(VOV5) - “Ơi anh trai bản ơi, có nhớ phiên chợ tình, anh múa khèn em hát, uống mãi rượu không say”. Đó là câu hát của đồng bào Dao ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, trong hội “Kiêng gió”ngày mùng 4/4 Âm lịch hàng năm. Vào ngày này, người Dao ở Bình Liêu vui chơi, hò hẹn, cùng say trong men rượu, men tình.
|
Đồng bào vùng cao đến chợ. Ảnh: anhp.vn |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Được ví như một Sa Pa của Quảng Ninh, đất Bình Liêu ẩn chứa trong mình vẻ đẹp nguyên sơ, đậm đà bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số như Dao, Tày, Nùng, Sán Chỉ…Từ thị trấn trung tâm Bình Liêu đi 10km, vượt qua con đường quanh co và những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp, đến xã biên giới Đồng Văn, nơi có tới 90% cư dân là người dân tộc Dao, trong lòng cứ ngân nga câu hát “Trong khói lam chiều đến Bình Liêu/ Ngỡ ngàng anh hỏi, phải em yêu?/ Miên man câu hát người thôn nữ/ Cảnh đẹp này có được bao nhiêu?”.
Hàng năm, khi rừng hồi, rừng quế nhuộm lá xanh tươi và tỏa hương thơm ngát, Đồng Văn lại bước vào một ngày hội lớn. Chẳng biết từ bao giờ, người Dao ở đây tin rằng trong ngày 4/4 Âm lịch, dù có làm bất cứ điều gì trong ngày này cũng không thuận lợi, dựng nhà thì nhà đổ, làm nương thì cây lúa chẳng trổ bông. Chính vì thế, họ tạm gác lại mọi công việc, thả trâu lên rừng, cả bản cùng nghỉ ngơi đi chơi hội. Chị Tằng Sám Múi, bản Khe Tiền, xã Đồng Văn, chia sẻ: “Hôm nay mùng 4 tháng 4 kiêng gió, hôm nay không làm gì, chỉ đi chơi. Ngày xưa đã có ngày này rồi, bố mẹ vẫn kiêng, lớn lên lại thấy bảo phải kiêng. Có ai thì cùng nhau dẫn đi chơi, ai thích đi thì đi, ai không đi thì ở nhà thêu hoa”.
Họ rủ nhau “Mì sèng phẩy hêy dảo”, theo tiếng Dao có nghĩa là “đi chơi chợ mùng bốn tháng tư”. Từ sáng sớm, con đường xuống chợ đã đông nghẹt người. Màu áo đỏ rực, chiếc mũ cao của chị em người Dao cứ dập dìu giữa đám đông, nổi bật giữa sắc áo lam, áo đen của người Sán Dìu, người Tày.
Chợ Đồng Văn ngày hội cũng khác hẳn ngày thường. Người ta không chỉ đến chợ mua sắm mà còn đi chơi, trò chuyện và bán những sản vật địa phương. Cánh đàn ông mê mải với hàng bán dao, bán giày. Đám chị em thì sà vào hàng vải, chỉ thêu. Họ tự hào khoe với nhau những vạt áo, những ống quần có hoa văn tinh tế chính tay mình thêu nên trong cả năm trời. Phụ nữ người Dao ưa bịt răng vàng, nụ cười lấp lánh dưới ánh nắng, tiếng cười cứ thế ríu rít trong phiên chợ đông vui.
Thế nhưng, điều đẹp nhất của ngày hội “Kiêng gió” với người Dao chẳng phải được vui chơi mà là được tự do gặp mặt, hò hẹn. Chẳng kể trai hay gái, già hay trẻ, tất cả mọi người đều coi đây là ngày để tìm đến người thân, bạn bè, cùng tâm sự chuyện quá khứ, nói những chuyện tương lai. Bất kể ai cũng được uống rượu, uống bia, kể cả những người phụ nữ ngày thường vốn dè dặt, kín đáo. Càng về trưa, những hàng bia, hàng rượu càng đông khách, họ ngồi bên những chiếc bàn lớn, cùng uống, cùng hát với nhau. Cô gái trẻ Chìu Thị Mến, thôn Khe Moóc, hồn nhiên kể: “Hôm nay đi ra chợ, gặp bạn thì uống bia, có người uống nhiều quá mua đồ rồi lại vất đi không nhớ mang về nữa”.
Say trong men rượu, men tình càng nồng nàn hơn. Những cô gái, những chàng trai gặp nhau ngày hội, hát câu Pả Dung, Sán Cố mà giao duyên. Câu hát nồng nàn mà ý nhị: “Thấy bông hoa nở bên kia bờ suối/ Muốn sang hái mà chẳng có thuyền sang”, “Anh muốn ngắt hoa, đừng lo anh nhé/ Anh hãy hái lá, làm thuyền mà bơi sang”.
Có người ví hội Kiêng gió tựa như chợ tình của Sa Pa, của Khau Vai, nhưng hội Đồng Văn khác thế. Người Dao coi đây đơn giản chỉ là dịp để gặp mặt anh em, bè bạn, người trẻ gặp duyên thì kết nên vợ chồng, người già giao lưu để hiểu nhau hơn, để trút bầu tâm sự. Đi từ 5h sáng, anh Trạng Gì Sỉnh từ huyện Tiên Yên cách Bình Liêu 30km cũng đưa bố mẹ đi chơi hội, gặp mặt em gái lấy chồng ở Đồng Văn. Anh kể: “Đi để nhìn anh em, vừa gặp anh em rồi vui chơi thế thôi, đâu đâu xa cũng cố đến đây. Vui thì cứ thế là chơi thôi, có khi vui quá là không về được”.
Những năm gần đây, hội Kiêng gió được mở rộng nên sôi động và nhộn nhịp hơn trước. Không chỉ có người Dao ở Đồng Văn, người Dao từ các huyện lân cận Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà cũng đổ về đây, rồi người Kinh, người Sán Chỉ, người Tày cũng tìm đến. Bà Trịnh Thị Nghị, Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: “Với chủ trương khôi phục các lễ hội văn hoá trên địa bàn huyện, lễ hội Kiêng gió của đồng bào dân tộc Dao đã được khôi phục từ năm 2007, cùng lễ hội đình Lục Nà gắn với hát then đàn tính của người Tày, hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ. Riêng với dân tộc Dao, ngoài hát Pả Dung thì hình thức hát Sán Cố cũng được duy trì hàng năm. Trong tương lai, cùng với phát triển du lịch, trong năm 2015 sẽ xây dụng đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá trên địa bàn, trong đó có cả lễ hội của người Dao này”.
Trong ngày hội “Kiêng gió”, nơi sân khấu, nơi góc chợ Bình Liêu, đâu đâu cũng vẳng tiếng hát của cô gái Dao. Sắc áo đỏ của các cô gái Dao rực rỡ giữa màu xanh của mây trời, rừng núi và tiếng hát cứ da diết theo gió bay ngút ngàn lên đỉnh Cao Ba Lanh.