(VOV5) - Đây là một phong tục tốt đẹp được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nơi làm lễ cúng rừng là ở Miếu thờ thần rừng.
Vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, đồng bào Dao đỏ ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, lại tập trung tổ chức lễ cúng rừng. Đây là một phong tục tốt đẹp được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nơi làm lễ cúng rừng là ở Miếu thờ thần rừng của những người Dao đỏ ở thôn Đông Căm, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, đặt bên cạnh một thân cây lớn, trên gò đất cao nhất có thể trông ra xa.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
“Mùa xuân là Tết trồng cây”, hòa chung trong không khí ấy, những người Dao đỏ ở huyện nông thôn mới Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã và đang duy trì, phát huy tục cúng rừng của dân tộc mình gắn với phong trào bảo vệ, phát triển rừng hết sức ý nghĩa.
Phong tục cúng rừng đã có từ thời các cụ ngày xưa khai thiên lập địa |
Năm nào cũng vậy, vào dịp đầu xuân, dưới gốc cây cổ thụ nằm trên gò đất cao nhất ở thôn Đông Căm, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, đồng bào Dao đỏ lại thấy vị thầy cúng già Triệu Hữu Phấu tay cầm cuốn sách cũ ghi bằng thứ tiếng Dao cổ lầm rầm khấn bái, xung quanh đầy đủ lễ vật như rượu, thịt, vàng mã để dâng lên thần linh. Theo quan niệm, lễ cúng được thực hiện để cầu xin thần linh phù hộ, che chở cho cả thôn một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà bình an, mạnh khỏe, vật nuôi không dịch bệnh.
Thầy Phấu chia sẻ: "Phong tục này đã có từ thời các cụ ngày xưa khai thiên lập địa ở đây, rồi thế hệ sau lại kế tục. Bản thân tôi cũng bắt đầu nhận nhiệm vụ này từ năm 1980 cho đến nay. Chúng tôi thờ ở đây là chúa sơn lâm, thổ địa, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, bà con làng xóm mạnh khỏe, làm ăn, chăn nuôi, trồng cấy mọi sự đi lên."
Thầy cúng Triệu Hữu Phấu đang hành lễ cúng rừng |
Lễ cúng thần rừng cũng không quá cầu kỳ, phức tạp. Cả thôn góp nhau mỗi gia đình một con gà, một chai rượu, rồi góp tiền mổ chung một con lợn, thêm chút xôi, vàng mã… Bài khấn của thầy cúng được niệm bằng tiếng Dao cổ mà ngay chính những người biết tiếng Dao cũng không chắc hiểu được. Trong lúc thực hiện cúng tế, các thanh niên tranh thủ trồng thêm cây mới ra xung quanh khu rừng cấm. Cùng tham gia lễ cúng còn có đám thanh niên trai tráng và các bậc trung cao niên trong làng. Theo anh Triệu Văn San, cây cổ thụ được tôn thờ là “cây thiêng. Người Dao đi đến đâu cũng phải gắn với cây, với rừng, phải tìm “cây thiêng” để làm nơi nương nhờ, che chở cho cả làng bản. Khu rừng nơi “cây thiêng” ngụ mọi người cùng phải có ý thức bảo vệ, hạn chế lui tới hay thả rông gia súc vào đây.
Anh San cho biết: "Ý nghĩa của nó là ở đâu cũng phải có một cái cây làm chủ rừng, cái gốc linh thiêng đó thì chúng tôi phải gìn giữ, thờ cúng, tôi rất tự hào về phong tục này của dân tộc mình và sẽ phải phát huy truyền thống của cha ông để lại, phải gìn giữ chứ không thể bỏ được".
Sau phần nghi lễ sẽ diễn ra hoạt động ẩm thực ngay giữa rừng, tất cả thức ăn chuẩn bị tới sẽ phải ăn hết mà không được mang về, rượu không uống hết cũng phải đem chôn. Điều đặc biệt, theo kiêng kỵ của người Dao, chỉ có đàn ông mới được có mặt trong lễ cúng rừng. Vì là rừng cấm, rừng thiêng nên tất cả mọi người trong thôn đều có ý thức bảo vệ, chỉ được trồng mới chứ không cho phép bất cứ ai trong ngoài thôn chặt phá rừng.
Tục cúng rừng của người Dao giờ đây còn gắn với trồng cây đầu xuân |
Theo ông Nguyễn Di Ta, Bí thư Chi bộ thôn Đông Căm, cả thôn có 170 hộ, chủ yếu là người Kinh, nhưng đồng bào Dao tại đây vẫn không để phong tục của dân tộc mình bị mai một, đó mới là điều đáng quý. Mỗi dịp đầu năm, khi tộc người Dao tổ chức cúng rừng thì người Kinh trong làng cũng tới góp mặt chung vui, coi đây là dịp khai xuân: "Dân tộc Dao chỉ có hơn 20 hộ, nhưng dưới sự chỉ đạo của Chi bộ, chính quyền thôn tất cả các đoàn thể chính trị đã phối kết hợp tổ chức cùng nhân dân để phát huy truyền thống quý báu, bản sắc tốt đẹp của người Dao, cùng kết hợp với người Kinh trong thực hiện phong trào trồng cây gây rừng, xây dựng quê hương mới"- Ông Di Ta nói.
Theo đà phát triển của xã hội, người Dao ở Đông Căm cũng mạnh dạn thay đổi tư duy, chuyển đổi linh hoạt các diện tích rừng kém phát triển sang những loại cây cho giá trị cao hơn. Những đồi quế, nương sắn màu mỡ phủ xanh làng bản ở Đông Căm góp thêm sức sống cho vùng quê huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai trong mùa xuân mới.