(VOV5) - Đồng bào Nùng có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà màu sắc dân tộc.
Là dân tộc có số đông thứ 7 ở Việt Nam, dân tộc Nùng hiện có hơn 1 triệu người, sống phân tán tại 63 tỉnh, thành phố, nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền núi thuộc phía Bắc và Đông Bắc Bộ như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang... Dân tộc Nùng có truyền thống lịch sử phát triển lâu đời và hiện vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán văn hoá độc đáo, làm giàu thêm bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam.
|
Hát Sli - một làn điệu đặc trưng của dân tộc Nùng. Ảnh: Internet |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Dân tộc Nùng cư trú ở nhiều địa bàn khác nhau và phân theo các hệ nhánh như: Nùng Xuồng, Nùng Giang, Nùng An, Nùng Lòi, Nùng Phàn Sình, Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng Quy Rịn, Nùng Dín. Đồng bào Nùng thường sống thành từng bản, mỗi bản thường có từ 30-70 nóc nhà. Thông thường trước bản là ruộng nước, sau bản là nương và vườn cây ăn quả. Nhà ở của đồng bào Nùng chủ yếu gồm loại: nhà sàn truyền thống và nhà đất, ngoài ra còn có loại nhà nửa sàn, nửa đất. Nhà của người Nùng thường khá to, rộng và lợp ngói máng. Nhà được chia làm hai phần bởi vách ngăn bằng gỗ. Phần trong đặt bếp, là nơi sinh hoạt của phụ nữ trong gia đình, phần ngoài dành cho nam giới và đặt bàn thờ tổ tiên. Không sặc sỡ như một số dân tộc khác, trang phục của người Nùng khá đơn giản, các bộ trang phục thường làm bằng vải thô nhuộm chàm và hầu như không có thêu thùa trang trí. Nam giới mặc áo cổ đứng, xẻ ngực, có hàng cúc vải và thường có bốn túi hoặc hai túi. Phụ nữ mặc áo năm thân, cài cúc bên sườn, được trang trí bằng cách thêm miếng vải khác màu vào cổ tay áo và phía trước ngực.
Đồng bào Nùng lấy việc trồng lúa làm nguồn sống chính. Hình thức kinh tế tự nhiên hái lượm vẫn còn đậm nét trong cộng đồng dân tộc Nùng. Phụ nữ vào rừng, lên rẫy thường đeo bên mình cái giỏ nhỏ để thu hái các loại rau rừng, nấm, mộc nhĩ...góp phần làm phong phú cho bữa ăn hàng ngày. Anh Nguyễn Văn Thế, hướng dẫn viên tại Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam, cho biết: “Người Nùng cũng rất thành thạo trong việc khai khẩn đất đai làm nương rẫy, làm ruộng bậc thang, khai thác đất đồng bằng trồng lúa nước. Ngoài nguồn lương thực chính là gạo, người Nùng còn trồng các loại nông sản khác như ngô, sắn, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, trong đó đặc biệt phải kể đến các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Hồi, Quế, hồi, Sa nhân... Người Nùng cũng giỏi trong chăn nuôi, tạo ra nhiều giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: giống lợn Mường Khương, Ngựa Cao Bằng nổi tiếng”.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, người Nùng còn làm thêm nhiều nghề thủ công, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Phụ nữ trồng bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm…Nam giới làm nghề rèn, đúc, đan lát, làm đồ gỗ, làm giấy dó, làm ngói âm dương. Siêng năng trong lao động, hiếu kính với cha mẹ già, giàu lòng nhân ái là nét truyền thống tốt đẹp trong quan hệ gia đình của đồng bào dân tộc Nùng
Cộng đồng dân tộc Nùng có nhiều lễ hội, phong tục tập quán văn hoá độc đáo, trong đó lễ hội nổi tiếng thu hút được nhiều người, nhiều lứa tuổi khác nhau là hội ''Lùng tùng'' (còn có nghĩa là hội xuống đồng) được tổ chức vào tháng giêng hàng năm. Dân tộc Nùng cũng coi trọng Tết Thanh Minh (Tết tảo mộ) còn gọi là Tết Hàn Thực được tổ chức vào ngày mồng ba tháng ba âm lịch hàng năm. Đây là tập tục có từ lâu để để tưởng nhớ tổ tiên, những người đã khuất. Ông Nông Văn Đoàn, dân tộc Nùng ở tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Một năm vào mùa xuân có Tết Thanh Minh, theo truyền thuyết từ thời người Nùng di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cứ vào Tết Thanh Minh, tất cả con cháu trong gia đình, kể cả con dâu, con rể, con gái, nội tộc trong gia đình đều phải về mang lễ đến tận mộ để thắp hương cho các cụ”.
Đồng bào Nùng có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà màu sắc dân tộc. Chợ ở vùng người Nùng rất phát triển. Người Nùng đi chợ phiên không chỉ để trao đổi mua bán các sản phẩm, mà còn là dịp gặp gỡ, giao lưu. Thanh niên, nhất là nhóm Nùng Phàn Shình thích đi chơi chợ, hát giao duyên.
Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân tộc Nùng không những đông về số lượng mà trình độ phát triển khá nhanh, đang đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam.