(VOV5)- Người Ê đê có quan niệm riêng về vòng luân hồi cuộc đời. Chính vì quan niệm này mỗi cuộc đời của người Ê đê đều trải qua nhiều nghi lễ. Các nghi lễ được thực hiện đều nhằm báo với tổ tiên, với các thần linh, với cộng đồng về sự tồn tại và phát triển.
Người Ê đê không có tục thờ cúng tổ tiên. Trong nhà người Ê đê có người mất thì trong vòng một năm đến ba năm, người thân trong gia đình làm lễ bỏ mả, là một trong những lễ hội lớn mang tính tang lễ mà người sống tổ chức để từ biệt người chết, tiễn người thân về nơi vĩnh viễn. Giáo sư ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản Quốc gia, cho biết: “Người Ê đê quan niệm khi con người chưa làm lễ bỏ mả thì linh hồn của người đã mất vẫn quẩn quanh trong làng bản, gia đình. Cho nên, hàng ngày người ta ra mộ, đưa cơm ra bón cho người chết. Mả có một ống tre thông từ quan tài lên phía trên. Người nhà mang cơm bón cho người mất thông qua ống tre đó và nói chuyện với người đó. Người ta quan niệm limh hồn người chết còn quẩn quanh bên cạnh gia đình. Nhưng khi làm lễ bỏ mả thì coi đó là sự chấm dứt vĩnh viễn mối quan hệ giữa người sống và người chết để linh hồn người chết về với tổ tiên.”
Họ hàng, người dân trong buôn tới dự buổi lễ. Ảnh: Hoàng Huy
Để tổ chức lễ bỏ mả, nhà có người chết phải chuẩn bị gạo, thịt, rượu, đồ cúng rồi báo tin cho họ hàng, người dân trong buôn tới dự. Không chỉ chuẩn bị lương thực, mà trước đó cả tháng, mọi người trong gia đình tập trung đẽo tượng, làm nhà mả. Những người còn sống mong muốn trang hoàng cho người khuất một ngôi nhà đẹp nhất. Vì thế mộ người đã khuất có mái che, xung quanh có những bức tượng gỗ, có thể còn bằng sừng trâu. Người sống còn tổ chức chia của cải cho người đã mất. Trong lễ bỏ mả, người thân trong gia đình tổ chức nhiều hoạt động như hiến tế bằng súc vật, lễ cúng, chia của cải cho người đã khuất, trình diễn âm nhạc, hát múa. Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết thêm:“Người sống chia của cải thật trong nhà. Như trong nhà có những ché rượu, người sống cũng gửi cho người chết chỉ có điều những chiếc ché đó đều được đục thủng ở dưới, những chiếc gùi cũng bị chọc thủng. Bởi người Ê đê quan niệm thế giới âm và dương luôn trái ngược nhau nên phải làm như thế.”
Chỉ sau khi làm lễ bỏ mả, người sống mới yên tâm là mình đã làm tròn bổn phận với người đã khuất. Nghĩa là sau khi làm lễ như thế thì người đã chết có thể tái sinh vào kiếp khác và tiếp tục một cuộc đời mới. Vì vậy, lễ bỏ mả gắn với việc tang nhưng lại được tổ chức như một ngày hội. Đây cũng là dịp thể hiện trách nhiệm của cộng đồng, gia đình, người thân với người đã khuất. Người Ê đê quan niệm càng sớm làm lễ bỏ mả thì linh hồn người chết càng nhập vào trẻ sơ sinh mà đầu thai trở lại cuộc đời.
Lễ đặt tên cho trẻ sơ sinh cũng được tổ chức trang nghiêm. Ảnh: Nguyễn Long
Với người Ê đê, lễ đặt tên cho trẻ sơ sinh cũng được tổ chức trang nghiêm. Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết khi đứa trẻ sinh ra được khoảng 3 ngày, gia đình phải tổ chức làm lễ đặt tên để tổ tiên chứng giám sự có mặt của nó trong gia đình, dòng tộc: “Người Ê đê quan niệm người chết tái sinh dưới dạng một giọt sương. Cho nên người Ê đê đi làm thường tránh những chiếc lá có giọt sương đọng lại trên lá. Họ coi đó là linh hồn của người đã chết. Cho nên trong lễ đặt tên có nghi lễ rất đặc trưng đó là người ta bứt cái lá có đọng hạt sương lại đặt trước đứa trẻ. Người ta quan niệm tổ tiên tái sinh trong con cháu của mình. Và cái tên mà đứa trẻ báo hiệu thầy cúng sẽ dừng lại và chính thức lấy tên đó đặt tên cho đứa trẻ.”
Lễ đặt tên được làm trong không gian gia đình, không tổ chức đánh chiêng, hát múa. Lễ vật cho lễ đặt tên gồm có một chén rượu, một con gà trống, một quả cà đắng, một lá ổi rừng, một chén bằng đồng. Nếu là con trai thì thêm một cái dùi, một cái đục và một con dao gọt. Sau khi đặt tên xong người thầy mới lấy một chút gan ghà cho cháu bé ăn, lấy lá ổi nhúng sương bôi lên miệng cháu bé để mong đứa trẻ lớn lên sẽ gan dạ và dù có gặp sương gió cũng không mệt mỏi, vất vả. Đứa trẻ lớn lên lại tiếp tục làm lễ trưởng thành để dân làng công nhận mình đã trở thành người đàn ông trưởng thành của buôn làng. Giáo sư Lưu Hùng, Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cho biết:“Trong cuộc đời người Ê đê trải qua nhiều lễ. Mỗi lần tổ chức lễ thì vị thế, uy tín của họ trong xã hội cổ truyền nâng lên một mức. Trưởng thành hiểu là lễ cúng cho bản mệnh của mình. Qua nhiều bước khác nhau với lễ vật ngày một nhiều hơn về số lượng, từ một con lợn hiến rồi đến 3 con lợn hiến, cho đến con trâu. Lễ cúng ấy khoản đãi cả cộng đồng, rất đông người đến chia vui chứng kiến lễ ấy. Họ mới công nhận anh ở cấp nào trong cộng đồng ấy.”
Lễ bỏ mả, lễ đặt tên là những nghi lễ quan trọng trong cuộc đời của người Ê đê. Người Ê đê cũng đang từng bước phục hồi lại lễ hội cúng bến nước, lễ kết nghĩa anh em. Những nghi lễ đó là một phần không thể thiếu trong dòng chảy văn hóa của người Ê đê./.