ở Trường Sơn - Tây Nguyên. Người H’re thích sáng tác thơ ca, ham mê ca hát và chơi các loại nhạc cụ. Ka-choi và Ka-lêu là làn điệu dân ca quen thuộc của người H’re. Truyện cổ đề cập đến tình yêu chung thủy, cuộc đọ tài trí giữa thiện và ác, giàu và nghèo, rất hấp dẫn các thế hệ từ bao đời nay. Nhạc cụ của người H’re gồm nhiều loại: đàn Brook, Ching Ka-la, sáo ling la, ống tiêu ta-lía, đàn ống bút của nữ giới, khèn ra-vai, ra-ngói, pơ-pen, trống... Trong những nhạc cụ của người H’re, đáng quý nhất là chiêng, cồng. Ông Đinh Xuân Hải dân tộc H’re, cho biết: Với người H’re, chiêng là tiếng lòng, là tâm hồn của người H’re.
Ông Đinh Xuân Hải cho biết: "Hiện tại bây giờ các bộ chiêng đã ít, nhiều nhà đã bán đi, nhưng nhà của tôi vẫn giữ lại bởi đây là kỷ niệm của cha mẹ để lại. Để lại để mãi mãi đời cha, đời con đời cháu vẫn giữa được. Rồi mình cũng phải dạy, tập cho nó đánh, rồi kết hợp với anh em trong lành đánh, chứ không sau này sẽ mất, mất chiêng đã đánh nhưng quan trọng hơn mất đi các điệu đánh chiêng".
Nhờ ý thức giữ gìn và phát huy vốn văn hóa độc đáo của mình, đồng bào H’re cũng đã khôi phục và lưu giữ được nhiều nhạc cụ của dân tộc mình. Điển hình là nghệ nhân dân gian Đinh Ngọc Su ở tỉnh Quảng Ngãi, ông có thể chế tác và sử dụng được hàng chục loại nhạc cụ mang bản sắc riêng của dân tộc H’re. Nghệ nhân Đinh Ngọc Su tâm sự: "Được Nhà nước quan tâm việc giữ gìn bản sắc dân tộc là vấn đề rất quan trọng. Tôi cố gắng giữ gìn bản sắc dân tộc H’re của mình mãi mãi cho thế hệ, cho con, cho cháu của mình. Không làm được như thế, nó sẽ mai một sau này".
Ngày nay cùng với phát triển kinh tế, người H’re rất coi trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Việc giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của người H’re còn góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.