(VOV5) - Tục kiêng thần sấm của người Dao đỏ như một nét văn hoá tâm linh, với mong muốn người người được an lành, mưa thuận gió hoà,
Mỗi dân tộc đều có những ngày kiêng kỵ trong năm. Dân tộc Dao đỏ cũng vậy. Đồng bào Dao đỏ có nhiều ngày kiêng kỵ khác nhau: những ngày kiêng sau Lễ Cúng rừng ngày 1 tháng Giêng, ngày kiêng Gió, kiêng Sét… trong đó Kiêng thần sấm thực sự là một hoạt động văn hóa tâm linh thú vị.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cứ đến ngày 1-3 âm lịch hằng năm là bà con người Dao đỏ ở Yên Bái lại thực hiện nghi lễ kiêng thần sấm, và coi ngày này là ngày đại kỵ.
Ngày kiêng thần sấm, hầu hết các gia đình người Dao đỏ đều nghỉ lao động sản xuất, không vào rừng làm cỏ, chặt cây.- Ảnh VOV.VN |
Cũng như bao gia đình khác, đến ngày 1/3 âm lịch, chị Triệu Thị Nái cùng các thành viên trong gia đình đều gác lại mọi công việc để kiêng thần sấm. Theo quan niệm của đồng bào Dao đỏ: Thần sấm là vị quan đứng đầu thiên đình, được giao trọng trách cai quản trần gian. Suốt mùa khô, thần sấm chìm trong giấc ngủ, khi mùa mưa về thần mới thức dậy đi thị sát thôn bản. Lúc này, ai ăn ở tốt lành sẽ được thần ban cho nhiều may mắn, ai làm điều sai trái sẽ bị thần trừng trị.
Chị Triệu Thị Nái, thôn 3 Vàn, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, chia sẻ: "Người Dao đỏ chúng tôi cứ đến ngày 1/3 âm lịch hàng năm là ngày kiên thần sấm. Hôm nay gia đình không ai đi làm mà nghỉ ở nhà. Chị em trong gia đình, hàng xóm tụ tập nhau thêu thùa, may vá. Ngày kiêng thần sấm tuyệt đối không được gây tiếng động mạnh."
Ngày kiêng thần sấm, hầu hết các gia đình người Dao đỏ đều nghỉ lao động sản xuất, không vào rừng làm cỏ, chặt cây. Đặc biệt, không được tạo tiếng động mạnh, vì cho rằng tiếng động mạnh sẽ làm thức tỉnh thần sấm, và nếu làm thần tức giận có thể sẽ làm hại dân làng. Vì vậy ngày kiêng thần sấm, đồng bào người Dao đỏ Yên Bái giành thời gian cho việc lặt vặt trong nhà, chăm sóc con cái, hay đi thăm nom bạn bè.
Ngày kiêng thần sấm năm nay lại trùng vào ngày tết thanh minh. Với đồng bào Dao đỏ, thanh minh tuy không phải là tết chính trong năm, nhưng là dịp để các gia đình làm mâm cỗ tảo mộ cho ông bà, tổ tiên, tỏ lòng biết ơn của con cháu đối với những người đã có công sinh thành, dưỡng giục.
Những năm gần đây thời tiết ngày càng bất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhất là những vụ việc thương tâm do sét đánh. Vì vậy tục kiêng thần sấm càng được đồng bào Dao đỏ Yên Bái coi trọng.
Bà Triệu Thị Tiếp, thôn 2, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, cho biết: "Từ xa xưa người Dao đỏ chúng tôi đã có tục kiêng thần sấm, kiêng thần sấm có ý nghĩa rất đặc biệt. Thứ nhất mong muốn người người được bình an, không bị thần sấm đánh, làm hại; thứ hai cầu cho mưa thuận gió hoà để cây trồng xanh tốt bội thu, dân làng được ấm no hạnh phúc.
Tục kiêng thần Sấm của đồng bào Dao đỏ thật sự thiêng liêng và cũng bày tỏ mong muốn cho một năm tới sẽ được các đấng thần linh phù hộ và đưa tới những điều tốt đẹp. Theo quan niệm của đồng bào, hững vị thần đó vẫn hiển hiện trên những cánh rừng, trong tiếng ồn ào thác chảy và trong trái tim mỗi người dân nơi đây.
Đồng bào dao đỏ Yên Bái không ai còn nhớ tục kiêng thần sấm có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ thế hệ này sang thế hệ khác vẫn được đồng bào duy trì. Tục kiêng thần sấm của người Dao đỏ như một nét văn hoá tâm linh, với mong muốn người người được an lành, mưa thuận gió hoà, cây trồng xanh tốt bội thu.