(VOV5) - điệu Lượn Cọi của người Tày các xã Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Bảo Lâm là huyện vùng cao, biên giới phía Tây Nam của tỉnh Cao Bằng. Đồng bào dân tộc Tày nơi đây đã gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của mình, đặc biệt trong đó là những làn điệu “Lượn Cọi”. Điệu Lượn Cọi, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như những lời nhắn gửi yêu thương, đang được đồng bào phát huy hướng tới mục tiêu tạo dấu ấn riêng cho du lịch địa phương.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Đều đặn hàng tuần, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Lượn Cọi xóm Tổng Ngoảng, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, lại có mặt để luyện tập những điệu hát đã học và cùng nhau trao đổi kết quả sưu tầm những câu hát cổ.
CLB Lượn Cọi xóm Tổng Ngoảng được thành lập cách đây 2 năm, với 25 thành viên ở nhiều lứa tuổi. Anh Dương Văn Khuyên, thành viên CLB, cho biết: Do các thành viên đều bận rộn việc đồng áng, lên nương, nên các buổi sinh hoạt thường diễn ra vào buổi tối, khi ở nhà văn hóa, lúc ở gia đình một thành viên trong CLB: "Hát Lượn Cọi trong dịp đám cưới, vào nhà mới được các anh em hát để đối đáp với nhau, để giao duyên. Đến ngày đại đoàn kết, đại hội Đảng, câu lạc bộ mình cũng tham gia.
Lượn Cọi của người Tày huyện Bảo Lâm là thể loại dân ca bắt nguồn từ cuộc sống lao động và được những thế hệ đi trước truyền lại. Trước đây, đồng bào Tày ở Bảo Lâm thường tổ chức các cuộc hát Lượn Cọi vào những dịp nông nhàn, lễ, Tết... Lượn Cọi có thể là một bài dài, hoặc cũng có thể chỉ là một đoạn vài ba câu ngắn, có thể hát đối, cũng có khi tự hát, với ngôn ngữ giàu hình ảnh và sự ví von thể hiện tình cảm, khát khao, ước vọng, niềm tin vào cuộc sống.
Câu lạc bộ Lượn Cọi xóm Tổng Ngoảng, xã Quảng Lâm huyện Bảo Lâm tập luyện những điệu hát đã học. Ảnh: VOV |
Các bài Lượn Cọi thường có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, bản làng, mùa màng tươi tốt bội thu. Trong quan hệ gia đình, người Tày hát Lượn Cọi bao hàm tình cảm trìu mến, yêu thương, dạy bảo để con cái lớn lên thành người có ích, sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng; hát Lượn Cọi để chúc mừng hạnh phúc cho cặp uyên ương, chúc mừng nhà trai đón được dâu thảo, chúc cho gia đình đón thêm thành viên mới...
Những câu hát lượn thắm đượm tình quê hương, nguồn cội được truyền từ đời này qua đời khác, nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ người Tày tại đây lớn lên. Chị Ngô Thị Chuyên, người dân xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, cho biết: "Từ khi còn nhỏ khi thấy người lớn hát Lượn Cọi thì tôi đã hát theo. Tôi đã biết hát Lượn Cọi từ lúc hơn 10 tuổi. Đến giờ đã hơn 40 tuổi rồi nhưng vẫn thích hát. Tôi thường hát Lượn Cọi khi tham gia các buổi văn nghệ ở xã, xóm."
Các nghệ nhân truyền dạy điệu Lượn Cọi cho thế hệ trẻ. Ảnh: VOV |
Hiện nay, Lượn Cọi ít xuất hiện hơn trong đời sống sinh hoạt thường ngày mà chủ yếu được thực hành ở các nghi lễ của đồng bào Tày và trong nghệ thuật biểu diễn, số nguời biết hát Lượn Cọi phần lớn là những người trung tuổi, cao tuổi.
Ông Nông Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, khẳng định: Để gìn giữ điệu hát truyền thống, huyện Bảo Lâm triển khai nhiều giải pháp, như: Hỗ trợ thành lập các CLB Lượn Cọi; khuyến khích, động viên các nghệ nhân, người cao tuổi tham gia biểu diễn trong các hội diễn, sự kiện văn hóa, lễ hội và tham gia các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ... với mục tiêu đó là từ bản sắc văn hóa để tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng cho du lịch địa phương: "Trong thời gian tới, huyện Bảo Lâm chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm truyên truyền, cổ vũ, động viên các nghệ nhân cũng như người dân phát huy trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn di sản văn hoá trong cộng đồng. Việc làm này cũng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, khai thác và gắn kết di sản văn hoá với phát triển du lịch từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội địa phương theo hướng bền vững."
Năm vừa qua, điệu Lượn Cọi của người Tày các xã Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đó là niềm vui, niềm tự hào của những người dân Cao Bằng nói chung, người Tày huyện Bảo Lâm nói riêng, góp phần quan trọng trong gìn giữ nét văn hóa truyền thống của thế hệ cha ông.