(VOV5) -Tết Ngô được phục dựng lại, khiến cho nhiều du khách rất thích thú, cùng trải nghiệm và hoà vào các điệu múa dân tộc rộn ràng.
Tết Ngô (Quề La Loong) là ngày Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Cống ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Tết Ngô được tổ chức khi mùa ngô đã được thu hoạch vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 âm lịch hàng năm. Đây là dịp để bà con tụ họp sau một năm lao động vất vả. Tết Ngô cũng là dịp để dân làng cảm tạ các vị thần linh, tổ tiên đã phù hộ, bảo vệ trong suốt năm qua, cầu mong cho năm mới mưa thuận gió hoà, gia đình, làng xóm dưới ấm no hạnh phúc.
Các cô gái dân tộc Cống biểu diễn văn nghệ trong Tết Ngô |
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Cũng giống như nhiều cư dân nông nghiệp khác, người Cống có truyền thống ăn tết cùng với lịch làm nông nghiệp. Tết Ngô là Tết lớn nhất trong năm và thường được tổ chức vào ngày 1/6 âm lịch hằng năm. Tết Ngô không chỉ là dịp để người dân vui chơi, nghỉ ngơi khi đã thu hoạch xong mùa vụ cũng là dịp để dân làng tạ ơn các thần đã phù hộ cho một mùa sản xuất bội thu, thuận lợi. Lễ tết còn là dịp củng cố và mở rộng các mối quan hệ cộng đồng và duy trì tính thiêng liêng tín ngưỡng trong tâm thức của người dân. Ngô là cây lương thực chính của người Cống từ hang trăm năm qua, bởi vậy đồ lễ chính trong Tết Ngô hầu hết đều được chế biến từ ngô.
Để đón Tết Ngô, dân tộc Cống Khao thường phải chuẩn bị trước đó nửa năm như nuôi con lợn, gà và trồng ngô ra bắp để cúng tết. Trước ngày tết chính diễn ra, không khí nhộn nhịp chuẩn bị của các gia đình người Cống từ 3 đến 4 ngày. Nhà nhà trong bản đều chuẩn bị ngày tết của gia đình mình sao cho thật chu đáo.
Chuẩn bị cho mâm cúng |
Chị Chu Thị Lai, ở bản Nậm Khao, xã Nậm Khao, huyện Mường tè, tỉnh Lai Châu cho biết, mỗi lễ vật được dâng lên bàn thờ tổ tiên trong ngày tết quan trọng này là do các thành viên trong gia đình tự tay chuẩn bị, nhằm mục đích trình báo với tổ tiên những việc đã làm được trong năm và cảm tạ tổ tiên đã phù hộ cho con cháu khoẻ mạnh, chăn nuôi sản xuất gặp nhiều thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thóc ngô đầy bồ:
"Trong tết ngô của dân tộc Cống, các thành viên trong gia đình đã phân công nhau đi kiếm củi, lên rừng hái măng, hái nấm, kiếm ngọn rau bí, lên nương bẻ ngô làm bánh, xuống suối bắt cua để chuẩn bị cho lễ cúng tết Ngô. Mỗi người một việc." Chị Lai nói,
Tuỳ vào điều kiện của từng gia đình, mâm lễ cúng tổ tiên trong tết ngô của đồng bào có thể nhiều hay ít món. Nhưng lễ vật không thể thiếu trên ban thờ của người Cống là những món được chế biến từ ngô như bánh ngô, cơm ngô, ngô luộc và những sản vật của núi rừng để dâng lên thần linh trên trời và tổ tiên cầu mong đấng thần linh, tổ tiên phù hộ con cháu luốn có mùa màng bội thu, có nhiều sức khỏe.
Lễ cúng ma Rừng của người dân tộc Cống ở Lai Châu |
Bánh ngô được làm từ ngô nếp non được tẽ hạt đem say mịn, trộn đều với mật ong. Sau đó dùng lá dong gói lại, đem đồ chín rồi chọn 4 chiếc tròn đẹp nhất thể hiện 4 mùa trong năm đem bày lên ban thờ gia tiên. Cơm ngô là ngô non nạo nhỏ trộn với gạo nếp và cũng được gói trong lá dong thành những gói to đem đồ lên trong chõ xôi, cơm chín có mùi thơm rất quyến rũ của ngô nếp non với hương thơm của gạo nếp.
Đây là những món ăn truyền thống mang ý nghĩa biết ơn sâu sắc để dâng lên thần linh, tổ tiên. Trong mâm lễ của người Cống Khao còn phải có thịt lợn, thể hiện lòng thành của con cháu với tổ tiên; ngoài ra còn có thịt gà, cơm ngô, nấm rừng, rượu ngô, ngọn rau bí. Đặc biệt không thể thiếu cua đá 12 con tượng trưng cho 12 tháng trong năm.
Đồng bào Cống Khao quan niệm, cua là con vật bảo vệ mùa màng. Anh Séng Văn Ngân dân tộc Cống ở Mường Tè cho biết :"Phải bắt được con cua để lên bàn thờ cúng các cụ. Các cụ ngày xưa từng làm như thế này rôi, giờ theo truyền thống chúng tôi cũng làm theo."
Buổi sáng ngày Tết Ngô đầu tiên dân bản thường đến con suối ở đầu bản. Khi đi họ cầm them một ít thuốc lào để mời con ma rừng hút thuốc. Theo tín ngưỡng của người Cống” ma rừng” là con ma mạnh nhất hay làm hại người đi làm nương, khi được mời hút thuốc ma rừng vui sẽ không làm hại người nữa. Tuy chỉ là truyền thuyết từ xưa truyền lại, nhưng người Cỗng vẫn duy trì như một tập tục mang nét riêng của dân tộc mình.
Tết ngô của người Cống Khao ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu những năm gần đây được được nhiều du khách biết đến và tham gia. Trong các lễ hội được tổ chức ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, tết Ngô được phục dựng lại, khiến cho nhiều du khách rất thích thú, cùng trải nghiệm và hoà vào các điệu múa dân tộc rộn ràng, say hương rượu ngô và thưởng thức những món ngon dân dã của đồng bào.