Dân tộc Brâu ở Tây Nguyên

(VOV5) - Người Brâu hay còn có tên gọi khác là Brạo là một trong 5 dân tộc ít người nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Với  dân số  khoảng gần 400 người, cư trú chủ yếu trên lưu vực sông Sê San và Nậm Khoong thuộc khu vực Tây Nguyên hùng vĩ của Việt Nam, cộng đồng dân tộc Brâu đã hình thành phong tục tập quán, sắc thái văn hoá khá độc đáo. Phóng viên VOV5 giới thiệu những nét tổng quan về người Brâu.  

Dân tộc Brâu ở Tây Nguyên - ảnh 1
Dân tộc Brâu ở Tây Nguyên (Ảnh: internet)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Trước đây cộng đồng người Brâu cư trú ở khu vực ngã ba biên giới ba nước Việt nam, Lào và Cămpuchia. Do quá trình di dân, dân tộc Brâu là cư dân đến cư trú ở Việt nam muộn nhất, cách đây khoảng 100 năm (đầu thế kỷ XX). Người Brâu không có chữ viết, nhưng có tiếng nói riêng và tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khơ Me ngữ hệ Nam Á. Người Brâu hiện nay cư trú chủ yếu tại làng Đắk Mế xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.  Từ xa xưa, trong đời sống tâm linh, người Brâu quan niệm và tin rằng vũ trụ là do vị thần tối cao Pa xây sinh ra, Pa xây còn tạo ra bầu trời, mặt đất và muôn loài. Mỗi bước đi của Pa xây là thành sông, thành suối, thành núi, thành biển. Pa xây còn làm ra mưa gió, làm ra sự sống và cái chết. Cũng giống một số dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Brâu cho rằng vạn vật hữu hình và thế giới đa thần, trong đó, thần núi, thần sông, thần biển, thần cây cối đều là nhân vật linh thiêng. Người Brâu còn tồn tại chế độ gia đình mẫu hệ. Trải qua các thời kỳ, cộng đồng dân tộc Brâu dần hình thành những nét văn hoá của dân tộc mình.


Dân tộc Brâu ở Tây Nguyên - ảnh 2
Lễ đâm trâu mừng nhà mới của người Brâu (Ảnh: internet)


Ông Lưu Anh Hùng, nhà nghiên cứu các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, cho rằng:
“Văn hoá truyền thống của người Brâu cũng có những nét tương đồng  với nhiều cư dân ở khu vực Tây Nguyên nói chung và vùng Bắc Tây Nguyên nói riêng, ví dụ như người Brâu có nhà Rông, nhà sàn, có các lễ hội liên quan tới các chu kỳ sản xuất lúa trên nương rãy. Trong  quan niệm tâm linh người Brâu đề cao vai trò của thần lúa,  tín ngưỡng liên quan tới nước, đến đất, đến rừng, các vật linh… tức là mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống đầu có cái hồn ở bên trong. Người Brâu có  các nhạc cụ như: Khèn, các loại đàn, cồng chiêng, dân ca… Trong đời sống, người Brâu có truyền thống hiếu khách, tinh thần cộng đồng, nếp sống tôn trọng người già, yêu quý trẻ con…”. 


Cấu trúc làng của người Brâu mang tính cộng đồng cao. Nhà Rông là ngôi nhà cao nhất và có kiến trúc đẹp nhất được dựng lên ở giữa làng, còn nhà ở của cư dân trong làng thường là nhà sàn được xây dựng xung quanh, có cửa nhà hướng về ngôi nhà Rông trong làng. Nhà Rông là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, là nơi diễn ra các lễ hội của cả làng. Trước đây, thời kỳ đất nước còn chiến tranh, người Brâu sống du canh, du cư, phát nương, làm rẫy, sống dọc khu vực biên giới Việt nam- Lào, nên cuộc sống rất khó khăn. Sau chiến tranh, được sự quan tâm của Nhà nước và sự giúp đỡ tận tình của bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum, người Brâu đã dần ổn định cuộc sống, định canh, định cư tại làng Đăk Mế, xã Bở Y, huyện Ngọc Hồi. Tuy nhiên, với tập tục canh tác lạc hậu, nền sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nên trong nhiều năm đời sống đồng bào rất khó khăn. Cuộc sống của đồng bào dân tộc Brâu chỉ thực sự thay đổi khi có các dự án hỗ trợ từ Nhà nước.


Dân tộc Brâu ở Tây Nguyên - ảnh 3
Đời sống của đồng bào dân tộc Brâu đã có nhiều đổi mới (Ảnh: internet)

Ông Thao Lọi, người dân tộc Brâu và là cán bộ thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon tum, cho biết: 
“Năm 2005, trước nguy cơ suy giảm dân số, Nhà nước Việt nam đã quan tâm và có chính sách cụ thể hỗ trợ đồng bào Brâu. Chính phủ đã phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển dân tộc Brâu tại xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Tổng mức kinh phí là  25 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng nhà Rông, làm nhà ở, nhà vệ sinh cho đồng bào, xây dựng hệ thống điện lưới quốc gia, hỗ trợ phát triển văn hoá  xã hội và giáo dục… Năm 2010 khi tổng kết dự án đời sống của bà con dân tộc Brâu đã thay đổi và phát triển.”   


Để ổn định cuộc sống lâu dài, Nhà nước cũng quan tâm đầu tư cho sản xuất, hỗ trợ bà con về giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, phát triển cây công nghiệp như cà phê, cao su…Cùng với việc triển khai các dự án của Nhà nước, sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền tỉnh Kon tum, đời sống của dân tộc Brâu đang từng ngày đổi thay. Cái đói, cái nghèo và những hủ tục lạc hậu đã lùi vào dĩ vãng. Tính đến năm 2012,  dân số dân tộc Brâu ở xã Bờ Y  là 117 hộ với 417 nhân khẩu ( so với 99 hộ và 368 khẩu năm 2005). Hiện tại làng Đăk Mế và xã Bờ Y đã có cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đường giao thông được trải thảm nhựa, trường học, nhà mẫu giáo đã được xây kiến cố, nhà Rông trong xã cũng được xây mới. Hiện ở xã Bờ Y đã có 111 học sinh theo học từ bậc mầm non đến phổ thông trung học và  4 em đang theo học cao đẳng, đại học. Một thế hệ trẻ người Brâu đang lớn lên trên mảnh đất hồi sinh sẽ là lớp người kế tục truyền thống, bản sắc văn hoá của dân tộc Brâu./.

Phản hồi

Các tin/bài khác