(VOV5) - Từ hàng ngàn năm trước, trên vùng đất Tây nguyên đã xuất hiện và lưu truyền một loại nhạc cụ vô cùng độc đáo, đó là loại nhạc cụ thuộc hệ gõ thường gọi là đàn đá, người M’Nông gọi là Goong lǔ (tức là cồng đá). Đàn đá như biểu hiện cho tiếng lòng của người Tây Nguyên, mỗi âm thanh của nó được đánh lên, người nghe như cảm được người Tây Nguyên đang gửi lòng mình vào đá . Tiếng đàn như âm vang trầm hùng của núi rừng, tiếng suối chảy. Tiếng đàn đá còn thay cho lời kể, niềm an ủi, lúc vui, lúc buồn trong cuộc sống của người dân bản địa.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Bộ đàn đá đầu tiên được phát hiện tại nơi cư trú của đồng bào M’Nông là ở huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắc Nông vào năm 1993. Đồng bào M’Nông ở đây kể rằng: khi đánh cá ở suối Đắk Kar một người dân đã tìm được 3 thanh đá gõ vào nghe âm thanh rất thích. Sau đó những thanh đá đó được các nhà nghiên cứu xác định là của bộ đàn đá cổ có từ thời đồ đá, cách đây gần 3.000 năm. Người tiền sử đã dùng các loại đá có sẵn ngay trên mảnh đất mình sinh sống để tạo ra đàn đá. Những phiến đá thô, tưởng như vô tri, vô giác đã được người xưa chế tác ra nhạc cụ và thật kỳ diệu từ những thanh đá ấy đã cất lên âm hưởng như tiếng vọng của đại ngàn Tây Nguyên vang vọng tới ngày nay. Ông Nguyên Tâm, nhà nghiên cứu về đàn đá ở Tây Nguyên, cho biết: “ Những tảng đá mang âm thanh rất lạ, mà nguyên nhân nó ở dưới nước lâu ngày, bị nước bòn mòn phía ngoài, chỉ còn phần xương của nó, nên độ cứng của nó rất lớn. Khi đánh nó phát âm thanh như tiếng chuông, đó chính là nguyên liệu làm đàn đá...Khi đánh lên nó như hoà điệu với núi rừng, như đưa con người trở về với đời sống nguyên sơ, đưa chúng ta trở về với thiên nhiên, rừng núi”
|
Nhờ nhạy cảm, giỏi thẩm âm và tìm tòi sáng tạo, người M’Nông đã làm ra những bộ đàn đá nguyên sơ thể hiện sự giao hòa, chinh phục của con người đối với thiên nhiên. Những phiến đá dùng để làm đàn đá gọi là đá nham, đá sừng. Cách thức ghè đẽo khá tinh xảo và trau chuốt; kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau để có được các thang âm trầm bổng hay thánh thót khi gõ. Thanh đá dài, to, dày thường có âm trầm và trong. Ngược lại thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh.
Người M’nông đã làm những bộ đàn đá gọi là Goong lǔ( Cồng đá), là nhạc khí tự thân vang, gồm một bộ sáu thanh đá có kích thước lớn bé và hình dáng khác nhau. Thanh dài nhất khoảng 30 cm, thanh ngắn nhất chừng 10 cm, nặng khoảng 5-7 kg. Mỗi thanh có âm sắc tương ứng với một chiếc chiêng trong bộ chiêng Cung Bor sáu chiếc. Đàn đá cổ xưa đã được đồng bào M’Nông dùng để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng và sau này phục vụ các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngày thường, người dân thường cất chúng trong gùi lớn, đến lễ tết mới mang ra trưng bày, biểu diễn. Vì ý nghĩa linh thiêng, đây là nhạc cụ duy nhất được trình tấu trong những ngày lẽ hội như: Lễ mừng lúa mới, mừng được mùa, lễ hội ăn trâu, uống rượu cần. Người M’Nông xưa quan niệm thanh âm của đàn đá như một phương tiện để nối liền giữa con người với trời đất thần linh, nối quá khứ với hiện tại. Ông Điểu Nhôm, nghệ nhân đàn đá người M’Nông ở xã Quảng Tín, huyện Rlấp, tỉnh Đắc Nông, tâm sự: “ Mình đánh cái cồng chiêng này mình như nhớ lại ông già bà già mình lúc con sống. Tiếng đá này không thể bỏ được vì là truyền thống dân tộc mình từ xưa đến bây giờ. Con cháu sau này cũng không thể để mất đi truyền thống. Mình đánh để mừng lúa mới, mừng được mùa, mong lúa đầy kho để phát triển hơn”
|
Tiếng đàn đá trong ngày hội như lời vang vọng của núi rừng. Âm thanh của đàn đá vừa sống động, vừa vui nhộn vừa trầm lắng, nhịp nhàng, du dương khó tả... Ở âm vực cao, tiếng đàn đá nghe thanh thót xa xăm. Ở âm vực trầm, đàn đá vang lên như tiếng dội từ vách đá. Tiếng đàn đá lúc như thì thầm từ quá khứ, như lời kể sẻ chia vui buồn với người dân Bon làng. Điều thú vị là các thang âm của bộ đàn đá tìm thấy ở thời nay hoàn toàn tương đồng với thang âm cồng chiêng Tây nguyên.
Qua hàng ngàn năm, dù đã chuyển sang sử dụng nhạc cụ đồng như cồng và chiêng, nhưng người Tây nguyên nói chung và người M’Nông nói riêng vẫn lưu giữ được những bộ đàn đá cổ. Tập quán chơi đàn đá phổ biến của đồng bào M’nông cổ xưa vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ như tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc./.