(VOV5) - Nghề thêu truyền thống ở xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, vẫn luôn được đồng bào nơi đây lưu giữ và phát huy.
Bằng việc gìn giữ, phát huy nghề thêu thổ cẩm của mình, chị em phụ nữ Dao Tiền ở xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã có thêm thu nhập và góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ở xóm Nà Chắn, nhiều chị em phụ nữ Dao từ nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy nghề thêu truyền thống của dân tộc. Nhóm thêu thổ cẩm truyền thống xóm Nà Chắn được thành lập từ năm 2012, đến nay đã có 17 hội viên. Từ những tấm vải thổ cẩm truyền thống, với đôi bàn tay khéo léo, sự cần cù của mình, chị em người Dao ở đây đã tạo ra các sản phẩm thổ cẩm trên nền vẽ sáp ong mang bản sắc rất riêng.
Nhóm thêu Nà Chắn quảng bá sản phẩm tại Lễ hội Văn hoá thổ cẩm Việt Nam lần thứ Hai năm 2020. Ảnh: Vi Trần Thùy |
Đó là những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền với nhiều hoa văn đẹp mắt, như: họa tiết hình học, cỏ cây, hoa lá, muông thú mang nhiều ý nghĩa khác nhau; những chiếc vỏ gối, chiếc túi, những chiếc khăn trải bàn, đồ lưu niệm được thêu hoa văn tinh sảo. Chị Bàn Thị Xuân, thành viên nhóm thêu cho biết thêm: "Để làm được sản phẩm tốt thì phải cẩn thận lựa chọn vải thổ cẩm sau đó đem về nhuộm tràm rồi mới thêu các hình hoa văn. Những bộ quần áo truyền thống và nhiều sản phẩm lưu niệm như khăn túi… phải tỉ mẩn, kiên nhẫn thêu thùa. Do hoàn toàn làm thủ công nên các sản phẩm của nhóm phải luôn đạt chất lượng như vậy người tiêu dùng mới ưa thích và đảm bảo uy tín lâu dài."
Chị Bàn Thị Bích, dân tộc Dao Tiền tham gia nhóm thêu thổ cầm truyền thống từ khi thành lập đến nay cho biết: Từ những sản phẩm thêu của mình, hàng tháng chị và nhiều chị em khác trong xã đã có thu nhập ổn định từ 500 ngàn đến 3 triệu 500 ngàn đồng trở lên: "Trước khi tham gia vào nhóm thêu thổ cẩm,thu nhập gia đình chỉ trông chờ làm nông. Sau khi vào nhóm thêu tôi đã có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình và biết thêu và làm ra nhiều sản phẩm khác nữa."
Các sản phẩm thổ cẩm phong phú. Ảnh: Thu Thủy |
Hiện nay ngoài những váy áo truyền thống của dân tộc, các hội viên trong tổ thêu Nà Chắn đã sản xuất được 20 loại mặt hàng như: móc chìa khóa, vỏ gối, vỏ chăn, khăn trải bàn, ba lô, túi đựng điện thoại…cùng một số sản phẩm thổ cẩm lưu niệm. Các sản phẩm hoàn toàn được thêu tay thủ công, được chị em giới thiệu, quảng bá trên các trang mạng xã hội, như facebook, zalo nên sản phẩm làm ra ngày càng được nhiều người biết đến, được thị trường, khách du lịch ưu chuộng đặt hàng, mang lại nguồn thu nhập để nhóm duy trì nghề truyền thống.
Chị Triệu Thị Nhím, chủ nhiệm nhóm thêu Nà Chắn thêu cho biết: "Lập nhóm thêu thổ cẩm Nà Chắn để gìn giữ nghề truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc và tạo thu nhập cho chị em. Sản phẩm làm ra được khách du lịch rất ưu thích. Năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh covid-19 nên ảnh hưởng ít nhiều đến việc bán sản phẩm. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ để nhóm duy trì hoạt động lâu dài."
Ông Hoàng Tòn Sao, Chủ tịch UBND xã Hoa Thám cho biết: Hoạt động của nhóm thêu xóm Nà Chắn đã giúp nhiều chị em có thu nhập và quan trọng hơn là lan tỏa được ý thức trách nhiệm của bà con trong việc duy trì nghề truyền thống. Vì thế, xã đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để chị em yên tâm với nghề thêu thổ cẩm này: "Xã đã kết nối một số trung tâm đưa chị em đi quảng bá giơí thiệu sản phẩm ở nhiều nơi. Bên cạnh đó UBND xã cũng đã giúp đỡ, xây dựng kế hoạch hoạt động cho nhóm và định hướng các sản phẩm bán ở đâu. Và dự án CFP Phát triển nông hội tỉnh Cao Bằng đã mở các lớp tập huấn dạy nghề, hỗ trợ kinh phí cho nhóm thêu thổ cẩm Nà Chắn phát triển. Qua quá trình thực hiện, sản phẩm làm ra có nhiều nơi tiếp nhận, nguồn thu nhập cho bà con được cải thiện tốt hơn."
Từ đôi bàn tay khéo léo, tỷ mẩn từng đường kim, mũi chỉ, nghề thêu truyền thống ở xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, vẫn luôn được đồng bào nơi đây lưu giữ và phát huy. Không chỉ vây, nghề thêu còn đem lại nguồn thu nhập đáng kể, nâng cao cuộc sống cho các gia đình đồng bào dân tộc Dao nơi đây.