(VOV5) - Đồng bào dân tộc Dao đỏ cho rằng đứa trẻ có thông minh, khỏe mạnh hay không là nhờ vào sự che trở nâng đỡ của 12 bà mụ và có một cái tên hợp với mệnh.
Cúng bà mụ cho trẻ em là một nghi lễ không thể thiếu được trong cộng đồng dân tộc Dao đỏ ở tỉnh Lào Cai. Cúng bà mụ là cúng tạ ơn và cầu phúc tới các bà mụ luôn trông nom đứa trẻ khỏe mạnh, không quấy khóc. Hiện nay trong cộng đồng dân tộc Dao đỏ vẫn lưu giữ được nét đẹp truyền thống trong kho tàng văn hóa của dân tộc mình.
Ảnh minh họa: Múa phép tại lễ đặt tên - Ảnh: dulichbaoyen |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cúng Bà Mụ (còn gọi là Đế Mẫu) là phong tục cúng tạ ơn và cầu phúc tới các bà Mụ. Đồng bào dân tộc Dao đỏ cho rằng đứa trẻ có thông minh, khỏe mạnh hay không là nhờ vào sự che trở nâng đỡ của 12 bà mụ và có một cái tên hợp với mệnh.
Theo quan niệm, mỗi người sinh ra là 1 bông hoa nở ra trên một cây cổ thụ, cây đó được Mụ cai quản và chăm sóc cẩn thận. Căn cứ vào ngày sinh, tháng đẻ ứng với bông hoa nở ở khu vực nào trên cây đó. Nếu bông hoa ở giữa thân cây được cho là điểm tốt và an toàn nhất, còn nếu ở trên ngọn cao sẽ dễ bị tác động của yếu tố bên ngoài dẫn đến đứa trẻ hay bị đau ốm, không phát triển bình thường. Do vậy phải thường xuyên làm lễ nhờ Mụ trông non cẩn thận. Trường họp đặc biệt phải làm lễ xin chuyển xuống phía thân cây, nơi yên tĩnh, an toàn.
Gia chủ chuẩn bị lễ vật để cúng Bà Mụ gồm 1 con gà, 1 chai rượu, 2 tờ giấy bản tự làm cắt in tiền, một bát gạo, đặt một quả trứng gà, có một vòng chỉ trắng đối với con trai, chỉ đỏ đối với con gái... cùng một số thứ khác theo nghi lễ. Vì là việc hệ trọng nên cúng Mụ thường được chọn những ngày lành, hợp với gia chủ cũng như của đứa trẻ, sau khi chọn được ngày tốt thì mới đi nhờ thầy đến làm lễ. Lễ cúng được chia làm nhiều hình thức, nếu như làm lễ thông thường thì chỉ nhờ Mụ trông nom, cai quản bông hoa trên cây được phát triển bình thường và chăm sóc cho cây cổ thụ đó phát triển tốt tươi. Thầy cúng Tẩn Sài Hiêng, thôn Tung Qua, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cho biết: “Đứa trẻ từ khi sinh ra lớn lên đến tuổi 16 là được sự chăm sóc của bà mụ, bố mẹ không được quát mắng con, không được làm cho con giật mình. Nếu chăm sóc con không tốt, bà mụ lấy lại để trao cho gia đình khác hoạc nếu làm con giật mình bà mụ sẽ lấy một phần hồn vía làm cho con trẻ ốm đau. Từ những quan niệm này nên các gia đình rất quan tâm đến bà mụ. Mỗi khi thấy con cháu hay quấy khóc, ăn không ngon, ngủ không yên giấc hay sức khỏe yếu ... các gia đình đều mời thầy đến cúng Bà Mụ cho trẻ em”.
Lễ cúng được chỉ được tiến hành khi đứa trẻ ở trong nhà ngôi nhà của mình. Khi lễ vật được dâng lên người cha hát: Nay vợ chồng sinh được con nhỏ/ Dâng mâm cơm cúng báo tổ tiên/ Hương hoa thơm hiến dâng thần thánh/ Gà rượu xôi thơm khắp tuần nhang/ Chắp tay lạy khấn cầu tiên tổ/ Thần thổ địa và Pù Rằn man/ Mời bà mụ tứ phương bận rộn/ Xin về đây dạy bảo con thơ… Lời bài hát chính là lời cầu khẩn thần linh và tổ tiên che chở, chỉ dạy cho đứa trẻ những điều tốt đẹp để khi lớn lên đứa trẻ ngoan ngoãn, trở thành người có ích cho gia đình và cộng đồng.
Trong ngày diễn ra lễ sẽ không cho người lạ vào nhà và lễ vật chỉ các thành viên trong gia đình thụ lộc. Sau làm 3 hôm thì lấy bát gạo và quả trứng nấu cho đứa trẻ ăn, người khác, đặc biệt là người lạ không được ăn cùng.
Cúng Bà Mụ được duy trì trong suốt quá trình phát triển của đứa trẻ. Đối với con trai thì sau 12 tuổi, còn đối với con gái đến tuổi 16 thì mới làm lễ trưởng thành sau đó không phải cúng Bà Mụ nữ. Thường xuyên phải cúng Mụ để được phù hộ, mọi đều cùng có trách nhiệm vun đắp cây đó để cây đó phát triển tốt tươi. Bà Lý Tả Mẩy, thôn Tung Qua, xã A Mú Sung, chia sẻ: “Cúng Bà Mụ tuy đơn giản nhưng phải cận thận, thường thì đứa trẻ nào từ khi sinh ra đến khi lớn lên mời thầy nào cũng thì năm nào cũng mời thầy đó cúng cho đến khi trưởng thành cầu mong cho đứa trẻ ngoan ngãn, ăn ngon, ngủ yên không khóc quấy ông bà, cha mẹ... Nếu chuẩn bị cúng bà mụ không cận thận sẽ gây hậu quả lớn đó là đứa trẻ bị đau mắt, mù mắt, tiếc tai... cho nên mỗi lần cũng bà mụ đều phải làm chu đáo không để sảy ra sai sót gì”.
Ngoài cúng Bà Mụ đồng bào dân tộc Dao đỏ còn lưu giữ được nhiều phong tục tốt đẹp cho con trẻ, như: lễ cấp sắc, lễ giải hạn, đón vía ... Đây là nét văn hoá tín ngưỡng truyền thống độc đáo của cộng đồng dân tộc Dao đỏ đang được bảo tồn và gìn giữ.