Hằng năm, đồng bào đều phải có lễ cúng những chiếc ché quý ngay trong từng gia đình.
Trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, ché đóng vai trò rất quan trọng. Ché không chỉ là vật dụng sinh hoạt hàng ngày mà còn là vật dụng dùng trong các dịp cúng tế thần linh, là sính lễ trong cưới hỏi và là vật biểu trưng cho sự giàu có, đẳng cấp, địa vị của mỗi gia đình.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Ché (chóe, ghè rượu) được người M’nông gọi là Yăng, người Ê đê gọi là Chéh, người Mạ gọi là Đrắp và Jăng. Ché có nhiều loại và mỗi chiếc lại có tên gọi riêng. Cách gọi tên của ché có thể theo màu sắc, hoa văn, kiểu dáng, hay những con vật được trang trí trên thân ché. Những chiếc ché quý có khi lại được gọi tên theo chủ hay tên một dòng họ, một sự kiện liên quan… Ché thường có dáng miệng ve tròn, thân phình lớn và thon dần về đáy, được làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao và được tráng men hoặc để mộc.
Ché được trưng bày tại Bảo tàng Kon Tum. Ảnh: baodaklak.vn |
Với các tộc người vùng Tây Nguyên, ché được coi là tài sản quý giá nhất. Vì thế, đồng bào luôn cất giữ trong nhà để làm của cải, càng nhiều càng tốt. Gia đình dòng tộc nào có nhiều ché thì càng chứng tỏ được sự giàu có và quyền uy của mình, thậm chí có gia đình có tới hàng trăm chiếc ché…
Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết ché là những hiện vật tạo nên sự tôn trọng và giàu có cho mỗi gia đình ở Tây Nguyên:
"Ngày xưa, thì ché, ghè rượu vô cùng quý và họ nâng niu, bảo quản rất cẩn thận trong gia đình. Ché để ở góc nhà, buộc và được chằng dây cẩn thận."
Các loại ché được đồng bào Tây Nguyên sử dụng hằng ngày hầu như không phải là do họ tự sản xuất mà tất cả đều từ quá trình giao thương với các tộc người ở các vùng lân cận. Vì vậy, ché rất phong phú về kiểu dáng, đa dạng về trang trí và có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nơi, được phân chia ra có loại ché túc, ché tang. Có nhiều loại được làm rất đẹp và có giá trị cao, quý hiếm.
Ché rượu cần bằng gốm (yăng) là hiện vật không thể thiếu trong các nghi lễ của đồng bào Mnông. Ảnh:baodantoc.vn |
Ché của người Tây Nguyên thường có màu men nâu hoặc là vàng sẫm, hoa văn đơn giản hoặc không trang trí hoa văn đối với những chiếc ché thông thường. Với ché để cúng thần linh thì là những chiếc quý hiếm, có hình tượng của con “giao long” (một loài thủy quái trong truyền thuyết), con hạc đắp nổi, hình chim muông, cây, lá, trên thân hoặc là hình hổ phù (một loại bùa hình con hổ) ở tai ché.
Theo ông Đinh Ply, Trưởng nhóm dân tộc Ba Na, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, trước kia đồng bào Tây Nguyên chế tác khá nhiều ché rượu. Để làm nên một ché rượu, đồng bào trải qua nhiều công đoạn, từ chọn đất, dựng lò để nung, cho đến cúng báo thần linh.
Mỗi bước làm đều được các nghệ nhân thực hiện một cách tỉ mỉ để cho ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất: "Ngày xưa, người ta tự làm bằng đất. Đồng bào có loại đất nào thì ché loại đó, rồi nung lên để làm ché. Tùy điều kiện gia đình mà làm ché to, nhỏ. Hiện, đồng bào không làm ché nữa nên chủ yếu đi mua."
Ngoài các loại ché có các kích thước, hình dáng khác nhau, tùy từng dân tộc đồng bào Tây Nguyên còn có một loại ché vô cùng độc đáo đó là ché mẹ bồng con, một loại ché quý, có kiểu dáng khá đặc biệt được đồng bào Tây Nguyên rất ưa chuộng. Ché mẹ bồng con chất liệu là gốm nguyên bản, màu da lươn, không tráng men. Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chia sẻ: "Cái ché đó là ché bình thường trên vai cõng những cái ché nhỏ hơn. Nhìn vào có cảm giác như là người mẹ đang địu đứa con."
Ché mẹ bồng con hình dài thon nhỏ, được thiết kế theo kiểu thức thân có gắn kèm thêm các ché con ở trên miệng, cao từ 10 đến 15 cm, được thông với nhau và cũng có hoa văn như ché mẹ. Hoa văn trang trí là các chấm bi và con thạch sùng đắp nổi, thân ché có các chi tiết khắc hình rồng. Ché có nhiều kiểu, từ cõng 1 con đến 4 con, xung quanh vai ché có đắp tai để gắn ống hút khi sử dụng.
Tiến sỹ Bùi Ngọc Quang cho biết: "Ché mẹ bồng con theo quan niệm là dành cho hạnh phúc gia đình. Cái ché này chỉ dành riêng cho người phụ nữ và nếu như gia đình yên ấm ấy thì cái ché này không bao giờ được sử dụng, không để trong nhà, mà để ở một góc rẫy, góc rừng mà chỉ người phụ nữ chủ gia đình biết."
Cũng như nhiều ché khác trong cộng đồng, ché mẹ bồng con là hiện vật quý báu của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên, phần lớn đều là các sản phẩm của cha ông để lại cho thế hệ sau. Hằng năm, đồng bào đều phải có lễ cúng những chiếc ché quý ngay trong từng gia đình. Đồng bào làm lễ vật có thể là rượu, thịt, cùng cơm lam… được đặt trước những chiếc ché và đọc lời khấn, rồi đổ rượu lên thân ché như một sự tưới tắm, cầu bình an và hạnh phúc cho gia đình và cộng đồng.