Cồng chiêng trong đời sống dân tộc Mường

(VOV5) - Cồng chiêng là nhạc cụ mang giá trị văn hóa quan trọng trong đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường. Cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống người Mường từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Chính vì vậy, người Mường coi cồng chiêng là báu vật trong ngôi nhà của mình và giữ gìn qua các thế hệ. 


Cồng chiêng trong đời sống dân tộc Mường - ảnh 1


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời và được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và được kế tục qua nhiều thế hệ. Từ xa xưa, người Mường đã thổi hồn cho cồng chiêng và sáng tác ra những điệu nhạc mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình. Một bộ cồng chiêng của người Mường có 12 chiếc, chia ra làm 3 bộ gồm: chiêng dàm, chiêng bồng, chiêng tlé. Người Mường có 24 lễ hội sử dụng cồng chiêng như: lễ mừng nhà mới, thành hôn, Lễ hội Khai Hạ (Lễ hội xuống đồng)... Đối với đồng bào các dân tộc ở khu vực Tây Nguyên, người đánh cồng chiêng chủ yếu là nam giới thì với đồng bào Mường lại là nữ giới. Ngoài ý nghĩa âm nhạc, bộ cồng chiêng còn biểu hiện cho 12 tháng trong năm. Ông Bùi Chí Thanh, người sưu tầm văn hóa Mường, cho biết: "Nếu trống đồng được coi là như uy quyền của tầng lớp lang đạo lớn xưa thì cồng chiêng lại lan tỏa trong đời sống người dân. Cồng chiêng in sâu trong tâm trí của mỗi người dân, gia đình và dòng tộc.
Ngay từ thế kỷ thứ 11 đến nay, âm nhạc và không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường đã phát triển không ngừng nghỉ. Văn hóa cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng đã ăn sâu, bám rễ vào mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc Mường. Người Mường quan niệm cồng chiêng là biểu tượng của dân tộc và mang giá trị rất lớn".


Cồng chiêng trong đời sống dân tộc Mường - ảnh 2
Màn hòa tấu cồng chiêng tại Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Hòa Bình được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Guiness vào tháng 10/2011.


 Huyện miền núi Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, hiện là nơi có nhiều cồng chiêng nhất với hàng trăm bộ chiêng, trong đó xã Phú Vinh có khoảng 400 chiếc. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng hàng trăm năm qua, người dân xã Phú Vinh luôn gìn giữ cồng chiêng và coi đó nét văn hoá truyền thống trong mỗi gia đình. Ở Phú Vinh nhà nào cũng có chiêng, nhà nghèo thì có một cái còn các gia đình khá giả hơn có từ hai cho đến ba chiếc chiêng, đặc biệt có những gia đình giữ lại được cả bộ 12 chiếc như gia đình ông Bùi Văn Nượm. Ông Nượm chia sẻ: ông cũng như mọi người trong xã Phú Vinh có tình yêu chiêng tha thiết và ra sức gìn giữ cồng chiêng. Chiêng bao giờ cũng đươc treo ở vị trí trang trọng nhất và là đề tài được nói đến nhiều nhất trong các buổi nói chuyện, gặp mặt của người dân xã Phú Vinh. "C
ồng chiêng đã có từ rất lâu rồi. Cồng chiêng của gia đình được bố tôi để lại cho con cháu nhìn và gìn giữ cũng như đi tham giữ các lễ hội, sự kiện lễ, tết, của gia đình nên gia đình tôi không bán mà để lại cho con cháu dùng sau này" - theo ông Nượm.

Ở Phú Vinh đến nay vẫn còn lưu giữ một phong tục rất đặc sắc đó là vào lúc giao thừa, các gia đình đều đánh lên ba hồi chiêng để mời và chào đón tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu. Theo đồng bào Mường ở đây, nếu gia đình nào không đánh chiêng thì tổ tiên sẽ không về và không được chào đón cũng như tổ tiên sẽ thấy buồn. Phải chăng vì lý do này mà người dân Phú Vinh nhất quyết không bán cồng chiêng của mình và giữ gìn truyền từ này qua đời khác. Bà Bùi Thị Ánh, một người dân xã Phú Vinh, chia sẻ: "
Dù có đói như thế nào cũng không thể bán chiêng được bởi không có gì thay đổi được tiêng chiêng trong đời sống của chúng tôi. Rất nhiều người đã đến hỏi mua nhưng giá đình quyết không bán mà phải quyết tâm giữ gìn".

Cồng chiêng trong đời sống dân tộc Mường - ảnh 3
Truyền dạy cách đánh chiêng cho lớp trẻ

Nhiều năm qua, chính quyền huyện Tân Lạc cùng bà con nhân dân nơi đây bắt đầu phát triển số lượng cồng chiêng, đồng thời phục dựng các lễ hội truyền thống để giới thiệu những bộ cồng chiêng, những làn điệu cồng chiêng đến với du khách trong nước và nước ngoài. Như tại Lễ hội Khai Hạ, đã có hơn 400 chiếc chiêng cổ cùng vang lên điệu nhạc của mình, làm sống dậy những giá trị độc đáo của cồng chiêng. Những giai điệu trầm hùng của các bài chiêng như: Đi đường, Poỏng ba, poỏng sáu, poỏng chín…  vang lên trong lễ hội như đánh thức niềm tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ ngàn năm qua của xứ Mường Bi. Ông Bùi Văn Dùng, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc, tỉnh  Hòa Bình, cho biết:
 "Xuất phát từ việc cồng chiêng là di sản văn hóa quý giá của địa phương nên chính quyền địa phương đã triển khai cho các cán bộ thôn, xã vận động bà con nhân dân giữ gìn chiêng. Ngoài ra, chúng tôi cũng cử các cán bộ ủy ban, cán bộ văn hóa trực tiếp gặp các bà con nhân dân thấy được ý nghĩa của việc bảo tồn cồng chiêng, vì vậy thời gian qua không một gia đình nào bán chiêng mà còn mua thêm để phục vụ đời sống xã hội".

Đối với người Mường ở Hòa Bình, di sản văn hóa cồng chiêng là một di sản văn hóa rất đặc biệt, vì vậy, việc bảo vệ và phát huy là điều vô cùng ý nghĩa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của bà con dân tộc. Với những giá trị nghệ thuật của không gian văn hóa cồng chiêng, tỉnh Hòa Bình đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường” là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia./.
Tin liên quan

Phản hồi

Quỳnh Anh

Xin hỏi, nếu muốn mua cồng chiêng thì có thể tìm ở địa chỉ nào ạ

Nguyễn Văn Cầu

Tôi có một thắc mắc không thể lý giải được là tại sao ở tây nguyên thì đàn ông đánh chiêng... Xem thêm

Các tin/bài khác