(VOV5) - Dân tộc Chăm thuộc nhóm ngô ngữ Mã Lai - Đa đảo (ngữ hệ Nam Đảo), có quan hệ họ hàng với người Raglai, người Ê Đê, người Chu Ru và người Gia Rai ở Việt Nam. Người Chăm cũng có nhiều nét tương đồng về mặt tộc người với người Indonesia, người Malaisia, người Brunei... ở khu vực Đông Nam Á. Họ là những cư dân bản địa ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, đã từng kiến tạo nên một nền văn hóa rực rỡ với ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ.
|
Phụ nữ người Chăm với trang phục truyền thống bên tháp cổ. (Ảnh: vi.wikipedia.org) |
Nghe nội dung chi tiết tại đây
Dân tộc Chăm ở Việt Nam hiện có hơn 160 nghìn người, sống tập trung ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và một phần ở Phú Yên, Bình Định, An Giang, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… Người Chăm gồm nhiều nhóm địa phương, mỗi nhóm có những đặc trưng tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa rất khác nhau. Những làng Chăm nằm rải rác ở ven biển Nam Trung Bộ. Có những làng Chăm nằm e ấp bên Thánh đường uy nghiêm. Có làng thâm trầm bên ngôi chùa cổ kính. Có làng thì mọi hoạt động lễ nghi thờ cúng đều được tổ chức ở đền tháp. Sở dĩ có sự khác nhau như vậy, bởi các làng Chăm này theo các tôn giáo khác nhau. Theo ông Lê Duy Đại, Trưởng phòng Nghiên cứu và sưu tầm văn hóa Việt Nam, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thì người Chăm ở Việt Nam gồm 4 nhóm: Ở Việt Nam, người Chăm, căn cứ theo tôn giáo, người ta phần làm 4 nhóm. Thứ nhất là Chăm Bà La Môn, bây giờ một số nhà khoa học đề nghị gọi là Chăm ảnh hưởng của Bà La Môn giáo, tức Ấn Độ giáo. Nhóm Chăm này chiếm đông nhất. Nhóm Chăm thứ 2 chiếm tương đối nữa là nhóm Chăm Bà Ni, tức là Chăm Hồi giáo cũ. Và nhóm Chăm thứ 3 là Chăm Hồi giáo mới, tức là Chăm Islam. Và nhóm Chăm không theo tôn giáo thế giới nào cả, gọi là nhóm Chăm H’roi.
|
Nhóm Chăm Bà La Môn và Bà Ni tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Người Chăm Bà La Môn còn tự gọi mình là Chăm gốc, hay Bà Chăm để phân biệt với người Chăm Bà Ni. Người Chăm Bà La Môn theo tín ngưỡng đa thần của Ấn Độ giáo, còn người Chăm Bà Ni theo Hồi giáo, thờ Thánh Ala và thiên sứ Mô-ha-mét. Tuy nhiên, Hồi giáo của người Chăm Bà Ni đã bị bản địa hóa sâu sắc, thống nhất với các yếu tố tín ngưỡng dân gian và cô lập với Hồi giáo thế giới.
Nhóm Chăm Islam theo Hồi giáo chính thống, còn gọi là Chăm Hồi giáo mới, để phân biệt với người Chăm Bà Ni theo Hồi giáo cũ. Nhóm này chủ yếu ở An Giang, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… Họ vốn là những người Chăm di cư từ Việt Nam sang Campuchia, và do những nguyên nhân khách quan, họ đã quay trở về và sinh sống ở khu vực Nam Bộ. Ông Não Đủ, người Chăm Islam ở thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận so sánh phong tục của người Chăm Bà ni và Chăm Islam: Bên người Hồi giáo Islam, 1 năm là 7 ngày lễ. Trước tháng Ramadan – tháng vào Thánh đường ăn chay và trong 1 tháng đó có nửa tháng, bên Thánh đường có cúng tập thể, đi tạ mộ. Còn bên Bà Ni thì chuẩn bị Tết ăn trong vòng 3 ngày, trước khi ăn tết, họ đi tạ mộ. Đối với ăn chay của Bà Ni là họ ăn chay trong 3 ngày. Sáng sớm họ ăn, rồi nhịn mãi tới 6h chiều mới ăn lại. Chỉ ăn trong 3 ngày. Còn riêng đạo Hồi giáo Islam này là ăn trong vòng 30 ngày. 3h sáng ăn. Tới 4h rưỡi, họ bắt đầu sắm lễ rồi nhịn luôn, nhịn mãi cho tới khoảng 5 rưỡi, 6h, tùy từng ngày, họ mới bắt đầu xả chay. Ban đêm ăn vô tư, thoải mái.
|
Còn nhóm Chăm H’roi chủ yếu ở Bình Định, Phú Yên, không chịu ảnh hưởng của tôn giáo nào, họ theo tín ngưỡng nguyên thủy và nhiều nét tương đồng về văn hóa với người Ba Na, người Ê Đê sinh sống xung quanh.
Sự khác biệt về tôn giáo đã dẫn đến những khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, đời sống xã hội của các nhóm người Chăm. Ông Lê Duy Đại lấy ví dụ điển hình về sự khác biệt này: Nói chung là về cơ bản, văn hóa truyền thống là giống nhau thôi, còn văn hóa hiện nay có cái khác biệt khá rõ. Ví dụ: nhóm Chăm Bà La Môn và nhóm Chăm Bà Ni theo mẫu hệ, còn nhóm Chăm Islam theo phụ hệ. Cái thứ hai về văn hóa: ăn mặc thì giống nhau thôi, nhưng về nhà cửa thì nhóm Chăm Bà La Môn và Bà Ni ở nhà sàn thấp, nhà truyền thống ấy, hiện nay nhà sàn thấp ở Ninh Thuận và Bình Thuận là không còn nữa đâu. Chúng tôi dựng ở bảo tàng Dân tộc học là theo hồi cố, tức là theo trí nhớ cũ. Sàn thấp cao khoảng 35 – 40 cm thôi. Chăm Islam ở Châu Đốc ở nhà sàn cao. Chăm H’roi cũng ở nhà sàn cao.
Những khác biệt này làm nên sự phong phú, đa dạng trong văn hóa, phong tục của người Chăm ở Việt Nam.